Tiếng Việt | English

26/07/2022 - 14:17

Nga ra đòn phủ đầu trước thềm cuộc họp khẩn cấp của EU về năng lượng

Trước thềm cuộc họp khẩn cấp của Liên minh châu Âu nhằm tìm giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã tuyên bố cắt giảm việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức.

Đòn phủ đầu của Nga

Giới phân tích cho rằng, với hành động này, Tổng thống Putin một lần nữa đã thể hiện sự khó đoán và quyết tâm gây sức ép đối với những quốc gia ủng hộ Ukraine.  

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt quan trọng nhất của Nga đến phần còn lại của châu Âu. (Ảnh: CNN)

Bộ trưởng năng lượng các nước EU dự kiến sẽ nhóm họp vào hôm nay (26/7) để xem xét kế hoạch cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt do lo ngại Điện Kremlin có thể cắt giảm hơn nữa nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu điện và năng lượng sưởi ấm trong mùa Đông. Mối quan ngại ngày càng trở nên lớn hơn khi Gazprom tuyên bố sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ 40% công suất hiện tại xuống còn 20% công suất từ ngày 27/7, do phải đem một tuabin đi bảo trì. Các quan chức phương Tây đã bác bỏ lời giải thích của Nga, cho rằng, nước này đang “vũ khí hóa” khí đốt để chống lại châu Âu.

Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Đây chính xác là kịch bản mà bà Ursula von der Leyen đã đề cập tuần trước. Động thái của Nga phù hợp với phân tích của chúng tôi”.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng Tổng thống Putin đang cố gắng đẩy EU vào tình thế khó khăn trong mùa Đông này, đồng thời khuyến nghị các nước thành viên cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt cho đến mùa Xuân năm 2023. Nhưng khi EU cố gắng siết chặt nền kinh tế Nga, cắt giảm nguồn doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của nước này và buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine, các động thái của họ đòi hỏi phải có sự nhất trí giữa các nước thành viên, xoa dịu dư luận và định hướng thị trường toàn cầu.

Thông tin mới nhất của Gazpom về việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt châu Âu tăng 12% vào ngày 25/7. Nếu như trước đây giá khí đốt chưa đến 30 euro một megawatt giờ (MWh) thì nay đã tăng lên đến 180 euro/MWh.

Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Putin đã chứng minh rằng, ông có rất nhiều đòn bẩy, đặc biệt trong việc siết chặt hoặc nới lỏng dòng chảy năng lượng. Ông cũng khiến các đối thủ của mình hoang mang và khó đoán khi thường xuyên gửi đi những tín hiệu trái chiều.

Các nước phương Tây đang ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga, nhưng điều đó đã gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, khiến giá cả tăng cao và khiến người tiêu dùng châu Âu tức giận. Trái lại doanh thu của Điện Kremlin không có dấu hiệu sụt giảm và Moscow đang thực hiện nhiều thỏa thuận mua bán mới với Trung Quốc và Ấn Độ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng dàn xếp một thỏa thuận quốc tế để giới hạn mức giá mà Nga đưa ra trên thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng đây là một nỗ lực phức tạp cả về mặt tài chính và ngoại giao.

Phải mất nhiều tuần tranh cãi, EU mới đạt được thỏa thuận cắt giảm hầu hết dầu mỏ của Nga, nhưng khối này vẫn phải đưa ra điều khoản miễn trừ cho phép một số nước như Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn trên đất liền.

Châu Âu chạy đua với thời gian

Những rạn nứt mới trong EU đã xuất hiện liên quan đến đề xuất giảm sử dụng khí đốt của Nga. Các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha vốn không phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga đã bác bỏ ý tưởng yêu cầu các doanh nghiệp và người dân của họ tiết kiệm để giúp đỡ Đức – quốc gia phải nhập khẩu 40% khí đốt Nga. Hiện, các quan chức châu Âu đang chạy đua với thời gian để tìm nguồn cung thay thế từ Trung Đông, Mỹ và nhiều nơi khác.

Ông Simone Tagliapietra - chuyên gia về chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels cho rằng, quyết định cắt giảm nguồn cung mới nhất của Gazprom cho thấy sự dễ tổn thương của 27 nước thành viên EU trong vấn đề năng lượng và khiến họ nhận ra rằng cần phải nhanh chóng thực hiện các bước đi nhằm tăng cường dự trữ khí đốt.

“Thông báo của Gazprom không gây ngạc nhiên. Nga đang chơi một trò chơi chiến lược ở đây. Việc duy trì nguồn cung thấp sẽ tốt hơn là cắt đứt hoàn toàn vì điều này giúp họ thao túng thị trường và tối ưu hóa tác động địa chính trị”, ông Simone Tagliapietra lưu ý.

Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu nhưng sau đó Moscow đã giảm 1/3 nguồn cung vào tháng 6. Thông thường, các cở sở dự trữ khí đốt ở châu Âu gần như được lấp đầy vào thời điểm này, nhưng hiện giờ chúng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và cuộc sống của người dân.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc khá nhiều vào Nga về khí đốt. Nord Stream 1 là tuyến đường ống dẫn chính để đưa khí đốt của Nga đến quốc gia này. Vài giờ trước thông báo của Gazprom, người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Müller cho biết, các cơ sở dự trữ của nước này đã đạt 65.9% công suất và đang trên đà đạt mục tiêu 75% vào đầu tháng 9 tới đây. Nhưng bây giờ, hy vọng đạt được mục tiêu này đang bị đặt dấu hỏi.  

Kế hoạch bảo tồn năng lượng của Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia EU đồng lòng sát cánh, với cam kết hỗ trợ cho những quốc gia gặp khó khăn nhiều nhất. Lý do mà EU đưa ra là nền kinh tế của khối này hội nhập sâu rộng tới mức một đòn giáng mạnh vào một quốc gia thành viên cũng là đòn giáng vào tất cả các quốc gia trong khối. Điều đó đặc biệt đúng vì Đức - quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến khí đốt với Nga – là đầu tàu kinh tế của châu lục.

Một số quốc gia thành viên ở phía Nam của khối phụ thuộc ít vào khí đốt của Nga cho rằng đề xuất bảo tồn khí đốt của EC mang lại rất ít hiệu quả, nhưng chắc chắn đề xuất này sẽ được đưa ra trong một cuộc bỏ phiếu. Không giống như các biện pháp trừng phạt và cầm vận dầu mỏ một phần mà EU áp đặt với Nga, vốn đòi hỏi sự nhất trí, kế hoạch bảo tồn khí đốt chỉ cần “đa số phiếu ủng hộ”, tức là cần 15 quốc gia thành viên đại diện cho 65% dân số EU. EU đang tiến hành nhiều cuộc đàm phán chuyên sâu trong vài ngày qua để chuẩn bị cho cuộc họp lần này, tập trung vào việc tìm cách điều chỉnh đề xuất để phù hợp với các nước thành viên./.

VOV.VN(Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết