Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển chính trị, KT-XH. Đặc biệt, BHYT đã trở thành “phao cứu sinh” của rất nhiều người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận nhiều vụ trục lợi quỹ BHXH, BHYT với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và thiệt hại đáng kể đối với công quỹ, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.
Vụ tham ô tài sản xảy ra tại BHXH quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, trong thời gian làm kế toán tại cơ quan BHXH này, bị can Đỗ Thương Thương đã lập các ủy nhiệm chi khống trên hệ thống phần mềm kế toán, thay đổi thông tin người thụ hưởng trên bảng kê chuyển tiền gửi ngân hàng, chiếm đoạt số tiền gần 70 tỉ đồng.
Hay vụ chiếm đoạt tiền thai sản và thất nghiệp xảy ra tại Công ty Thương mại và Xây dựng Havico đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tại cơ quan công an, Giám đốc Công ty Thương mại và Xây dựng Havico là đối tượng chủ mưu, khai nhận, bằng cách lập khống hợp đồng lao động, bảng lương, bảng chấm công, đã thông đồng với 37 phụ nữ mang thai hợp thức hóa hồ sơ tham gia đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ bảo hiểm dù những người này không phải là lao động của công ty.
Điều đáng nói, trong vụ án trục lợi tiền thai sản và trợ cấp thất nghiệp nói trên, ngoài đối tượng chủ mưu là giám đốc doanh nghiệp, đồng phạm trong vụ án này đều là những phụ nữ vừa sinh con nhỏ, không có việc làm và gia cảnh khó khăn. Thậm chí, số tiền mà họ nhận được sau khi đã hoàn tất hồ sơ khống với chủ doanh nghiệp ít hơn nhiều so với con số thực họ đã ký thanh toán.
Thông tin từ BHXH Việt Nam, thủ đoạn lạm dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm của các đối tượng hám lợi thường diễn ra dưới nhiều hình thức: Lợi dụng kẽ hở để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản; trục lợi hưởng BHXH một lần dưới hình thức ủy quyền; lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN và BHYT. Trong đó, đáng chú ý là việc trục lợi quỹ BHYT bằng cách lập hồ sơ chứng từ khống để thanh toán, thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật y tế không đúng quy định, thanh toán số lượng thuốc nhiều hơn thực tế sử dụng, thanh toán cộng thêm các chi phí vật tư y tế, hoặc khám nhiều lần để lấy thuốc BHYT mà không vì mục đích chữa bệnh cho bản thân,...
Thực tế cho thấy, các giải pháp mà ngành BHXH triển khai để ngăn chặn lòng tham của những kẻ hám lợi mới chỉ mang tính tình thế, chưa thực sự là công cụ đủ mạnh để răn đe các tổ chức, cá nhân có hành vi lạm dụng, trục lợi bảo hiểm. Khi có vụ việc xảy ra tại các doanh nghiệp, ngành Bảo hiểm chỉ thanh, kiểm tra được thủ tục hồ sơ các đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH; còn việc thanh tra, xác minh lao động thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trục lợi bảo hiểm cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành có liên quan. Theo đó, các cấp, các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng thanh, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong việc thu đóng, giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN; thanh, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt thanh, kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh, kiểm tra liên ngành trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, nhất là hiệu quả công tác thanh, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật để bảo đảm kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT;…
Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần ứng dụng hiệu quả kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT, BHXH, BHTN quốc gia; đồng thời, triển khai, thực hiện và ứng dụng các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân và dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành có liên quan, hy vọng rằng, hành vi lạm dụng, trục lợi bảo hiểm sẽ được ngăn chặn kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia./.
Thanh Tuyền