Tiếng Việt | English

18/12/2024 - 10:56

Ngăn chặn lợi dụng chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chơi hụi là hình thức góp vốn, tích lũy, được hình thành từ lâu trong đời sống xã hội tại nhiều địa phương. Số tiền góp của mỗi người tùy theo khả năng, khi các thành viên thống nhất với nhau thì chủ hụi sẽ mở dây hụi. Số lượng người tham gia một dây hụi do những người chơi hụi yêu cầu và có sự thống nhất của chủ hụi.

Không thông báo cho chính quyền

Thông thường số tiền mà chủ hụi và các thành viên tự thỏa thuận góp vốn dựa trên người tham gia hàng tháng. Có những dây hụi số tiền rất lớn nhưng mang tính thỏa thuận miệng hoặc qua giấy giao hụi do 2 bên ký nhận tiền và ký giao hụi.

Diễn biến giao dịch về hụi chủ yếu là chủ hụi mở cùng lúc nhiều dây hụi tháng, mời gọi nhiều người cùng tham gia. Quá trình chơi hụi, các hụi viên không kiểm tra, đối chiếu từng thành viên có tên trong danh sách dây hụi để kịp thời phát hiện hành vi chủ hụi ghi khống (thêm tên giả) hụi viên vào danh sách dây hụi cũng như thông tin cho nhau những nội dung liên quan đến việc chơi hụi.

Việc chơi hụi chủ yếu dựa trên sự tự thỏa thuận của hụi viên nên địa phương khó quản lý

Phần lớn các hụi viên khi tham gia chơi hụi muốn nuôi hụi (hốt cuối) để được lãi nhiều nên không đến nhà chủ hụi để khui hụi theo lệ kỳ hàng tháng. Sau khi khui hụi, chủ hụi báo số tiền bỏ thăm bao nhiêu thì hụi viên đóng hụi tiếp chứ ít khi quan tâm, kiểm tra, xác minh ai là người hốt hụi của tháng đó.

Xuất phát từ sự tin tưởng của hụi viên nên có những vụ việc, chủ hụi nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của hụi viên bằng cách ghi khống tên hụi viên (tên giả) vào danh sách khi mở hụi để chủ hụi hốt các phần hụi khống này. Ngoài ra, chủ hụi còn mạo danh hụi viên có tham gia trong dây hụi để lén hốt các phần hụi của hụi viên đó (do hụi viên này không đi khui hụi nên không biết ai là người trúng thăm).

Khi có hụi viên muốn hốt hụi thì chủ hụi kêu báo số tiền bỏ thăm. Lúc đó, chủ hụi sẽ nói dối với hụi viên đó là đã có người bỏ thăm cao hơn. Với phương thức, thủ đoạn gian dối như trên, trong quãng thời gian dài, chủ hụi đã chiếm đoạt nhiều phần hụi sống của các hụi viên. Đến khi dây hụi mãn, các hụi viên mới phát hiện là còn nhiều người tham gia nhưng chưa hốt được hụi.

Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biên, phường thì chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên, tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.

Thực tiễn số lượng dây hụi trên địa bàn tỉnh thời gian qua có rất nhiều nhưng không có trường hợp nào người tham gia dây hụi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận về hụi. Hầu hết người dân không thông báo cho chính quyền địa phương về dây hụi. Bên cạnh đó, nhiều người cũng không nắm được quy định này. Nguyên nhân chủ yếu do thành viên các dây hụi là người cùng địa phương, dòng họ hoặc nhóm bạn bè nên chủ yếu các dây hụi được xây dựng dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên với nhau.

Giải quyết nhiều vụ tranh chấp liên quan đến hụi

Trong 5 năm qua, UBND cấp xã chỉ tiếp nhận thông tin của 15 trường hợp về việc tổ chức dây hụi. Cụ thể, năm 2020 là 2 trường hợp; năm 2021 cũng 2 trường hợp; năm 2022 là 3 trường hợp; năm 2023 có 4 trường hợp; 8 tháng năm 2024 là 4 trường hợp. Vì vậy, có những vụ việc khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, sau đó kéo theo phản ứng, tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới nắm được sự việc.

Từ tháng 9/2019 đến đầu tháng 9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra trong tỉnh đã thụ lý, giải quyết 5 vụ án về hụi, khởi tố 4 bị can theo quy định pháp luật, tổng số tiền bị chiếm giữ trong các vụ án hơn 15 tỉ 567 triệu đồng. Gần đây, ngày 16/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Trương Thị Ngọc Yên (37 tuổi, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Thị Ngọc Yên mức án 9 năm tù.

Liên quan đến chơi hụi, gần đây, ngày 16/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Trương Thị Ngọc Yên (37 tuổi, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo cáo trạng truy tố, năm 2015, Trương Thị Ngọc Yên bắt đầu làm chủ hụi của nhiều dây hụi tháng, loại hụi từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/dây/tháng. Khi từng dây hụi kết thúc, Yên mở lại dây hụi mới. Thông thường, mỗi dây hụi có từ 20-25 phần.

Đến năm 2021, thấy nhiều hụi viên tham gia nhưng không hốt hụi, muốn hốt cuối để được lời nhiều và cũng không đối chiếu, kiểm tra thực tế danh sách hụi viên trong dây hụi nên Yên kê khống tên hụi viên vào danh sách và tự ý lấy tên của hụi viên có tham gia chơi hụi để hốt phần hụi của hụi viên này. Từ năm 2020-2022, Yên làm chủ 8 dây hụi gồm 6 dây hụi tháng và 2 dây hụi tuần. Yên đã kê khống tên hụi viên để hốt hụi và chiếm đoạt gần 800 triệu đồng.

Ngoài xử lý hình sự, 5 năm gần đây, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh thụ lý, giải quyết nhiều vụ tranh chấp dân sự liên quan đến hụi. Năm 2020, thụ lý giải quyết 832 vụ án dân sự sơ thẩm và 32 vụ án dân sự phúc thẩm; năm 2021, thụ lý giải quyết 517 vụ án dân sự sơ thẩm và 27 vụ án dân sự phúc thẩm; năm 2022, thụ lý giải quyết 424 vụ án dân sự sơ thẩm và 25 vụ án dân sự phúc thẩm; năm 2023, thụ lý giải quyết 499 vụ án dân sự sơ thẩm và 22 vụ án dân sự phúc thẩm; từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, thụ lý giải quyết 494 vụ án dân sự sơ thẩm và 11 vụ án dân sự phúc thẩm.

Qua đánh giá, đa số các vụ việc tranh chấp về hụi ở địa phương là do chủ hụi tổ chức cùng lúc nhiều dây hụi, nhiều thành viên tham gia, giá trị lớn, không quản lý được các dây hụi dẫn đến mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, có trường hợp người tham gia khi hốt hụi xong không có khả năng đóng lại; cũng có trường hợp chủ hụi lợi dụng lòng tin của những người tham gia dây hụi để chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, cử tri ở một số địa phương trong tỉnh kiến nghị ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vỡ hụi với số tiền hàng tỉ đồng hay hàng chục tỉ đồng. Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, các cấp, các ngành tăng cường thông báo phương thức, thủ đoạn và triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo ông Nguyễn Minh Lâm, thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi, trong đó cần tập trung tuyên truyền Nghị định số 19, ngày 19/2/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biên, phường để người chơi hụi biết, tự bảo vệ quyền lợi.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, phối hợp lực lượng chức năng tổ chức rà soát, nắm thông tin việc mở hụi trên địa bàn./.

Việc quy định về hụi tại Điều 471 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và được cụ thể hóa trong Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biên, phường là sự thừa nhận của Nhà nước đối với một tập quán trong nhân dân, nhằm tạo điều kiện huy động vốn, tương trợ, giúp đỡ nhau trên cơ sở tự thỏa thuận của người dân thông qua hình thức hụi. Tuy nhiên, do đây là một tập quán nên trong thực tiễn, hầu hết các bên khi tham gia đều xuất phát từ sự tin tưởng lẫn nhau, ít khi tuân thủ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Hầu hết các dây hụi đều được thỏa thuận bằng lời nói hoặc giao kết bằng văn bản viết tay, chủ hụi sẽ lập và giữ sổ hụi, khi có tranh chấp xảy ra thì chủ hụi không giao nộp cho cơ quan Tòa án, thậm chí tiêu hủy sổ hụi. Từ đó, gây khó khăn cho việc xác minh, đánh giá chứng cứ của các cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của địa phương trên lĩnh vực này. Khi chủ hụi không có khả năng chi trả, bị vỡ nợ thì việc thu hồi tài sản gặp khó khăn.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết