Tiếng Việt | English

13/02/2022 - 08:48

Nga, Mỹ nhất trí tiếp tục đối thoại để tháo gỡ căng thẳng Ukraine

Điện đàm với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Putin phàn nàn về việc phương Tây đang trang bị vũ khí cho Ukraine và chính quyền Kiev đã “phá hoại” các thỏa thuận hòa bình do phương Tây làm trung gian.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới vấn đề Ukraine. (Ảnh: Fox News)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ngày 12/2 đã điện đàm để thảo luận về tình hình liên quan đến Ukraine và nhất trí tiếp tục đối thoại.

Phát biểu họp báo sau cuộc điện đàm mới nhất giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết ông vẫn chưa nhận thấy kết quả trong cuộc điện đàm lần này.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các vấn đề mà Tổng thống Mỹ đã nêu lên trong cuộc điện đàm và cả những vấn đề mà Nga rất quan tâm, vốn đã được đưa ra trong 2 văn bản dự thảo về đảm bảo an ninh mà Moskva cho Washington.

Ông Ushakov cho hay phía Mỹ đã đề nghị thu xếp cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Putin vào ngày 12/2, mặc dù dự kiến ban đầu là vào ngày 14/2.

Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành điện đàm sau khi Washington cảnh báo một cuộc tấn công quân sự tổng lực có thể bắt đầu diễn ra vào “bất cứ ngày nào."

Theo ông Ushakov, trong cuộc điện đàm trên, Tổng thống Putin một lần nữa phàn nàn về việc phương Tây đang trang bị vũ khí cho Ukraine và chính quyền Kiev đã “phá hoại” các thỏa thuận hòa bình do phương Tây làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở miền Đông Ukraine.

Trợ lý Tổng thống Nga cũng cho rằng cuộc điện đàm kéo dài khoảng một giờ giữa hai nhà lãnh đạo là “cân bằng và giống như trong kinh doanh," đồng thời xác nhận “hai Tổng thống đã nhất trí tiếp tục những cuộc tiếp xúc ở tất cả các cấp."

Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo trong cuộc điện đàm song phương, Tổng thống Biden đã cảnh báo người đồng cấp Putin rằng Mỹ “sẽ đáp trả một cách dứt khoát và buộc Nga phải trả giá đắt và nhanh chóng” nếu nước này xâm lược Ukraine.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Biden đã nhấn mạnh rằng “trong khi Mỹ vẫn sẵn sàng tham gia hoạt động ngoại giao, phối hợp toàn diện với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, chúng tôi cũng sẵn sàng cho những kịch bản khác."

Nhà Trắng cho biết hai Tổng thống đã thảo luận về việc Nga được cho là tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine. Tuyên bố với người đồng cấp Putin, Tổng thống Biden cũng khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác ngoại giao với Nga.

Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết cuộc điện đàm trên đã không mang lại bất kỳ thay đổi lớn nào đối với tình thế bế tắc hiện nay.

Quan chức giấu tên này nhấn mạnh cuộc điện đàm mang tính “chuyên nghiệp, thực chất và đã kéo dài hơn một giờ," song “không có bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong động lực đang diễn ra hiện nay."

Trong một động thái liên quan, một quan chức Điện Elysee khẳng định tại cuộc điện đàm trước đó trong ngày 12/2 giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Nga không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào về việc ông đang chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.

Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine.

Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào.

Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga./.

Quang Vinh-Xuân Phong (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết