Tiếng Việt | English

08/04/2021 - 09:26

Ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng “sốt” đất

Long An sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai, tăng cường công tác rà soát, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “sốt” đất trên địa bàn, nhất là tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của địa phương.

Tình trạng tăng giá đất “ảo”, “sốt” đất làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại địa phương

"Sốt" đất

Những năm gần đây, KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển mạnh mẽ, vươn lên tốp đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giữ một vị trí nhất định trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn không ngừng được nâng cao. Long An là điểm sáng trong công tác thu hút, nhiều doanh nghiệp về đầu tư thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn. Điều này, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Song song với quá trình phát triển, tình trạng biến động đất đai, tăng giá đất trên địa bàn tương đối lớn và đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành. Tình trạng nhận chuyển nhượng đất đai, tách thửa lách luật vẫn còn diễn ra khá phức tạp, sôi động, tạo ra tình trạng tăng giá đất “ảo”, “sốt” đất cục bộ, gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.

Minh chứng cho điều này là dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong quí I/2021 trên địa bàn vẫn tăng tương đối cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là tại địa bàn các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, từ khi địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, giá đất tại đây tăng cao gấp nhiều lần so với trước đây. Đặc biệt, mới nhất là khi nghe thông tin tỉnh chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường giao thông mới, nhiều người nơi khác đổ xô về địa phương mua đất để chờ thời, tạo nên cơn “sốt” đất. Vô tình, gia đình kiếm được khá nhiều tiền từ việc bán được miếng đất với giá “trên trời”.

Tương tự, ông Trần Thanh Hoàng, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, cho biết: Nhiều người ở các địa phương khác về đây tìm mua đất đai đã đẩy giá đất trên địa bàn tăng nhiều lần, thậm chí vài chục lần so với trước. Họ lùng sục khắp nơi để tìm mua đất và tình trạng “sốt” đất là chuyện diễn ra hàng ngày tại xã. Người dân địa phương chuyển sang làm nghề “cò đất”, môi giới đất đai ngày càng nhiều. Một số hộ dân trúng đất, phất lên thành tỉ phú. Gia đình tôi cũng có miếng đất khoảng 1.000m2 và liên tục bị chèo kéo để bán. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ráng đợi thêm thời gian nữa để xem tình hình như thế nào mới quyết định.

Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, việc biến động đất đai, tăng giá đất trên địa bàn còn khá phức tạp, tình trạng “sốt” đất cục bộ tại một số địa phương vẫn còn diễn ra. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý và gây ra không ít khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Huyện đã nhiều lần phối hợp các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng gây “sốt” đất, ảnh hưởng đến công việc chung. Địa phương cũng kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định về quản lý đất đai để phù hợp thực tế.

Dù dịch bệnh Covid-19 nhưng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiếp nhận tại tất cả chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai là hơn 51.345 hồ sơ, con số này cao hơn rất nhiều so với quí I/2020 (36.245 hồ sơ)

Ngăn chặn, chấn chỉnh

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình trạng tách thửa chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn vẫn tăng cao trong thời gian gần đây, gây ra hiện tượng “sốt” đất, tăng giá đất “ảo”, nhất là tại địa bàn các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá đất, “sốt” đất là do tỉnh đang trong quá trình tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Long An được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phát triển số khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân ở các địa phương khác đổ xô đến Long An nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tách thửa diện tích đất lớn thành diện tích đất nhỏ ngày càng nhiều. Mặt khác, vị trí địa lý của Long An khá thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM nhưng giá đất tại các địa phương giáp ranh của tỉnh thấp hơn khá nhiều so với địa phương thuộc TP.HCM.

Để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng “sốt” đất cục bộ, tăng giá đất “ảo” làm ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh đất đai, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung điều kiện tách thửa từng loại đất trên địa bàn để chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô bán nền. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, xác minh cụ thể các điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhất là đối với những trường hợp ở ngoài tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý, thu hồi đối với các trường hợp không đưa đất vào sử dụng, kể cả trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục.

Đồng thời, Sở tăng cường công tác phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, tổ chức kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoặc thu hồi đất đối với chủ đầu tư các dự án chậm triển khai, kéo dài trên địa bàn, gây bức xúc dư luận và lãng phí tài nguyên đất đai; tăng cường thẩm định giá đất, bảo đảm nghĩa vụ tài chính phù hợp trong điều kiện bình thường, không để xảy ra tình trạng sốt đất, tăng giá đất “ảo” ảnh hưởng đến công tác định giá.

Ngoài ra, Sở rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chính sách bồi thường theo hướng điều chỉnh giá đất phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, tăng chính sách bồi thường phù hợp đối với những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trực canh, thường trú trên địa bàn tỉnh./.

Quí I/2021, hồ sơ (HS) chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiếp nhận tại tất cả chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hơn 51.345 HS, con số này cao hơn rất nhiều so với quí I/2020 (36.245 HS). Trong đó, quí I/2021, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký huyện Đức Hòa tiếp nhận gần 10.000 HS, tăng gần gấp đôi so với quí I/2020 (5.364 HS); huyện Bến Lức, quí I/2021 tiếp nhận 4.669 HS (quí I/2020 là 3.464 HS); huyện Cần Giuộc, quí I/2021 tiếp nhận 10.759 HS (quí I/2020 là 5.576 HS); huyện Cần Đước, quí I/2021 tiếp nhận 12.320 HS (quí I/2020 là 5.805 HS). Số lượng HS tách thửa tặng cho 1 lần (theo điểm d, khoản 2, Điều 1 Quyết định số 75/2019) tiếp nhận tại tất cả chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong quí I/2021 là 7.031 HS, tăng gấp đôi so với quí I/2020 (3.496 HS).

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết