Vận động xây trường
Nhiều lần về Đức Hòa, tôi nghe người dân, chính quyền “khoe” được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động nhà tài trợ xây dựng trường, tặng thiết bị dạy, học. Trong đó có Trường Tiểu học Nguyễn Thị Hạnh (điểm Giồng Lớn), xã Mỹ Hạnh Nam; đặc biệt là Trường THPT Hậu Nghĩa được xây dựng từ mấy năm trước với kinh phí hơn 130 tỉ đồng.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thực tế kiểm tra tiến độ xây dựng cầu ở xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa
Lễ khai giảng năm học 2016 - 2017, bác Tư Sang về dự tại Trường THPT Hậu Nghĩa. Đánh xong hồi trống khai giảng, bác căn dặn giáo viên, học sinh nỗ lực, quyết tâm gặt hái nhiều kết quả cao hơn nữa. Tôi vẫn nhớ, khi dự lễ khánh thành khu thể thao gần 7 tỉ đồng của trường, bác Tư quay sang nói với một giáo viên: Trong trường có bể bơi, sân bóng đá thế này tốt quá! Nhưng... có rồi thì phải phát huy tốt công năng. Nếu có điều kiện, thỉnh thoảng, nhà trường nên mời một số vận động viên, cựu cầu thủ nổi tiếng trong nước về giao lưu, truyền lửa đam mê cho học sinh. “Khi gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với những nhân vật mến mộ, các em có động lực tập luyện thể thao nhiều hơn” - bác Tư Sang giải thích.
Gần đây, về huyện biên giới Đức Huệ, tôi nghe lãnh đạo huyện thông tin, năm 2017, bác Tư Sang vận động nhà tài trợ xây dựng 2 ngôi trường với kinh phí 29 tỉ đồng, trong đó có một trường hoàn thành, trường còn lại đã thi công san lấp mặt bằng. Riêng Trường THCS Mỹ Quý, xã Mỹ Quý Tây, khởi công đầu năm 2017, khánh thành tháng 10/2017, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 9 tỉ đồng. Sắp tới, ngôi trường này sẽ có 200 học sinh học tập.
Những cây cầu nối nhịp bờ vui
Mới 8 giờ nhưng ông Nguyễn Văn Uẩn (75 tuổi), ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, đã ra trung tâm xã và quay trở về nhà. Khi qua cầu Kênh Chùa vừa khánh thành, ông dừng lại 5 phút ngắm nhìn rồi đi tiếp.
“Mấy bữa nay, trong người không được khỏe nên ngày nào, tôi cũng đi xe gắn máy ra trạm y tế khám, mua thuốc uống, tiện thể ghé chợ mua thịt, cá về nấu cơm. Giờ đường mở rộng, có cầu bêtông nên đi một chút là ra đến chợ, về đến nhà. Còn lúc trước, đường hẹp, cầu tạm quá nhỏ nên đi chậm, mất nhiều thời gian, nhiều khi về đến nhà, mớ rau tươi đã héo” - ông Uẩn nói.
Bác Tư Sang cùng đơn vị tài trợ, đại diện chính quyền địa phương phấn khởi bước đi trên cây cầu vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng
Cầu Kênh Chùa là 1 trong 8 cây cầu bêtông, cốt thép ở xã Hòa Khánh Tây được khởi công tháng 6-2017, khánh thành ngày 12/12/2017. Tất cả những cây cầu này đều do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng. Kinh phí xây dựng thấp nhất là 450 triệu đồng/cầu, cao nhất 500 triệu đồng/cầu. Thiết kế cầu có 2 trụ, dài bình quân từ 15-20m, có lan can, bề ngang 3-4m, trọng tải 3,5 tấn. Có lẽ, năm 2017, những cây cầu này là công trình dân sinh lớn và ý nghĩa nhất được xây dựng ở địa phương.
Với ông Nguyễn Văm Rắm (84 tuổi), ngụ ấp Hóc Thơm 2, ký ức về một đoạn đường mòn chỉ vài cây số nhưng có gần 10 cây cầu khỉ, sau này được thay thế cầu tạm bằng gỗ (bề ngang khoảng 1m) chẳng bao giờ quên. Mỗi lần chở vật liệu, chanh, người dân phải sử dụng xuồng hoặc xe gắn máy. Có những lần, cầu gãy nên cả người lẫn xe đều rớt xuống kênh. Bây giờ, có cầu bêtông, người dân đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Vùng quê này rồi sẽ khác! “Bây giờ, có việc cần đến UBND xã là tôi đạp xe đi liền chứ không ngán ngại như trước. Làng trong, xóm ngoài không còn ngăn cách, tết này vui hơn nhiều!” - ông Rắm hồ hởi nói. Ông cảm ơn nhà tài trợ và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - người vận động xây những cây cầu nối nhịp bờ vui.
Ông Nguyễn Văn Rắm (84 tuổi), ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, thong dong dẫn xe qua cầu Kênh Chùa
Ngoài 8 cây cầu ở xã Hòa Khánh Tây, năm 2017, bác Tư Sang còn vận động nhà tài trợ xây dựng 11 cây cầu ở những vùng sâu của huyện, tất cả đều được khánh thành, đưa vào sử dụng. Còn theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, năm 2017, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tạp chí Nông thôn Việt vận động nhà tài trợ xây dựng gần 80 cây cầu nông thôn và 5 cống ở các huyện biên giới của tỉnh. Cầu có kinh phí đầu tư lớn nhất trên 1,7 tỉ đồng, còn lại bình quân từ 800-900 triệu đồng. Hiện nay, có gần 20 cầu hoàn thành, số khác đang thi công.
Người dân và cán bộ ở tỉnh quá quen với hình ảnh bác Tư Sang trong trang phục giản dị, chân đi dép, đầu đội nón tai bèo có mặt trên những con đường đất ở vùng sâu, biên giới để khảo sát, kiểm tra hiện trạng, tiến độ thi công. Những công trình còn chậm, ông nhắc nhở đơn vị thi công làm nhanh, nhưng phải bảo đảm chất lượng để phục vụ người dân. Gặp người dân, nguyên Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm, căn dặn chí thú làm ăn, đoàn kết và nhắc nhở cán bộ địa phương xây dựng nông thôn mới không chạy theo hình thức mà phải lấy dân làm chủ thể,... “Những lần như thế làm chúng tôi rất xúc động!” - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh bày tỏ.
Có lần, đi công tác ở xã Mỹ Hạnh Nam, tôi gặp ông Trương Văn Minh - anh ba của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông nói thế này: “Thấy chú Tư về hưu rồi mà vẫn làm nhiều việc ý nghĩa như vận động xây trường, mở lớp, tặng học bổng cho học sinh, tặng bò cho người nghèo, làm cầu, đường ở vùng sâu,... tôi cũng vui lây. Tôi luôn nhắc nhở con cháu, đừng bao giờ có suy nghĩ, thấy chú Tư làm lớn rồi vịn vào trông chờ, ỷ lại; là con cháu của chú thì càng phải noi theo, học tập, làm việc cho xứng đáng”./.
Lập Trường