Đàn trâu, bò chăn thả dọc biên giới
Vẫn gặp những khó khăn
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông hẹp rồi thuê mướn cư dân biên giới, chia nhỏ gia súc lậu thành từng tốp 3 - 5 con để vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị phát hiện, bắt giữ.
Đặc biệt, phía Campuchia cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khoảng 02km có một điểm thu gom trâu bò hoạt động mang tính chất như chợ địa phương (thuộc xã Chàm, huyện Kumpong Trabek, tỉnh Prey Veng, Campuchia). Đây là nơi người dân Campuchia trao đổi, mua bán trâu, bò, mỗi ngày tập trung tại đây khoảng vài chục con. Các trường hợp trâu, bò nhập lậu trên địa bàn huyện Tân Hưng đa số có nguồn từ chợ này.
Thời gian gần đây, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống mua bán, nhập lậu trâu bò qua biên giới. Riêng đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm tiếp giáp khu vực biên giới về bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và truy xuất nguồn gốc xuất, nhập động vật.
Thực hiện theo yêu cầu phối hợp Chi cục Thú y Vùng 6 (Cục Thú y) trong thực hiện kiểm dịch động vật nhập khẩu trên địa bàn; phối hợp các lực lượng chức năng có liên quan khi có yêu cầu trong kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm tiêu thụ tại địa bàn huyện, tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh, trong điều kiện kinh tế của cư dân biên giới còn nhiều khó khăn, việc chăn nuôi trâu bò chăn thả qua lại biên giới, trao đổi, mua bán và nuôi vỗ béo trâu bò là ngành nghề kinh tế chính sinh sống của một bộ phận cư dân.
Tại 20 xã khu vực biên giới của tỉnh có trên 3.200 hộ chăn nuôi trâu, bò; với tổng đàn 22.267 con (chiếm 50,5% số hộ chăn nuôi; 73% tổng đàn trâu bò của 06 huyện biên giới); 447 hộ chăn nuôi heo; tổng đàn 8.855 con (chiếm 39% số hộ chăn nuôi; 32% tổng đàn heo của 06 huyện biên giới).
Cư dân biên giới thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật qua lại biên giới, nhất là trâu, bò với mục đích để nuôi vỗ béo và sau đó bán vào nội địa. Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh nên khó kiểm soát được việc trao đổi, mua bán, vận chuyển trâu bò giữa các địa phương trong tỉnh.
Trên các huyện biên giới hiện có có 04 cơ sở thu gom heo (trong đó có 01 cơ sở trung chuyển heo ở huyện Thạnh Hóa) đều đang hoạt động với nguồn heo nhập vào hoàn toàn đều từ các tỉnh khác về; 02 cơ sở có đăng ký hoạt động khu cách ly/cơ sở thu gom trâu bò nhưng hiện đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
|
“Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia qua địa bàn tỉnh có chiều dài gần 135km, nhiều khu vực có địa hình đất liền đất với nhiều đường mòn, lối mở. Theo đó, các đối tượng lợi dụng hoạt động chăn thả gia súc qua lại của người dân trên khu vực biên giới để nhập lậu trâu bò”, bà Khanh cho biết.
Đặc biệt, biên giới thuộc địa bàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khá dài, có những đoạn biên giới là đường sông hẹp (khoảng 10m), dân cư thưa thớt, ít người qua lại và đây cũng là là khu vực tiếp giáp với huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Do đó, các đối tượng đôi khi lợi dụng đêm tối đưa động vật nhập lậu vượt sông.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, nắm số liệu chăn nuôi còn khó khăn, nhất là đối với chăn nuôi nhỏ, lẻ. Người chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương, trong khi Luật Thú y cũng không còn yêu cầu kiểm dịch khi vận chuyển nội tỉnh. Do vậy, khi động vật đã đưa qua biên giới thì công tác phát hiện, bắt giữ lô động vật nhập lậu rất khó khăn do bị trà trộn, hợp thức hóa thành trâu, bò địa phương (nuôi vỗ béo, vận chuyển đến cơ sở giết mổ trong tỉnh; hoặc sau đó có thể vận chuyển xuất tỉnh). Vì vậy, việc xác định nguồn gốc để thực hiện công tác kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch trâu, bò xuất tỉnh của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh rất khó thực hiện.
Tăng cường công tác phối hợp
Theo số liệu cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tiếp nhận được, từ giữa năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn các địa phương khu vực biên giới đã lập chuyên án triệt phá 23 vụ nhập lậu động vật qua biên giới; tổng số động vật bị tịch thu xử lý 733 con.
Trong đó, năm 2019 có 03 vụ, xử lý 138 con heo. Năm 2020, có 12 vụ, xử lý 457 con heo. Năm 2021 là 02 vụ, xử lý 10 con bò và 17 con ngựa. Năm 2022, phát hiện 01 vụ, xử lý 17 con bò.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an đã phát hiện, bắt giữ 05 vụ nhập lậu trâu, bò, heo; thu giữ tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò; xử phạt vi phạm hành chính 04 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng, khởi tố 3 bị can.
Nuôi vỗ béo trâu, bò là ngành nghề kinh tế chính sinh sống của một bộ phận cư dân biên giới
Ngày 13/10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Phạm Đức Chinh làm trưởng Đoàn kiểm tra thực tế công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trâu, bò nhập lậu qua biên giới trên địa bàn huyện Tân Hưng.
Theo báo cáo của Đồn biên phòng Sông Trăng, trước đó 3 ngày, đơn vị chủ trì phối hợp Công an xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Quý (29 tuổi) ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng đang đưa 5 con bò nhập lậu vào địa bàn.
Qua kiểm tra, ông Phạm Đức Chinh nhấn mạnh, bên cạnh tuần tra, kiểm soát phát hiện xử lý nghiêm hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu thì đề nghị đơn vị phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Liên quan đến việc phòng, chống nhập lậu gia súc, gia cầm, ngăn ngừa dịch bệnh, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương trên tuyến biên giới thường xuyên hướng dẫn, tổ chức việc kê khai, cập nhật thông tin về quản lý chăn nuôi theo quy định, tổng hợp và chủ động cung cấp thông tin đến các cơ quan liên quan để cùng phối hợp quản lý (Biên phòng, Trạm Chăn nuôi và Thú y).
Lực lượng Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tập trung lực lượng xử lý dứt điểm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới;
Lực lượng Công an, xác lập chuyên án, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu trâu, bò, heo để hợp thức hóa vào nội địa.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là số lượng đàn gia súc trên địa bàn các huyện biên giới. Kịp thời chia sẻ, thông tin đến các lực lượng chức năng để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc đàn gia súc nếu có dấu hiệu vi phạm; tổ chức kiểm dịch, kiểm soát nguồn gia súc, gia cầm nhập, xuất tại địa bàn huyện.
Mặt khác, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các ngành chức năng và địa phương trong công tác xử lý các lô hàng động vật nhập lậu. Thực hiện nghiêm việc tiêu hủy lô hàng vận chuyển bất hợp phát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm./.
Tổng số trâu bò được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh của các huyện biên giới (trâu bò nuôi của người dân) trong 9 tháng năm 2023 là gần 8.000 con (trung bình khoảng 880 con/tháng, tương đương 30 con/ngày).
Tổng số heo xuất tỉnh của các huyện biên giới 9 tháng năm 2023 là gần 61.200 con; trong đó gần 47.000 con (chiếm đến 77%) là xuất đi từ điểm trung chuyển một công ty đóng ở huyện Thạnh Hóa, còn lại gần 14.200 con từ trại và 3 điểm thu gom heo (trung bình khoảng 1.570 con/tháng, tương đương 52 con/ngày).
|
Lê Đức