Tiếng Việt | English

05/03/2021 - 19:35

NATO cảnh báo tham vọng “tự chủ chiến lược” của EU

Một số nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thời gian qua đã không hề che giấu ý định thúc đẩy một châu Âu tự chủ hơn về quốc phòng, cũng đồng nghĩa với một sự xa rời hơn về mặt chiến lược với NATO.

Trong một cảnh báo rõ ràng gửi tới Liên minh châu Âu (EU), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua (4/3) tuyên bố, khối 27 quốc gia thành viên không thể tự bảo vệ mình nếu không có liên minh quân sự này.


Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: Sputnik

Một số nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thời gian qua đã không hề che giấu ý định thúc đẩy một châu Âu tự chủ hơn về quốc phòng, cũng đồng nghĩa với một sự xa rời hơn về mặt chiến lược với NATO.

Trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, một Liên minh châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đầu tư vào các năng lực mới và giảm bớt sự phân tán của ngành công nghiệp quốc phòng, không chỉ tốt cho an ninh châu Âu mà còn có lợi cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu không thể một mình bảo vệ châu Âu. Ông cũng lưu ý rằng, trong khi 21 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng là thành viên của NATO, thì 2 bên sườn sơ hở của khối này lại thường được bảo vệ bởi các đồng minh ngoài EU vốn đóng góp nhiều chi tiêu quốc phòng hơn.

“Tôi nghĩ điều làm nên một NATO mạnh mẽ chính là vì lợi ích an ninh của cả châu Âu và Bắc Mỹ. Bất chấp những khác biệt và bất chấp những khó khăn mà chúng tôi đã thấy trong bốn năm qua, thực sự chúng tôi thấy rằng Bắc Mỹ và châu Âu hay Mỹ và châu Âu đang làm nhiều hơn cho NATO so với những gì chúng ta đã làm trong nhiều năm”, ông Jens Stoltenberg nói.

Cảnh báo được người đứng đầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không hề che giấu kế hoạch tham vọng thúc đẩy khối này phát triển “sự tự chủ chiến lược” hơn, để từ đó cải thiện vai trò địa chính trị khá mờ nhạt của Liên minh châu Âu thời gian qua.

Tổng thống Emmanuel Macron hồi cuối năm 2020 thậm chí còn tỏ ra hoài nghi liệu chiến lược của NATO có trong “tình trạng chết não” trên thế giới hậu chiến tranh Lạnh hay không. Nhằm cụ thể hóa cho tham vọng của mình, Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của khối, đang phê chuẩn một chính sách quyết đoán hơn và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Theo một số nhà phân tích, động thái của EU là nhằm thiết lập sự cạnh tranh giữa Brussels và Washington. Tuy nhiên, điều này lại khiến NATO không hài lòng, bởi có thể làm suy yếu vai trò của liên minh quân sự này. Cũng giống như Mỹ, NATO không dưới một lần chỉ trích Liên minh châu Âu “đóng ít mà muốn được hưởng nhiều”. Theo NATO, dù là thành viên, song các nước Liên minh châu Âu chỉ đóng góp 1/5 tổng chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự này dành cho việc bảo vệ các bờ biển châu Âu.

Dẫu vậy, Tổng thư ký NATO Gien Stoltenberg, cũng như một số quan chức khác đều nhận thấy cơ hội khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ. Mối quan hệ giữa EU và Mỹ trở nên khá lạnh nhạt và thiếu thiện chí dưới thời Tổng thống Donald Trump./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết