Tiếng Việt | English

02/03/2021 - 11:21

Năng động, sáng tạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Qua đó, không chỉ thể hiện truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của các địa phương, đơn vị mà còn góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mô hình 3 trong 1 giúp người dân giảm được chi phí và thời gian đi lại

Đưa pháp luật vào cuộc sống 

Điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải kể đến là Phòng Tư pháp huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Là huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp nên dân nhập cư đông và biến động nên nhu cầu về quản lý tư pháp, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), xử lý vi phạm hành chính tăng so với các huyện nông nghiệp. Vì vậy, Phòng tăng cường công tác TTPBGDPL đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức và thông qua các mô hình mang ý nghĩa thiết thực. Qua đó, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức hiểu biết và chấp hành pháp luật trong cán bộ và người dân; đồng thời, góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức - Huỳnh Thành Tâm cho biết: “Phòng phối hợp tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh những chuyên đề Pháp luật và cuộc sống; tuyên truyền tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo pháp luật, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được giải quyết dứt điểm. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật và đồng tình ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện tổ chức TTPBGDPL được trên 25.600 cuộc, có trên 172.300 lượt người dự; đồng thời, cấp phát trên 219.000 tờ gấp, tài liệu về lĩnh vực hộ tịch, lao động, hợp đồng lao động, các quy định về đình công, lãn công, bảo hiểm y tế (BHYT), đất đai, nông thôn mới (NTM), an toàn giao thông,…

Đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện có 29 thành viên, Tổ thư ký gồm 5 người. Báo cáo viên cấp huyện gồm 29 người, cấp xã có 170 tuyên truyền viên. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện và cấp xã lãnh, chỉ đạo các ngành và đoàn thể xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án PBGDPL, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Nhiều mô hình được thành lập như 3 trong 1 (đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu, đăng ký cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi); 2 trong 1 (đăng ký khai tử và xóa hộ khẩu); Cà phê doanh nhân; Ngày Pháp luật trong các cơ quan, đơn vị; câu lạc bộ nhà trọ pháp luật; điểm PBGDPL; trang thông tin pháp luật. Hay mô hình Tiết pháp luật được Phòng phối hợp Công an huyện, Đoàn Thanh niên huyện và các trường THPT, THCS và tiểu học tổ chức tuyên truyền về quyền trẻ em, an toàn giao thông trước cổng trường cho toàn thể giáo viên, nhân viên và học sinh.

Mô hình 3 trong 1 được thực hiện liên thông tại bộ phận "một cửa" cấp xã từ năm 2010 đến nay và được nhân rộng toàn tỉnh năm 2013. Mô hình còn được Bộ Công an và Bộ Tư pháp nhân rộng trong toàn quốc hơn 2 năm. Mô hình giúp quản lý tốt hơn về công tác hộ tịch, quản lý dân số, thực hiện kịp thời các chính sách, quyền lợi cho công dân, đặc biệt là trẻ em, đồng thời tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bà Nguyễn Thị Mơi (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Việc đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu và đăng ký cấp thẻ BHYT được thực hiện cùng một lúc giúp người dân giảm được chi phí và thời gian đi lại; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trẻ khi khám, chữa bệnh cũng như trong học tập vì có đầy đủ giấy tờ”.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức - Huỳnh Thành Tâm cho biết thêm: “Bên cạnh mô hình 3 trong 1 được đánh giá cao thì mô hình Cà phê doanh nhân cũng được triển khai hiệu quả từ năm 2017 đến nay. Định kỳ hàng tuần có 30-50 người tham gia sinh hoạt. Năm 2020, Phòng Tư pháp phối hợp Chi hội Doanh nhân trẻ huyện tổ chức tổng kết mô hình, tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương có cơ hội giao lưu, trao đổi các vấn đề liên quan thiết thực đến các chính sách đầu tư, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện thời gian tới”.

Trạm cấp nước được đầu tư xây dựng, giúp nâng tỷ lệ hộ dân xã Thủy Đông sử dụng nước sạch đạt trên 75,7%

Thi đua xây dựng quê hương 

Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa cụ thể hóa các chủ trương của Huyện ủy, quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân và khơi dậy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.

Bà Võ Thị Kim Bạch, ngụ ấp Nước Trong, cho biết: “Các phong trào do địa phương phát động tôi đều tích cực tham gia, nhất là phong trào xây dựng NTM. Khi có chủ trương làm đường giao thông, tôi đã hiến hơn 190m2 đất. Tuyến đường ấp Nước Trong nay được nhựa hóa, người dân đi lại dễ dàng, tôi rất phấn khởi”.

Nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả như phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; thi đua dân vận khéo; thi đua xây dựng NTM và thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được xã thực hiện gắn với hoạt động phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình được triển khai sâu, rộng trên địa bàn dân cư như mô hình Cổng rào phòng, chống tội phạm; Ánh sáng an ninh, trật tự; Móc khóa an ninh, trật tự..., góp phần nâng cao ý thức của người dân về cảnh giác, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, mang lại sự bình yên cho mọi nhà.

Người dân xã Thủy Đông được trang bị các kiến thức để bảo vệ sức khỏe thông qua các tờ bướm tuyên truyền

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “Từ các phong trào thi đua còn xuất hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 447,8ha; xây dựng 1.000ha vùng chuyên canh cây khoai mỡ. Sản xuất nông nghiệp hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Sản lượng lúa bình quân đạt 11.740 tấn/năm; lợi nhuận trung bình tăng từ 40 triệu đồng/ha. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50,3 triệu đồng/năm; hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 75,7%, tham gia BHYT 90,09%. Xã được công nhận đạt danh hiệu NTM năm 2019 và phấn đấu về đích xã NTM nâng cao trong tương lai”.

Cùng với các phong trào thi đua trên, phong trào thi đua Đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm - giảm nghèo tiếp tục được quan tâm. Từ năm 2015-2020, xã tạo việc làm cho 1.181/750 lao động, đạt 157%. Hộ nghèo hiện nay chỉ còn 1,41% (22/1.554). Xã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 197 triệu đồng; vận động xây dựng và trao tặng 13 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 505 triệu đồng, 17 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương với tổng trị giá 610 triệu đồng; vận động 4.560 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách khó khăn với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Với sự nỗ lực, phấn đấu đó, thời gian qua, xã được UBND tỉnh tặng 3 cờ thi đua, 8 tập thể và 12 cá nhân được tặng bằng khen. Hàng năm, có hơn 15 tập thể và hơn 27 cá nhân được UBND huyện tặng giấy khen.

Thông qua các phong trào thi đua của Phòng Tư pháp huyện Bến Lức và xã Thủy Đông đã xuất hiện nhiều mô hình, hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Qua đó, không chỉ khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước mà còn góp phần xây dựng Phòng Tư pháp huyện Bến Lức trở thành đơn vị tiên tiến nhiều năm liền cũng như đưa xã Thủy Đông ngày càng phát triển nhanh và bền vững./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết