Tiếng Việt | English

18/06/2020 - 09:25

Nghề báo - Vượt khó khăn để trưởng thành

Nghề báo được đánh giá là một trong số những nghề nguy hiểm, đòi hỏi mỗi phóng viên, nhà báo phải có sự đam mê, năng động, trải nghiệm và cả sự “dấn thân”.

Bất kể sự kiện diễn ra ở đâu, khi nào người phóng viên sẽ có mặt để kịp thời đưa thông tin đến với bạn đọc
Cách đây vừa tròn 7 năm, tôi được nhận về Báo Long An làm việc. Đó vừa là một niềm vui khi được làm công việc yêu thích nhưng cũng là những lo lắng, băn khoăn khi chưa biết công việc của một phóng viên bắt đầu từ đâu.

Trước khi bước chân vào môi trường báo chí, tôi là một giáo viên, công việc hằng ngày chỉ là lên lớp cùng học sinh nên quả thật, làm báo là cả một quá trình đầy khó khăn. Trong suy nghĩ của tôi trước đây, nhà báo như những “anh hùng” thầm lặng khi không quản ngại những nguy hiểm, khó khăn, vất vả để chắt lọc thông tin mang đến cho độc giả nhiều bài viết chân thật.

Bước chân vào môi trường báo chí, tôi thực sự hiểu những khó khăn mà những phóng viên, biên tập viên phải trải qua.Bất kể giờ giấc, thời tiết, chỉ cần nơi nào có sự kiện là phóng viên phải có mặt. Những ngày đầu bắt tay vào công việc, khó nhất với tôi là tìm đề tài, khai thác đề tài, làm thế nào để chuyển thành một tác phẩm báo chí từ những thông tin đã có. Khi bắt đầu quen với công việc thì những khó khăn khác lại nảy sinh. Đó là làm sao có những bài viết thật gần gũi với bạn đọc, phản ánh được thực tế cuộc sống, những vấn đề bạn đọc quan tâm. Nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của đồng nghiệp đi trước, sự nỗ lực của bản thân, tôi dần trưởng thành hơn trong công việc và có những tác phẩm báo chí tốt đến với bạn đọc.

Khó có một nhà báo nào có thể khẳng định trong suốt cuộc đời cầm bút của mình không mắc những sai sót.Nghề báo suy cho cùng cũng là một nghề như bao nghề nghiệp khác.Có chăng, nghề báo mang nhiều tính đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn.Với nhiều người, nghề báo, nhà báo khiến họ vừa sợ, vừa ghét hoặc cũng có thể là trân trọng. Bởi một tác phẩm báo chí ra đời có thể tuyên truyền, cổ vũ, làm lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội nhưng cũng có khi ảnh hưởng đến quyền lợi không chính đáng của tổ chức, cá nhân nào đó.

Nghề báo đòi hỏi mỗi phóng viên phải luôn đổi mới trong cách viết, không ngừng sáng tạo và luôn gần gũi với đời sống người dân để có được những bài báo chí hay mang đến độc giả. 

Để làm được điều đó, nhà báo phải không ngừng đi và trải nghiệm dù những chuyến tác nghiệp không phải lúc nào cũng là “hoa hồng”, thậm chí là khó khăn, cản trở.

Một điều may mắn, trong suốt 7 năm qua, trong quá trình tác nghiệp, tôi chưa gặp “tai nạn” nào đáng tiếc trong nghề nhưng cũng có lúc tin, bài phải cải chính thông tin. Đó cũng lúc tôi phải nhìn nhận lại bản thân để rút ra những kinh nghiệm trong công việc. Không may mắn như tôi, một số đồng nghiệp khác từng phải đối mặt với nguy hiểm. Ngày 27/9/2017, 3 phóng viên: Đức Cảnh, Kim Ngân (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) và Ngọc Mận (Báo Long An) trong quá trình tìm hiểu thông tin, ghi nhận bức xúc của người dân về việc Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa xả trực tiếp nước rò rỉ từ rác ra kênh gây ô nhiễm môi trường. Trong lúc nhóm phóng viên đang tác nghiệp thì một nhóm người đến hăm dọa và ngăn cản không cho quay phim, chụp hình, thậm chí những đối tượng này còn hành hung phóng viên, giật phương tiện tác nghiệp,... Đây chỉ là một câu chuyện trong số hàng ngàn khó khăn mà mỗi phóng viên đối mặt trong suốt quá trình tác nghiệp để có những tác phẩm báo chí hay đưa đến bạn đọc.

Mỗi năm trong nghề sẽ giúp những người phóng viên trẻ như chúng tôi trưởng thành hơn.Chặng đường ấy có cả niềm vui, nỗi buồn. Vui khi bài viết của mình được độc giả đón nhận hay đơn giản chỉ là những tin nhắn động viên, lời cảm ơn, ghi nhận. Buồn khi bài viết chưa thực sự ưng ý hay thậm chí là những sai sót không đáng có. Nhưng nỗi buồn ấy sẽ là những kinh nghiệm, thử thách và là động lực để chúng tôi hoàn thiện bản thân, trưởng thành hơn với nghề.

"7 năm làm báo, tôi nhận thấy một điều, để có được tác phẩm báo chí tốt, mỗi nhà báo phải lao động nghiêm túc, có niềm đam mê cùng lòng yêu nghề, trách nhiệm với bạn đọc. Và quan trọng hơn hết, đó là đạo đức của nhà báo và đạo đức người làm báo chính là nhân cách trong nghề nghiệp”./.

Phóng viên Kiên Định (Báo Long An)

Kiên Định

Chia sẻ bài viết