Tiếng Việt | English

16/06/2021 - 15:00

Ngày chống sa mạc hóa, hạn hán: Thúc đẩy chống biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất.

Ngày chống sa mạc hóa, hạn hán: Thúc đẩy chống biến đổi khí hậu
Đàn trâu người dân chăn thả trong lòng Hồ Suối Đá, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận chen chúc tắm mát tại một vũng nước còn sót lại. (Ảnh: TTXVN)

Những năm gần đây, thế giới liên tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và mưa bão kỷ lục, gây thiệt hại về người và làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã dẫn đến những tổn thất đáng kể về kinh tế đối với nhiều quốc gia và cũng đang trở thành nguyên nhân khiến tình trạng sa mạc hóa, hạn hán gia tăng.

Những thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo được Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 8/1/2021, xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử.

Riêng trong năm 2020 nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C (có thể chấp nhận mức tăng 1,5 độ C) nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cũng cho thấy trong năm qua một số khu vực đã trải qua nền nhiệt cao vượt qua các mức nhiệt trung bình toàn cầu.

Tháng 8 vừa qua, mức nhiệt được ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave, bang California (Mỹ), đã có thời điểm lên đến 54,4 độ C.

Sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường, châu Âu đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực, với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5 độ C so với năm 2019 vốn từng được xem là năm nóng nhất tại "Lục địa già."

Cuba đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ tại thành phố Veguitas, tỉnh Granma ở miền Đông, lên tới 39,1 độ C.

Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh cho thấy, nhiều khu vực có nền nhiệt cao vượt qua mức nhiệt trung bình toàn cầu do phải trải qua những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.

Có các vụ cháy rừng xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí toàn cầu. Điển hình là vụ cháy rừng ở Australia, kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, do nước này đã trải qua một năm khô hạn và nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao nhất là 41,9 độ C.

Đây được coi là một trong những thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất không chỉ trong lịch sử Australia mà còn trên cả thế giới nhiều năm qua.

Australia đã trải qua một mùa Đông khô hạn đến mức một số dòng suối bị cạn kiệt trong khi bình thường chúng có thể được coi là những khoảng trống cách ly các đám cháy.

Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết khô nóng bởi một số vùng của các bang Queensland và New South Wales đã trải qua tình trạng hạn hán kéo dài trong suốt 3 năm qua. Giới khoa học cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trở lại kể từ năm 2014 sau nhiều thập kỷ suy giảm.

Năm 2020, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cùng nhận định, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi đồng thời các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19, khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn.

Tại Việt Nam, người dân cũng phải hứng chịu những thiên tai dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật.

Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Năm 2020, tại Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè của tỉnh Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu của tỉnh Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Gần 2 tháng cuối năm 2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong số đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của Trái Đất, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã có diện tích lên đến 43.967 triệu km2.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Tuy nhiên, có những vùng đất là sa mạc hóa tự nhiên do không trải qua quá trình hình thành đất đầy đủ. Tại Việt Nam diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000ha.

Tại khu vực đất canh tác sự suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái là khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái vào khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái là khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo chỉ chiếm diện tích ít ỏi, vài nghìn ha.

Chống sa mạc hóa và giảm bớt hạn hán

Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất. Từ lâu, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hạn hán ở Somalia. (Nguồn: africanews.com)

Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa. Đến năm 2019 có tổng cộng 197 thành viên bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) với mục tiêu là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.

Công ước nhằm vào các mục tiêu cụ thể: xây dựng các chương trình quốc gia, tiểu vùng và vùng để phòng chống khô hạn và sa mạc hoá; kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho việc chống sa mạc hóa; trao đổi thông tin, kỹ thuật và đào tạo về chống sa mạc hóa; ngăn chặn hậu quả sa mạc hóa dẫn đến di cư ồ ạt, các loài động thực vật bị tiệt chủng, khí hậu thay đổi.

Các thành viên khi tham gia Công ước có các nghĩa vụ chính bao gồm: xây dựng một phương pháp đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về lý học, sinh học, kinh tế-xã hội của quá trình sa mạc hóa; quan tâm đến các nước đang phát triển hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự sa mạc và khô hạn, tình trạng buôn bán quốc tế, nợ nước ngoài, để xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Các nước thành viên kết hợp chiến lược xoá đói, giảm nghèo với phòng chống sa mạc hóa; tăng cường hợp tác giữa các nước bị sa mạc và hạn hán để bảo vệ môi trường, nguồn đất và nước. Các nước thành viên tăng cường sự hợp tác quốc tế, vùng và tiểu vùng; hợp tác giữa các tổ chức liên chính phủ; thành lập các tổ chức cần thiết, tránh sự trùng lặp; tăng cường sử dụng hệ thống tài chính song phương và đa phương hiện có để có thể huy động và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa và hạn hán.

Việt Nam tham gia và ký kết Công ước từ năm 1998 là thành viên thứ 134 của Công ước. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Chống sa mạc hóa là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước Chống sa mạc hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

Chương trình đã thực hiện được một số nội dung: hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa; điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và sẽ điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam.

Đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt hơn 0,26 triệu ha, giảm 3,2% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết