Cá từ tàu to được chuyển vào bờ bằng xuồng Lưới bắt ốc hương
Tôi chọn đi xứ này vào ngày mùng 10 vừa mãn con trăng, tàu thuyền đánh cá bắt đầu quay về bến. Trời còn đẫm sương mai, tôi và ngư phủ Bảy Giàu rảo trên con đê dài hun hút. Bảy Giàu nói, cảng này rộng lớn mênh mông vì có tới 2 cảng: Cảng cá và cảng quốc phòng liền nhau. Tôi nói, nếu so đê biển Afsluitdijk của Hà Lan dài 32km, rộng 90m, cao 7,25m thì con đê của cảng này quá nhỏ.
Bến cá trải dài trên mặt đê đông người như cái chợ. Nhìn ra biển sớm lao xao đầu sóng, từng con ghe, con tàu trố đôi mắt kẽ sơn nửa trắng nửa đen sắc lẻm; trên nóc ca-bin phất phới lá cờ đỏ sao vàng bay xao xuyến không gian rõ dần rồi rúc còi chạy vào bến cá. Trong lúc mấy tàu sắt, tàu composite to lớn dềnh dàng thì không cập bến được, đành đậu ngoài chỗ sâu, rồi dùng xuồng chuyển hải sản vào bờ thôi thì đủ loại cá, tôm, mực, ghẹ,... Tôi chỉ một thùng, cá con nào cũng thân dẹp, dài ngoằn, da trơn màu bạc, hỏi cá gì, Bảy Giàu nói: “Cá lạc sống trong những rạn san hô ngoài khơi; chỉ câu hoặc đánh lưới vây mới bắt được. Cá lạc thịt trắng tươi, vị thơm, ngọt, chế biến món gì cũng ngon. Ngon nhất là canh chua lá me non với giá, cà chua, thì là, thêm vài lát ớt. Khi ăn, vớt cá ra dĩa, chấm nước mắm nguyên chất. Dân biển xếp cá lạc đứng đầu trong các loài hải sản ngon nhất đó anh!”.
Rảo qua chợ cá, thấy các bà, các cô dùng dao, búa lớn để ra thịt những con cá to quá khổ. Từng khúc thịt cá tươi nằm trên sạp. Xe du lịch đổ khách xuống chợ. Du khách lăng xăng mua thùng mốp, rồi mua cá cho vào để ướp đá lạnh, mang về. Ai nấy trầm trồ, cá tươi roi rói mà lại rẻ. Bảy Giàu nói, hôm nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, du khách đến đông nườm nượp, tranh nhau mua hải sản tươi sống nên con buôn mặc sức nâng giá mắc gấp 2-3 lần ngày thường vẫn không đủ hải sản để bán. Nhiều người nói, cá ở dưới biển đem lên không sợ ướp hóa chất, mắc mấy cũng mua để ăn cho an toàn!
Bảy Giàu đưa tôi vào gian nhà dài, rộng mênh mông có các bà, các chị em ngồi túm tụm trên những đống lưới cao nghệu để đan vá lưới. Bảy Giàu chỉ đống lưới nylon xanh, nói đó là lưới rút, dài từ 2.000-4.000m; dạo (từ phao tới chì) từ 60-80-100m, ra khơi sâu, bủa một vòng rộng lớn rồi tàu kéo hai đầu lưới rút lại thành vòng tròn; rút cho đến lúc chỉ còn là cái túi thì dùng tời quay lên mà thu hải sản nào cá ngừ đại dương, cá mập, cá thu, mực đại dương,... cả con tôm tít nhỏ xíu cũng không lọt khỏi. Lưới cước màu trắng kia là lưới chụp mực. Đêm tối trời, chong hàng trăm bóng đèn cao áp 1.000W trở lên, sáng rực mặt biển để các loại mực gom lại; rồi giàn lưới chụp như cái chài khổng lồ gắn chì nặng hàng tấn điều khiển từ trên tàu vươn ra, chụp xuống sát đáy biển, xong, dùng cảo kéo lên. Còn những cái lồng tròn bằng lưới chất đống kia là lưới bắt ốc hương. Ra biển, thả mỗi lồng cách nhau 2m, trong lồng có con ghẹ chết làm mồi nhử ốc hương chui vào,...
Bảy Giàu là em cô cậu ruột với tôi. Chưa tới 60 tuổi mà Giàu có hơn 40 năm cuộc đời ngư phủ lăn lộn với sóng gió biển Đông từ Trung vô Nam, nên bờ biển nào, cù lao hay đảo nào trên biển ta, Giàu đều sành sõi. Giàu nói, biển miền Trung điều tra được 500 loại cá mà chỉ có 38 loại cá kinh tế; cá nổi (cá ven bờ) chiếm 65%, cá đáy (cá đại dương) chiếm 35%. Chúng tôi tiếp tục đi dọc con đê khi nắng mai đã gắt. Trên mặt đê, người ta bày bít chịt tấm trải và phơi đủ loại cá khô, mực khô, tôm khô,... chỉ chừa một lối hẹp để đi.
Vá lưới rút
Theo TS.Tạ Quang Ngọc - cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản trước đây, thì nghề cá biển Đông không chỉ đóng góp to lớn cho đời sống KT-XH mà còn là điển hình về văn hóa biển, đảo có nét chung cho cả khu vực Đông Nam Á cũng như vẻ đẹp riêng cho từng quốc gia. Nước ta có dải ven biển phong phú và đa dạng sinh học chạy dọc từ Bắc chí Nam, có vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu cây số vuông với những bãi cá khá tập trung và một số đàn cá di cư theo vận động của các dòng hải dương quốc tế. Nghị quyết của Đảng về Chiến lược biển đến năm 2020 khẳng định: “Mạnh về biển, giàu lên từ biển”, xem thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn. Các nhà kinh tế học thế giới cũng cho thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đại dương, con người sẽ đi ra biển, xuống sâu vào lòng biển; rằng biển sẽ là cứu tinh của thế giới. Xem thế, để thấy biển quan trọng dường nào, bà mẹ biển cho ta cái gì được ăn trọn, cái gì phải để dành. Đánh bắt ven bờ phải bảo vệ tính đa dạng sinh học; không gây hại đến khả năng tái tạo nguồn lợi. Nhà nước ta khuyến khích đánh bắt xa bờ là thế, nhưng phải nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Theo tư liệu, sản lượng xa bờ đánh bắt được hơn 10 năm qua năm sau luôn cao hơn năm trước, như năm 2001 tăng 30% so với năm 1990 và chiếm khoảng 50% cơ cấu sản lượng hải sản. Bảy Giàu ngẫm nghĩ, rồi bảo đánh bắt xa bờ ai không ham. Vấn đề cần là phải có tàu sắt. Tôi cãi, tiên tiến như Nhật Bản, họ vẫn dùng tàu composite là chủ yếu để đi đánh bắt xa bờ. Thấy ở cảng cá này có mấy tàu composite ấn tượng quá đi chứ!
Mấy ngày ở Bình Châu (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), tôi đã trải nghiệm du lịch rừng và suối khoáng nóng. Một vùng rừng - biển ngày nào còn hoang hoải mà giờ đây quy tụ dân mọi miền đổ về làm du lịch, làm nghề cá, tạo một vùng phố thị dân cư đông đúc “thay da, đổi thịt” từng ngày. Tận dụng tài nguyên rừng - biển - nước khoáng nóng, hải sản dồi dào, các loại hình du lịch được đầu tư phát triển không ngừng./.
Ký sự của Quang Hảo