Tiếng Việt | English

06/10/2016 - 20:05

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng - Người lưu giữ Hà Nội qua các bức ảnh

Sống gần trọn một thế kỷ và có 80 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng được giới nhiếp ảnh và công chúng nhắc đến là một nghệ sĩ "đam mê" Hà Nội.

Các bức ảnh nghệ thuật về Hà Nội của ông luôn có tố chất riêng, khó trộn lẫn, không chỉ ghi lại những khoảnh khắc mà còn chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa, ẩn sâu trong đó là những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2016 vừa được trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng như sự tôn vinh những đóng góp, tâm huyết của ông về Thủ đô Hà Nội.

Bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi, sau 3 cuốn phim chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương không thành công, chàng trai Lê Vượng bắt đầu trăn trở và say mê với nghệ thuật “vẽ” bằng ánh sáng. Những năm 30 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh trên tay, Lê Vượng đã lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng trong Lễ nhận Giải thưởng Lớn - Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, đi săn tìm những bức ảnh nghệ thuật không phải là những cuộc rong chơi mà đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học và thật sự tâm huyết. Với ông, để ghi lại được một khoảnh khắc đẹp tại một nơi nào đó, có khi phải mất cả tuần, cả tháng, đi lại nhiều lần và vào mọi thời điểm khác nhau. Trước khi chụp ảnh, ông thường suy nghĩ, ngắm khuôn hình rất lâu và khi đã bắt được khoảnh khắc quan trọng thì bấm máy liên tục để kịp thời lưu giữ được trọn vẹn cái hồn của con người, cảnh vật.

"Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và lòng yêu Hà Nội của mình thì chụp không bao giờ hết. Vì thế bản thân tôi không thể nào rời được chiếc máy ảnh, đi đâu cũng muốn chụp. Mặc dù tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh nhưng cũng rất yêu nghệ thuật hội họa, cho nên thấy đẹp quá thì không thể nào bỏ chụp được, vì thế mà tôi say mê nó thôi" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chia sẻ.

Là cháu của danh họa Lê Phổ, nên những kiến thức về nghệ thuật thị giác, những quan điểm về mỹ thuật như màu sắc, đường nét… được Lê Vượng tiếp thu từ chú và phát huy trong các bức ảnh nghệ thuật của mình.

Đặc biệt, trong những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiệm vụ chụp ảnh, ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ, Lê Vượng đã lao động miệt mài, sáng tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ, lưu được hàng vạn cuốn phim tư liệu về Hà Nội và cả nước.


Một trong các tác phẩm về Hà Nội do nhiếp ảnh gia Lê Vượng chụp

Những tác phẩm nghệ thuật chụp về Thủ đô cũng như các mảng đề tài khác của ông vì thế đều mang một dấu ấn riêng, có chiều sâu văn hóa và mang những giá trị tư liệu quý về di sản kiến trúc.

Ông Lê Cường, con trai nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng cho biết: "Những tác phẩm chụp Hà Nội xưa, bố tôi thường hướng góc máy vào những con phố nhỏ, mái nhà cổ, đình làng cùng những nét văn hóa dân gian đặc sắc, thậm chí là một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang qua phố, với một vẻ đẹp tĩnh tại, cổ kính, trầm mặc".

"Bố tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và gia phả chúng tôi có 500, 600 năm ở đây rồi, chính vì thế nên chúng tôi gắn kết với Hà Nội, yêu Hà Nội. Ông là người rất say sưa, ngay từ năm 18 tuổi đã cầm máy đi chụp về Hà Nội, các vùng quê của Việt Nam và nhiều quốc gia khác nhưng với Hà Nội. Ông có tình yêu tha thiết, có thể nói là đắm mình, gần như những lúc rỗi, bất luận là sáng, trưa, chiều tối, bố tôi đều cầm máy và lững thững đi tìm những khoảnh khắc đẹp về đời sống của con người và phong cảnh của Hà Nội".

Chụp ảnh cả đời nhưng mãi đến năm gần 90 tuổi, Lê Vượng mới chọn lọc được khoảng 200 bức ảnh về văn hóa dân tộc, lễ hội để in cuốn sách ảnh của riêng mình với tên gọi “Những khoảng khắc”. Đây là những tác phẩm đẹp ghi lại những giá trị văn hóa, lịch sử mà theo ông, nếu không lưu giữ, sẽ ngày bị mai một, biến mất.


Những năm 30 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh trên tay, Lê Vượng đã lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô

Nghệ sĩ Lê Vượng đã chọn tác phẩm “Cội nguồn” được chụp năm 1990, ghi lại hình ảnh cây đa Cổ Loa nghìn năm tuổi làm bìa cuốn sách. Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước như: Giải thưởng Bifota của Đức, giải ACCU của Nhật; huy chương bạc FIAP năm 1996… Nhưng có lẽ ở tuổi 98, Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với thủ đô Hà Nội. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chia sẻ:

"Cả đời tôi đã cố gắng rất nhiều và làm cũng rất nhiều, có thể làm được thêm cái gì hay cái đấy. Bây giờ tôi còn muốn lắm nhưng vì sức khỏe nên không làm được gì thêm. Hôm nay, mọi người nhìn được những vấn đề, giá trị, cái đẹp trong các bức ảnh của tôi nên tôi sung sướng quá, đây là cái hạnh phúc nhất đời của tôi" - nhiếp ảnh Lê Vượng cho biết.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, cùng với nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phan Huy Lê, nhiếp ảnh gia Quang Phùng, nhà nghiên cứu Giang Quân… Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng là sự tôn vinh tâm huyết, những cống hiến, đóng góp của ông cho thủ đô Hà Nội.

"Nhiếp ảnh gia Lê Vượng có thể nói là một trong những thế hệ những người cầm máy sớm nhất của nước ta. Chúng tôi tiếp cận ông nhiều là từ khi công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là người ghi lại những hình ảnh, giá trị của di sản văn hóa. Đương nhiên cùng với tích lũy về mặt nghề nghiệp nếu không có tình yêu thì có lẽ đấy chỉ là một công việc hết sức nhàm chán nhưng đây có một niềm say mê.

Vì vậy nhiếp ảnh gia Lê Vượng để lại những di sản rất là tốt, những lưu trữ trong Bảo tàng Mỹ thuật và nhiều bảo tàng khác. Và tôi cho đấy là di sản hết sức quý báu".

Sống gần trọn một thế kỷ, cùng trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, từ những năm kháng chiến gian khổ rồi đến những năm Hà Nội của thời kỳ bao cấp khó khăn, thiếu thốn..., nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng luôn lưu giữ, nuôi dưỡng được niềm đam mê đối với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Hàng nghìn bức ảnh về Hà Nội xưa và nay là khối tư liệu vô giá, là món quà ý nghĩa nhất mà nghệ sĩ Lê Vượng trao tặng Thủ đô, nơi ông sinh ra và gắn bó cả đời, cũng là nơi đã cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật vô tận./.

Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết