Tiếng Việt | English

03/06/2021 - 14:16

Ngành Công Thương Long An - 70 năm xây dựng và phát triển

70 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Long An luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn mới, ngành đang ra sức thi đua, phát huy những thành tích đã đạt, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương xem các sản phẩm tiêu biểu địa phương trưng bày tại buổi “Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” do UBND tỉnh tổ chức (Ảnh tư liệu)

Truyền thống vẻ vang

Cách đây 70 năm, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau nhưng ngành Công Thương luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và dân tộc, phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống nhân dân. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương cả nước nói chung, ngành Công Thương Long An nói riêng luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng với nhân dân cả nước góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ khi đất nước thống nhất, Long An nói chung và ngành công nghiệp, thương mại nói riêng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức và thiếu thốn, công nghiệp và thương mại Long An từ điểm xuất phát thấp đã nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, có bước phát triển nhanh cả về chất và lượng, vươn lên khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Những con số "biết nói"

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt cho biết, từ khi Sở Công Thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại và Du lịch từ năm 2008 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá 1994) giai đoạn 2008-2010 tăng bình quân 18,2%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá 2010) giai đoạn từ 2011-2020 tăng bình quân 16,9%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2008-2020 tăng bình quân 20,2%; kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2008-2020 tăng bình quân 20,4%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 20,8%/năm.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,14%; khu vực thương mại, dịch vụ và thuế chiếm 32,54%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,32% trong tổng GRDP của tỉnh.

Về phát triển hạ tầng công nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An có 63 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 3.367,7ha (tính luôn CCN Hải Sơn, 261,2ha nằm ngoài quy hoạch 62 CCN được duyệt). Trong đó, có 22 CCN đã đi vào hoạt động, tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp, thu hút 622 dự án, diện tích đất đã cho thuê 756,48ha, tỷ lệ lấp đầy các CCN hoạt động là 77,67%. Còn 38 CCN đang giai đoạn triển khai các thủ tục đầu tư và có 3 CCN chưa có quyết định thành lập.

Về phát triển hạ tầng thương mại, toàn tỉnh có 133 chợ, trong đó có 107 chợ nông thôn; 7 siêu thị; 1 trung tâm thương mại Vincom Plaza; 173 cửa hàng tiện ích; 478 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 3 kho xăng dầu; 9 thương nhân kinh doanh mua bán LPG; 2 trung tâm logistics. Hiện có 2 siêu thị đang được đầu tư tại Cần Giuộc, Bến Lức.

Về phát triển hạ tầng điện, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang vận hành 3 trạm 220kV, 26 trạm 110kV; 5.082km đường dây trung áp, 4.755km đường dây hạ áp, 19.291 trạm biến áp 22kV; đang triển khai đầu tư xây dựng 2 trạm 500kV, 3 trạm 110kV. Toàn tỉnh có 8 dự án năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động với công suất 441,1MWp; 10 dự án năng lượng mặt trời đã được Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2025 với tổng công suất 1.180,4MWp. Có 2.609 khách hàng đã hòa lưới điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 519.744kWp.

Đối với Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I và II (huyện Cần Giuộc) đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty VinaCapital GS Energy PTE.LTD, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.

Về công tác quản lý nhà nước, đã tập trung tham mưu giúp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả những quy định, cơ chế, chính sách sát với thực tế. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch ngành theo hướng quản lý chuyên sâu, luôn tự đổi mới và tích cực cải cách thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý điện được duy trì phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; công tác xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công được thực hiện thường xuyên, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo uy tín và thương hiệu cho hàng hóa tỉnh nhà.

Vì vậy, có thể khẳng định vị trí, vai trò của ngành Công Thương Long An trong suốt những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Kết quả, có nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích đóng góp xuất sắc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương trong từng giai đoạn phát triển và phấn đấu liên tục. Các thành tích này được Sở Công Thương tổ chức thực hiện, thể hiện qua nội dung video clip “Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Công Thương tỉnh Long An” theo đường link: https://www.youtube.com/watch?v=bK6hYV7d5eQ&t=61s.

Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Sở Công Thương đã nhanh chóng vận động hỗ trợ kinh phí, vật chất (khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, nón chống tia bắn, đèn pin, nước rửa tay,…) phục vụ các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Kết quả tính từ ngày 08-5 đến 20-5-2021, Sở đã tiếp nhận ủng hộ của 41 đơn vị (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh), với tổng số tiền hỗ trợ 232 triệu đồng, 192.500 khẩu trang y tế, 50 đèn pin, 12.250 khẩu trang vải, 600 nón chống tia bắn, 2.000 găng tay y tế, 450 quần áo bảo hộ, 200 chai sát khuẩn, 2.400 chai nước uống,... quy đổi ra giá trị thành tiền khoảng 506 triệu đồng. Sở Công Thương đã tổ chức tiếp nhận, bàn giao toàn bộ kinh phí và vật chất y tế cho một số đơn vị, địa phương huyện để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm

Tình hình kinh tế thế giới hiện đang có những diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến của dịch bệnh Covid-19, trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, đặt ra cho ngành Công Thương trước những thời cơ và thách thức lớn. Đặc biệt hơn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An đang tích cực phấn đấu triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2020-2025 với mục tiêu sớm đưa Long An trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để góp phần vào sự nghiệp chung, ngành Công Thương Long An xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục quản lý, điều hành và tham mưu có hiệu quả với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực Công Thương, bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành nói riêng và toàn tỉnh nói chung trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo đó, ngành Công Thương sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục thực hiện sáng tạo, vận dụng hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại; tiếp tục rà soát các CCN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ gắn với vùng nguyên liệu của địa phương; nghiên cứu khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, thu hút các dự án điện năng lượng mặt trời, nhiệt điện đến đầu tư tại tỉnh, nhất là quan tâm các dự án lớn, trọng điểm như Trung tâm Điện lực Long An sớm khởi công, hoàn thành đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Làm tốt công tác cải cách hành chính sẽ là mục tiêu, động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng dân chủ; tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội phát triển. Sở cũng thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết