Một dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh chết người này là viêm phế quản không khỏi. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ
Ung thư phổi phát triển khi các tế bào trong phổi phát triển ngoài tầm kiểm soát và sự gia tăng này thường lan sang các vùng khác của cơ thể.
Giống như tất cả các bệnh ung thư, hành động thật nhanh khi các dấu hiệu cảnh báo vừa xuất hiện sẽ cải thiện kết quả sống sót.
Thật không may, hầu hết các loại ung thư phổi không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn.
Theo Trung tâm Điều trị Ung thư Mỹ (CTCA), nguyên nhân một phần là do phổi có ít đầu dây thần kinh.
CTCA giải thích, khi ung thư phổi gây ra các dấu hiệu trong giai đoạn đầu, chúng có thể khác nhau ở mỗi người.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến cần lưu ý.
Và một dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh chết người này là viêm phế quản không khỏi, Trung tâm Điều trị Ung thư Mỹ giải thích, theo Express.
Viêm phế quản không biến mất là một dấu hiệu ban đầu
Viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng phế quản, khiến chúng bị kích thích và viêm.
Điều này thường khiến phổi tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người sống ở khu vực có nồng độ khí NO cao - chủ yếu do ô tô và các phương tiện giao thông thải ra, có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn khoảng 33%. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Các dấu hiệu cảnh báo sớm khác của ung thư phổi
Các dấu hiệu cảnh báo sớm khác của ung thư phổi bao gồm:
• Ho không khỏi sau 2 - 3 tuần
• Ho lâu và ngày càng nặng hơn
• Ho ra máu
• Đau hoặc tức ngực khi thở hoặc ho
• Khó thở dai dẳng
• Mệt mỏi dai dẳng hoặc thiếu năng lượng
• Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
Khi nào nên đi khám?
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, nên đi khám ngay nếu gặp các triệu chứng của ung thư phổi kể trên, đặc biệt là khó thở hoặc ho dai dẳng.
Những ai có nguy cơ?
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này không nhất thiết là sẽ bị ung thư phổi.
• Tiếp xúc với khói dầu diesel
Nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với khói dầu diesel trong nhiều năm làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người sống ở khu vực có nồng độ khí NO cao - chủ yếu do ô tô và các phương tiện giao thông thải ra, có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn khoảng 33%, theo Express.
Đương nhiên, những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với khói thải, có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.
• Hút thuốc
Hầu hết các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc, mặc dù những người chưa bao giờ hút thuốc cũng có thể mắc bệnh này.
Theo tổ chức nghiên cứu ung thư Anh - Cancer Research UK, trong 10 ca ung thư phổi thì có đến 7 ca là do hút thuốc, kể cả hít phải khói thuốc lá của người khác.
• Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Tiếp xúc với một số chất cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, gồm thạch tín, amiăng, rerili, cadmium, khói than và than cốc, silica và niken, theo Express./.
Theo thanhnien.vn