Tiếng Việt | English

18/01/2021 - 10:08

Ngăn chặn “ma men” cầm lái

Đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Để hạn chế “ma men” gây tai nạn, luật đã quy định tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông càng được tăng cường trong dịp tết

Hạn chế tai nạn do nguyên nhân rượu, bia

Năm 2020 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định (NĐ) 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; xác định chủ đề của năm là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Qua đó, tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Cùng với cả nước, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được cảnh sát giao thông (CSGT) đẩy mạnh thực hiện. Mặt khác, các cấp, các ngành luôn quan tâm tuyên truyền NĐ 100, đặc biệt là quy định đã uống rượu, bia, không lái xe.

“NĐ 100 tăng mạnh mức xử phạt nhiều lỗi vi phạm, nhất là điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, qua đó tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là tài xế ôtô nhìn nhận.

Không chỉ người tham giao thông mà các nhà hàng kinh doanh ăn, uống cũng dần nhận thấy được trách nhiệm. Chẳng hạn, tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức có nhà hàng đã đồng ý hỗ trợ khách gửi xe qua đêm, hoặc bố trí xe ôtô và tài xế chở khách đã sử dụng rượu, bia về nhà.

Thông tin từ Phòng CSGT, năm 2020, TNGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong năm, toàn tỉnh xảy ra 168 vụ TNGT (giảm 21 vụ so với năm 2019), làm chết 101 người (giảm 10 người so với năm 2019), bị thương 105 người (giảm 56 người so với năm 2019). Trong khi đó, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.924 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt hơn 10,1 tỉ đồng.

Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh - Phùng Văn On đánh giá: “Dù vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng so với trước đây đã giảm nhiều. Quy định xử lý nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số vụ TNGT liên quan đến nguyên nhân rượu, bia cũng giảm”.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Bà Nguyễn Thị Xuyên, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, bày tỏ: “Quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, góp phần làm cho xã hội an toàn hơn. Mặt khác, quy định này cũng tác động, góp phần thay đổi thói quen lạm dụng uống rượu, bia quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Thời gian qua, câu nói “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, được mọi người nhắc nhở nhau thường xuyên, kể cả trong các cơ quan, đơn vị. Hay thậm chí, thói quen ép người khác uống, rượu, bia của một số người cũng thay đổi. Những chuyển biến, tác động đến việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì rất rõ, tình trạng vi phạm nồng độ cồn cũng giảm nhiều nhưng không có nghĩa là triệt để.

Thực tế, qua ghi nhận, vẫn còn nhiều người vi phạm. Điều này dễ dàng nhìn thấy tại các quán nhậu khi nhiều người uống rượu, bia xong vẫn vô tư lái xe. Theo ông Phạm Văn Phương, ngụ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, văn hóa ăn nhậu đã ăn sâu vào đời sống, giao tiếp. Tâm lý “ép rượu” hay “cả nể” vẫn tồn tại trong những cuộc nhậu. điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn khi đã lái xe uống rượu, bia. Có những người vi phạm, bị lực lượng chức năng dừng phương tiện kiểm tra thì viện đủ lý do nào là tiếp khách, uống có một chút, nhà gần quán nhậu,...”.

Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát giao thông

“Nói chung, lý do nhậu, uống rượu, bia ít hay nhiều rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì đủ kiểu. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì điều đó không thể bào chữa cho hành vi vi phạm. Tôi đề nghị, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán kinh doanh có phục vụ rượu, bia” - ông Phương bày tỏ.

Theo nhận định, vào dịp Tết Nguyên đán, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ có chiều hướng gia tăng. Trước, trong và sau tết có rất nhiều tiệc: Tất niên, tân niên, chia tay, gặp mặt, hội họp,... Những bữa tiệc đó thường kèm theo sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, chắc chắn sau khi đã uống rượu, bia vẫn có nhiều người lái xe tham gia giao thông.

Để bảo đảm trật tự, ATGT trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh, đã quán triệt và chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; trong đó, có vi phạm nồng độ cồn. Thực hiện theo chỉ đạo, Phòng CSGT và công an các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết Nguyên đán sát với địa bàn, tình hình thực tế để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Phùng Văn On cho biết: “Ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng góp phần kéo giảm TNGT. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” cũng như các quy định khác về pháp luật ATGT, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT từ thành thị đến nông thôn, trong nhà máy, xí nghiệp, trường học,...”.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết