Tiếng Việt | English

19/04/2017 - 11:55

Nghề sửa đồng hồ “Lay lắt” theo thời gian

“Chỉ có tỉ mỉ, kiên trì mới gắn bó với nghề mấy chục năm nay” - đa số người sửa đồng hồ ở TP.Tân An, tỉnh Long An đều nói như thế! Nếu không nhẫn nại và yêu thích, có lẽ, nhiều người quay lưng vì nghề sửa đồng hồ bây giờ qua thời hưng thịnh...

“Níu” Nghề!

Với “thâm niên” hơn 40 năm gắn bó, có thể gọi ông Hồ Hữu Đức, 57 tuổi, ngụ phường 3, TP.Tân An là một “lão làng” trong số những người làm nghề sửa đồng hồ ở TP.Tân An.

Chiếc tủ sửa đồng hồ cũ kỹ theo ông suốt chặng đường mưu sinh 40 năm, dù nhiều người bảo thay chiếc tủ mới nhưng ông vẫn giữ lại nó. Bởi, chiếc tủ ấy như người bạn tri kỷ gắn bó với ông mỗi ngày trong mấy chục năm qua. Hơn nữa, đó là “kỷ vật” mà cha ông để lại.

Chỉ có lòng kiên trì và đam mê, ông Hồ Hữu Đức mới giữ nghề sửa đồng hồ đến tận hôm nay

Trong chiếc tủ ấy, một số vật dụng sửa đồng hồ có từ trước ngày giải phóng như chiếc búa nhỏ, ông Đức vẫn còn dùng và gìn giữ cẩn thận. Chiếc búa cùng nhiều vật dụng khác là đồ nghề cha ông để lại khi ông nối nghiệp sửa đồng hồ.

“Những kỷ vật của cha cùng với niềm đam mê là động lực để tôi làm nghề đến tận hôm nay” - ông Đức chia sẻ.

Ông Đức kể về “duyên nợ” với nghề sửa đồng hồ: “Hồi đó, tôi học lớp 4. Đi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà, cha bắt ngồi xem, học nghề sửa đồng hồ. Cứ mỗi lần ngồi bên cha học nghề là ngán ngẩm nên tôi hay ngủ gật. Vậy mà, ngồi suốt mấy tháng ròng, biết nghề rồi thích lúc nào chẳng hay. Khi cha lớn tuổi, không làm nghề nữa thì tôi tiếp nối. Đó là năm 1976”.

Sau 2 năm sửa đồng hồ tại nhà, năm 1978, ông Đức chuyển ra bên ngoài, chọn một góc đường để làm nghề. Hiện tại, góc nhỏ phía trước một tiệm may, trên đường vào chợ Tân An (phường 1) là nơi ông cặm cụi mỗi ngày với nghề “chỉnh sửa thời gian”.

“Nhiều lần dời chỗ nhưng góc đường này là nơi gắn bó lâu nhất với tôi - hơn 10 năm vì vị trí thuận lợi. Hàng ngày, người qua lại đi chợ thấy tôi ngồi sửa đồng hồ nên biết, ghé sửa và dần dần trở thành khách quen” - ông Đức nói.

Bây giờ, tìm một thợ sửa đồng hồ ngoài phố không dễ, nhất là những người có thâm niêm vài chục năm. Theo ông Lê Tấn Chương, người có thâm niên 30 năm làm nghề sửa đồng hồ, lúc trước, “đội ngũ” làm nghề sửa đồng hồ từ 30 năm trở lên có trên 10 người nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 5 người. Trong đó, có ông Đức, ông Chương, ông Lợi,... là những thợ còn “níu nghề” đến hôm nay.

Làm dâu trăm họ

Một lần ngồi trò chuyện cùng ông Đức khi có khách mang đồng hồ đến sửa, tôi càng hiểu hơn về công việc này. Nghề sửa đồng hồ tuy không nặng nhọc nhưng quả thật là “làm dâu trăm họ”.

Chị khách hàng hôm đó đến sửa chiếc đồng hồ bị “chết máy”. Sửa xong, ông Đức lắp vào vỏ và giao cho khách. Thấy vỏ đồng hồ của mình bị trầy xước, chị yêu cầu tháo ra, thay vỏ mới. Ông vẫn chiều lòng khách nhưng khi lắp vỏ đồng hồ mới vào, khách hàng không ưng ý, yêu cầu tháo ra, lắp lại vỏ cũ và trả tiền công sửa hoàn thành chiếc đồng hồ là 50.000 đồng.

“Nghề này vậy đó, phải nguội tính mới làm được, chứ nóng tính sẽ mất khách” - ông Đức quay sang nói với tôi. Không những điềm tĩnh, ôn hòa, nghề sửa đồng hồ cũng cần sự kiên trì.

Nghề sửa đồng hồ là nghề mưu sinh chính để ông Hồ Hữu Lợi lo cho gia đình, nuôi 2 người con học hành. Bây giờ, một người con của ông ra trường đi làm, đứa út là sinh viên trường Đại học Y Dược TP.HCM

Ông Hồ Hữu Lợi, 53 tuổi - người sửa đồng hồ ở phường 1, TP.Tân An chia sẻ: “Tôi làm nghề hơn 30 năm. Mỗi ngày, cứ sáng sớm, tôi ra góc đường Nguyễn Trung Trực ngồi cặm cụi sửa đồng hồ đến chiều tối mới về nhà. Chỉ có kiên nhẫn mới có thể ngồi cả ngày như vậy được”.

Hơn nữa, khác với ngày xưa, đồng hồ lên dây được sử dụng nhiều, khách hàng đến sửa chủ yếu là chùi dầu và chỉnh giờ chính xác; còn bây giờ, đồng hồ sử dụng mạch điện nên khi sửa phải tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.

“Đồng hồ ngày càng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng nên thợ cũng phải tìm tòi trong cách sửa để đáp ứng nhu cầu của khách. Phần lớn công việc là nghề dạy nghề” - ông Lợi cho biết thêm. Nhiều chi tiết đòi hỏi phải tỉ mỉ nhưng tiền công nhận được chẳng bao nhiêu.

Một chiếc đồng hồ thay pin, chùi dầu, thay dây hay sửa máy,... chỉ vài chục ngàn đồng. Ông Lợi nói rằng: “Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng. Đồng hồ bây giờ giá rẻ, khi hư, người ta thường bỏ, mua cái mới - thay vì sửa”. Chính điều này làm nghề sửa đồng hồ qua thời hưng thịnh và người làm nghề cũng “lay lắt” theo thời gian.

Với thu nhập 300.000 đồng/ngày trở xuống, những người làm nghề sửa đồng hồ - những lao động chính trong nhà, chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng đó là niềm đam mê, kế mưu sinh từ thuở còn trẻ đến bây giờ nên không ai bỏ nghề. Và để có thu nhập nuôi các con ăn học, những người như ông Chương, ông Lợi,... - thợ sửa đồng hồ, phải “hội tụ” tất cả sự kiên trì, tính tỉ mỉ và điềm đạm như trên để “giữ chân” khách hàng.

Mai này, trên các ngả đường Tân An sẽ vắng dần hình ảnh những người thợ miệt mài bên những “chiếc máy thời gian”. Khi ngày càng lớn tuổi, đôi mắt không còn sáng như thời trẻ thì họ phải chia tay với nghề - dù đam mê đến mấy! Vì vậy, nghề sửa đồng hồ tuy chỉ còn “lay lắt” theo thời gian nhưng ngày nào còn “níu giữ” được, những người làm nghề vẫn cố gắng theo đuổi./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết