Tiếng Việt | English

03/12/2024 - 10:56

Nghị lực của những người khuyết tật

Đối với những người bình thường, việc vươn lên từ hai bàn tay trắng đã là điều không dễ. Với một người khuyết tật, đây là cả một thử thách rất lớn. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Nhiều người khuyết tật vẫn tràn đầy nghị lực, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường.

Vượt lên số phận

Bỏ qua mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể, anh Phan Thanh Việt (SN 1983, ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Vốn dĩ sinh ra với cơ thể khỏe mạnh, lành lặn nhưng cơn sốt cao lúc 12 tháng tuổi khiến anh bị bại liệt 1 chân và chịu cảnh sống tật nguyền suốt mấy chục năm qua.

Bỏ qua mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể, anh Phan Thanh Việt (huyện Thủ Thừa) luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh

Anh Việt kể, hồi trước khó khăn lắm, lúc đó, anh và chị gái sốt cao. Cha mẹ anh chèo xuồng đưa 2 chị em lên thị trấn Thủ Thừa thuê xe lam chở đi bệnh viện. Trên đường đi, vì sốt quá cao nên chị không qua khỏi. Anh may mắn được đưa lên bệnh viện điều trị kịp thời. Sau khi xuất viện, gia đình tiếp tục đưa anh đi châm cứu.

Thời điểm đó, anh chỉ nằm một chỗ, sinh hoạt hàng ngày đều cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Thấy vậy, gia đình mua cho anh chiếc xe để tập đi. Đến 6 tuổi, chân phải của anh mới dần có cảm giác.

Bị khiếm khuyết cơ thể nhưng anh Việt không đầu hàng số phận. Từ nhỏ, anh rất ham học. Hàng ngày, anh được mẹ cõng đến trường. Đến khi học lớp 3, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, anh Việt đành dang dở việc học.

“Nhiều lúc tôi cũng buồn vì cơ thể mình không lành lặn, cứ nghĩ mình sẽ chẳng làm được việc gì hữu ích nhưng với sự động viên từ gia đình, tôi nhận ra rằng, dù như thế nào, mình cũng phải sống tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, tôi xin cha mẹ cho đi bán vé số để có thể tự nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho gia đình” - anh Việt chia sẻ.

Công việc này gắn bó với anh cũng hơn 10 năm. Trong thời gian đi bán vé số, anh gặp được vợ là chị Trịnh Thị Kim Ti, sau thời gian tìm hiểu, anh chị quyết định chung sống cùng nhau. Hiện anh chị có với nhau 2 người con (bé trai 8 tuổi, bé gái 4 tuổi).

Là trụ cột chính trong gia đình, mỗi ngày, khi trời vừa hửng sáng, anh Việt đi bán vé số. Do vợ anh khi mới sinh ra đã bị khiếm thính và hạn chế về ngôn ngữ nên anh Việt muốn vợ ở nhà làm nội trợ. “Hàng ngày, tôi bán vé số được khoảng 200.000 đồng. Mặc dù thu nhập không nhiều nhưng chỉ cần công việc chân chính có thể kiếm tiền và phù hợp với sức khỏe thì tôi làm để lo cho gia đình, trang trải cuộc sống” - anh Việt nói.

Thanh niên khuyết tật vượt khó

Anh Huỳnh Công Thân (SN 1992, ngụ ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) trải qua cuộc đời đầy thử thách. Chỉ một tháng rưỡi sau khi chào đời, anh bị sốt bại liệt khiến đôi chân yếu và phải gắn bó với đôi nạng từ đó đến nay. Trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, việc chạy chữa cho anh thời điểm ấy là điều không thể.

Dù bị khuyết tật nhưng anh Huỳnh Công Thân (bên trái, huyện Bến Lức)vẫn sống có ích, không là gánh nặng cho xã hội

Dẫu biết rằng bản thân khác biệt nhưng khi còn nhỏ, anh Thân chưa thật sự nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, đến năm 10 tuổi, anh bắt đầu cảm nhận sự khác biệt và tự hỏi: “Tại sao mình lại không thể chạy nhảy như bạn bè?”. Cảm giác mặc cảm và việc đi lại khó khăn khiến anh quyết định nghỉ học khi hết lớp 5.

Anh Huỳnh Công Thân (huyện Bến Lức) luôn trích phần thu nhập hàng tháng để giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn

Anh Thân tâm sự: “Biến cố tiếp tục ập đến khi tôi bước sang tuổi 15, lần này là căn bệnh suy tim. Nặng lắm, gia đình phải vay mượn tiền khắp nơi để cứu tôi qua cơn “thập tử nhất sinh”. Giai đoạn đó, có lúc tôi muốn gục ngã và nghĩ đến việc từ bỏ cuộc đời. Tôi điều trị bệnh đến năm 18 tuổi thì khỏe lại, khi đó mới nhận ra rằng nếu mình từ bỏ, nỗi đau sẽ nặng nề hơn đối với gia đình. Chính tình yêu thương từ cha mẹ và người thân đã giúp tôi tìm lại ý chí, quyết tâm sống có ích”.

Thế là từ đó, anh Thân bắt đầu tận dụng mạng xã hội Facebook và Zalo để kinh doanh. Từ việc bán vé số online đến môi giới bất động sản, anh Thân dần tạo được niềm tin và uy tín. Nhờ đó, thu nhập trung bình của anh đạt khoảng 6-7 triệu đồng mỗi tháng, đủ để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, anh Thân luôn gánh vác trách nhiệm lo cho 2 người em gái đang tuổi ăn học. Sự kiên cường và lòng nhân ái của anh không chỉ giúp gia đình vượt qua khó khăn mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh Thân không ngừng lan tỏa yêu thương. Trong đợt dịch Covid-19, anh kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho những người bị cách ly, cung cấp thuốc men, thực phẩm và khẩu trang. Sau dịch, anh tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Nhờ tính minh bạch và sự tận tâm, anh nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 9, xã Lương Hòa - Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Anh Huỳnh Công Thân bị khuyết tật từ nhỏ nhưng rất nỗ lực, vượt lên chính mình, là minh chứng cho nghị lực sống phi thường. Anh đã vượt qua nghịch cảnh, không chỉ để sống mà còn cống hiến cho xã hội. Anh là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó, không lùi bước trước thử thách”.

Người thợ may giàu nghị lực

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (SN 1981, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) sớm phải đối mặt với nghịch cảnh. Một cơn sốt khi còn nhỏ đã khiến đôi chân chị bị teo lại, việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn. Thế nhưng, chị Thanh không để số phận định đoạt cuộc đời mình mà tự tay “may” nên những ngày tháng tươi sáng bằng nghị lực phi thường.

Dù khuyết tật nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (huyện Cần Đước) vẫn quyết tâm vươn lên, tạo kinh tế và thu nhập ổn định

Chị Thanh quyết tâm tự lập, tìm kiếm một nghề để tự nuôi sống bản thân. Với niềm đam mê nghề may, năm 16 tuổi, chị bắt đầu học việc tại một tiệm may gần nhà. Nhớ lại những ngày đầu, chị Thanh chia sẻ rằng đôi chân yếu ớt liên tục đau nhức vì phải vận động nhiều nhưng chị chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ.

Ý chí kiên cường và khát khao tự chủ giúp chị vượt qua mọi trở ngại, quyết tâm không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sau 2 năm miệt mài học tập, chị mở tiệm may nhỏ tại nhà, bắt đầu hành trình khởi nghiệp với nguồn vốn ít ỏi.

Chị Thanh kể: “Lúc mới bắt đầu, tôi chỉ có 1 chiếc máy may. Khách hàng chủ yếu là người dân trong xóm. Muốn vắt sổ hay làm khuy áo, tôi phải nhờ ba chở đi hơn 5km. Mỗi ngày, tôi vừa làm, vừa học hỏi, tự thiết kế nhiều mẫu trang phục để giới thiệu cho khách. Có những đêm thức trắng để kịp giao hàng. Cầm trên tay những đồng tiền đầu tiên do chính mình kiếm được, tôi đã bật khóc vì quá hạnh phúc”.

Dần dần, chị Thanh tự lên ý tưởng và thiết kế nhiều mẫu quần áo đa dạng, từ áo sơ mi, quần tây, áo dài, áo bà ba đến các bộ đồ mặc ở nhà hợp thời trang. Tiếng lành đồn xa, tiệm may của chị không chỉ nhận được sự tin tưởng của người dân trong xã mà còn thu hút khách hàng từ các địa phương lân cận. Gần 30 năm gắn bó với nghề may, chị Thanh biến đam mê thành nguồn thu nhập ổn định, với mức lương từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng, tùy thời điểm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Vân, huyện Cần Đước - Trần Huệ Ngọc nhận xét: “Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh bị khuyết tật chân nhưng đã tự trang bị cho mình một nghề để tạo ra thu nhập. Chị là thợ may lành nghề, đã mở cho mình một tiệm may riêng tại nhà và phát triển thêm dịch vụ bán vải, may sẵn quần áo để bán cho khách. Ngoài ra, chị cũng tận dụng mạng xã hội để giới thiệu về các sản phẩm vải và mặt hàng quần áo do chị làm ra để ngày càng nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của chị. Chị là tấm gương điển hình về phụ nữ khuyết tật nghị lực vươn lên”.

Câu chuyện của chị Thanh là minh chứng sống động cho ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để làm chủ cuộc đời. Tháng 11/2023, chị vinh dự được tham gia họp mặt, biểu dương phụ nữ khuyết tật vượt khó thành công do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Đây là niềm vui, động lực để chị tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Còn rất nhiều người khuyết tật ở nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đang tự mình vươn lên, bỏ qua mặc cảm với số phận, họ sống và hòa nhập với cộng đồng. Người khuyết tật cũng đang đóng góp sức mình trong công cuộc đổi mới của đất nước./.

Quan tâm chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật 

Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ và chăm lo cho người khuyết tật được triển khai từ cung cấp phương tiện đi lại, học nghề đến hỗ trợ việc làm và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết