Tiếng Việt | English

29/09/2020 - 10:20

Nghệ thuật đờn ca tài tử sống mãi trong lòng người dân

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trải qua nhiều thăng trầm, những câu lạc bộ (CLB) ĐCTT vẫn âm thầm tồn tại dù gặp không ít khó khăn.

Ở độ tuổi “cổ lai hy”, là người chơi đờn chính và truyền dạy cho các thành viên trong câu lạc bộ nhưng ông Hai Bắc vẫn mày mò tự học đờn mỗi ngày

“Mê thì khó bỏ”

Ông Hai Bắc (tên thật Nguyễn Thành Chí, ngụ ấp 6, xã Thạnh Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) kể, hơn 40 năm nay, tuần nào nhà ông cũng nhóm họp những người đam mê ĐCTT. Từ thời đất nước vừa thống nhất, kinh tế còn khó khăn, anh em họp mặt với nhau chỉ có tiếng đờn hòa với giọng ca, uống nước suông, không trà, không bánh. Sau mấy mươi năm, cuộc sống nhiều thay đổi, chỉ còn những người “ưa” đờn ca thì vẫn giữ lệ thứ bảy hàng tuần đến nhà ông Hai Bắc để nhóm họp. Ông Hai nói: “Tụi tui chơi ĐCTT vì mê, mà mê thì khó bỏ lắm! Anh chị em mày mò tự học với nhau, vừa chơi, vừa sửa, vui là chính”.

CLB ĐCTT xã Thạnh Ðức được thành lập trên nền tảng nhóm đờn ca nhà ông Hai Bắc. Và ông được bầu làm chủ nhiệm bởi ông được xem là người “truyền lửa” cho những thành viên khác. Nhà ông có quyển sách dạy đờn nên thi thoảng ngồi một mình, ông lại mang đờn, mang sách ra tự học.

Ông chơi được đờn kìm, đờn sến và ghita cổ rồi hướng dẫn lại cho những thành viên khác. Dù không ca nhưng ông cũng là người chỉ dẫn hơi, điệu cho người khác ca. Cuối tuần nào không có đờn ca là ông thấy “buồn trong bụng” vì với ông, “nhờ có vậy mà tuổi già thêm vui!”. Ông nói: “Họp lại uống trà, ăn bánh rồi người đờn, người hát từ 18 giờ tới gần 22 giờ mới nghỉ. Lâu lâu anh em làm tiệc, mời mấy CLB của xã khác tới giao lưu, chỉ dẫn cho nhau”. 

ĐCTT vốn là loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành và “nuôi sống” bởi nếp sinh hoạt bình dị của người dân. Do đó, một buổi sinh hoạt ĐCTT đúng  chất phải có chút trà, chút bánh,… Người đờn, người hát ngồi quây quần quanh bàn tròn nhỏ hoặc ngay trên sàn nhà, chỉ cần chỗ nào thuận tiện, thoải mái là được, không câu nệ cũng chẳng cần sân khấu hay khán giả. Người chơi tài tử sẽ đờn hát cho nhau nghe để thỏa niềm đam mê. 

Thầy Bảy Hướng (ông Châu Văn Hướng, ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) khẳng định, muốn chơi được ĐCTT phải có cái “máu” đờn ca. Lỡ mê rồi thì dù có đi đâu, làm gì cũng sẽ không bỏ được. Thầy giải thích: “Lỡ mê đờn ca rồi thì dù đi làm ăn ở đâu, bận bịu cỡ nào cũng sẽ tìm được anh em cùng sở thích hoặc tự mình đờn, hát giải khuây. Như tôi đây, thỉnh thoảng tuổi già mất ngủ cũng lấy đờn ra đờn suốt cả đêm”.

CLB ĐCTT của xã Vĩnh Châu B có 20 thành viên và sinh hoạt mỗi tháng 3 lần tại nhà thầy Bảy Hướng. Nhưng sắp tới đây, địa phương có định hướng giao cho CLB một trụ sở văn hóa ấp không sử dụng để có nơi sinh hoạt thoải mái, thuận tiện hơn. 

Ước mong người trẻ cũng quan tâm

“Máu chơi tài tử” là điều mà những tài tử miệt vườn thường dùng để giải thích cho sự say mê của mình đối với thú chơi vừa dân dã lại vừa không kém phần tao nhã. Dù cho cuộc sống khó khăn, vất vả cỡ nào, những người chơi tài tử ít ai bỏ cây đờn được. Thêm một người cùng sở thích, cùng chơi là những người như ông Hai Bắc, thầy Bảy Hướng “mừng trong bụng”. Chính vì vậy, ai muốn học gì, các ông đều chỉ, hoàn toàn miễn phí, chỉ mong sao người ta biết rồi cũng yêu thích giống như mình. Thế nhưng, CLB ĐCTT ở các địa phương thường chỉ duy trì ở mức “đôi chục” thành viên, độ tuổi thường từ trung niên đến quá nửa đời người. 

Trẻ hóa những người chơi ĐCTT là mong ước, hy vọng của những người “lỡ” yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhưng điều đó thực sự chẳng dễ dàng khi tuổi trẻ ngày nay có rất nhiều lựa chọn, nhiều bận bịu và áp lực. Thầy Bảy Hướng chia sẻ, học trò của thầy giờ có trên 20 người, người trẻ nhất cũng hơn 20 tuổi. Người trẻ theo học thì có nhưng rồi cuộc sống bận bịu, nhiều lo toan, họ lại không thể nào góp mặt đờn ca. Thầy Bảy nói: “Tôi có đứa học trò học đờn ghita cổ, đờn nghe khá lắm, mới hơn 20 tuổi, trẻ nhất CLB. Trước tôi có đứa học trò cũng trẻ, là con gái mà giỏi, ca hay, đờn được đờn kìm nhưng đến lúc lập gia đình thì cũng bỏ, không sinh hoạt nữa”.

Đờn ca tài tử vốn là loại hình nghệ thuật dân gian, được hình thành và “nuôi sống” bởi nếp sinh hoạt bình dị của người dân. Chỗ đờn ca tài tử chỉ cần thuận tiện, thoải mái là được, không câu nệ cũng chẳng cần sân khấu hay khán giả

Theo cán bộ văn hóa xã Vĩnh Châu B - Nguyễn Quốc Hùng, nhiều người dân Vĩnh Châu B và người dân ở các xã lân cận (thuộc tỉnh Đồng Tháp) yêu thích ĐCTT, tìm đến học thầy Bảy Hướng cách đờn, ca. Với mục đích truyền lại bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ sau, thầy Bảy Hướng không nhận học phí bất kỳ học viên nào, chỉ mong khi học xong, các bạn trẻ sẽ vẫn vẹn nguyên tình yêu dành cho nhạc cổ như thầy vậy. Nhưng rồi sau đó, do điều kiện nên nhiều học trò của thầy ít tham gia sinh hoạt ĐCTT thường xuyên.

Nhìn những cây đờn treo trong nhà, thầy Bảy Hướng nói: “Bây giờ, đa số đều học đờn ghita. Cây đờn ấy dễ học, dễ đờn, dễ ứng biến với bạn ca và cũng có cơ hội “đi show” làm kinh tế nữa. Còn những loại đờn chuyên dụng khác cho ĐCTT thì hầu như ít có bạn trẻ “mặn mà””.

Bằng tình yêu chân thành, lòng thủy chung, những người tài tử đã nuôi dưỡng, duy trì bộ môn nghệ thuật truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không cần phải có kinh phí hoạt động, họ đờn hát vì đam mê, tự nguyện. Họ cũng không cần được vinh danh, chỉ âm thầm học, đờn, ca theo sự say mê của riêng mình và truyền dạy lại thế hệ sau cũng chính bằng tình yêu ấy. Nhờ vậy, ĐCTT vẫn âm thầm sống trong thời đại ngày nay./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết