Tiếng Việt | English

14/07/2018 - 19:19

Nghệ sĩ Phương Quang: 'Đã nhờ cơm Tổ nuôi sống cả nhà'

Nghệ thuật cải lương nay lại vắng bóng một người khi nghệ sĩ Phương Quang vừa qua đời sáng 13/7 tại nhà riêng.

NSƯT Phương Quang trong vai diễn kinh điển: Vua Riêm - Ảnh: Thanh Hiệp

NSƯT Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sinh năm 1942 tại Dĩ An, Bình Dương. Thời niên thiếu, ông đã yêu thích nghệ thuật cải lương. Sau ngày đất nước được thống nhất, ông đã công tác qua các đoàn: Sài Gòn 2, Văn Công TP rồi Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, 2-84...

Tôi vốn là một thanh niên đen cháy, xấu xí, muốn dùng nghề hát để đổi đời, nhưng đi đoàn nào cũng bị chê, cho đến khi tôi ý thức phải đầu tư cho chính giọng ca của mình

Nghệ sĩ Phương Quang

Vua Riêm - "gia sản" lớn của cải lương

NSƯT Phương Quang để lại khá nhiều vai diễn hay, tạo được sự chuyển biến mới mẻ trong cách ca, cách ngân, luyến đã dần dần thoát khỏi thần tượng là NSND Út Trà Ôn như: Năm Báu (vở Tình yêu và lời đáp - HCV Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 1985), cán bộ tư lệnh (vở Lời ru của biển - HCV Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 1990), Tám Khỏe (vai Người ven đô)...

Nhưng nhắc đến nghệ sĩ Phương Quang, vai vua Riêm là một trong những gia sản lớn của kịch bản kinh điển cải lương, vai diễn mà hầu hết các thí sinh nhiều cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương suốt 10 năm qua đều chọn để thi thố.

Thời VTV3 khởi động chương trình Thường thức sân khấu, số đầu tiên đạo diễn Đoàn Bá mời ông và NSƯT Thanh Vy nói về quá trình hóa thân vào hai vai diễn kinh điển "Xê Đa" và "vua Riêm" (vở Nàng Xê Đa đã diễn hơn 1.500 suất), ông như rứt hết ruột gan để trao truyền cho diễn viên trẻ.

Vốn là dân Dĩ An nên điều gì dính đến vùng đất này ông cũng hăng hái. Chạy tìm tài trợ để xây lại con đường làng; xin từng quyển tập cho học sinh nghèo của huyện; rồi đến khi Dĩ An có một khu đất sắp sửa xây nghĩa trang thì ông cũng xin vài miếng để "cho nghệ sĩ nghèo, lỡ khi chết không có chỗ chôn thì tội, mà đất nghĩa trang nghệ sĩ đã chật" - ông chân thành nói.

Đằng sau một danh ca

Trong đêm tái diễn live show NSƯT Thanh Sang (năm 2008), những bạn bè đồng nghiệp trong hậu trường gặp lại hình ảnh quen thuộc như khi NSƯT Phương Quang còn công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang, đó là bà Hương - vợ ông - luôn ở bên chồng lo lắng, chăm sóc cho ông.

Hiến xác cho y học

Yêu quý "vua Riêm", công chúng hôm nay còn thêm quý trọng di nguyện muốn được hiến xác cho y học của ông. "Sau khi ba tôi qua đời, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã tiếp nhận xác, gia đình vẫn để di ảnh và bàn thờ của ba tôi tại nhà (tại 1033 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) để khán giả, người hâm mộ và các nghệ sĩ đồng nghiệp đến viếng" - Tô Quang Bảo, con trai của NSƯT Phương Quang, cho hay.

Sự nghiệp của ông luôn có bà âm thầm đứng sau. Ông đã trải qua 17 đoàn hát với hơn 100 vở tuồng, thì bà là một thư ký cần mẫn, lo lắng cho ông, đứng sau những thành công của một danh ca. 

NSƯT Phương Quang từng tâm sự: "Bà xã tôi ghét cải lương, vậy mà ông trời lại trao cho một ông chồng là nghệ sĩ lãng tử, đa tình. Tôi gặp vợ tôi năm 1972, lúc đó cô ấy theo một người bạn vào phim trường Đài truyền hình Sài Gòn (HTV ngày nay). Tôi đến làm quen và mời đi xem cải lương. 

Xui cho tôi suất đó diễn vở Tâm sự người cha, tôi được giao đóng vai ông già... Xem đến nửa tuồng, cô ấy bỏ ra về. Tổ thương, cô ấy lại đi xem, tuần sau tôi được đóng vai kép chánh trong vở Qua cầu đắng cay... 

Lúc này cô ấy mới chịu xem hết vở. Năm 1973 chúng tôi tổ chức lễ cưới, đến nay đã có hai mặt con: cháu Tô Quế Phương (sinh năm 1978), cháu Tô Quang Bảo (sinh năm 1986). Sau này bà ấy mới chịu nói, nhờ yêu tôi mà bà ấy yêu luôn nghệ thuật cải lương".

Khi biết sẽ không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, ông từng dặn dò con trai Tô Quang Bảo cố gắng theo nghề của cha, dù chỉ để "ca salon", để hưởng ứng phong trào đờn ca tài tử, thì vẫn phải nhớ "đã nhờ cơm Tổ nuôi sống cả nhà".

Nhiều năm qua ông lâm trọng bệnh, sau ca phẫu thuật não ông bị mất trí nhớ. Và giờ đây ông đã dừng bước ở kiếp nhân sinh. 

Khóc thương ông, khán thính giả vẫn còn nghe đâu đây giọng ca chất chứa đầy tâm sự của một nhà vua, vì phút chốc lỡ lầm đã dẫn đến sự chia ly với người mình yêu. "Vua Riêm" khóc "Xê Đa" dường như vẫn vang trong gió lời ca dạt dào thương cảm./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết