Thời gian qua, việc phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) được nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua những cách làm linh hoạt, sáng tạo như phân chia riêng biệt rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế, thực hiện các mô hình, dự án xử lý rác hiệu quả,... Qua đó, vừa góp phần vào công tác bảo vệ môi trường (BVMT), vừa biến rác thành nguồn tài nguyên quý giá.
Tuy nhiên, việc PLRTTN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn có thói quen không phân loại mà bỏ tất cả các loại rác, từ rau, củ, quả, túi nylon, vỏ thủy tinh, vỏ nhựa lẫn lộn vào một túi rồi vứt ra thùng rác công cộng, chờ nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom, phân loại. Riêng TP.Tân An được chọn thực hiện thí điểm từ năm 2020 tại phường 3 nhưng việc PLRTTN cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do hiện nay chưa hoàn thiện chuỗi thực hiện từ phân loại, thu gom đến xử lý rác. Rác phân loại hiện nay chủ yếu được thu gom bằng xe ép rác bình thường, chỉ thay đổi logo rác hữu cơ, vô cơ để người dân phân biệt, nhớ lịch thu gom và vận chuyển về bãi rác để đốt hoặc chôn lấp chứ không sử dụng rác được phân loại.
PLRTTN vốn được nhiều đô thị, quốc gia trên thế giới áp dụng, trở thành yêu cầu bắt buộc trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Phương thức phân loại rác thải được thực hiện ngay thời điểm phát sinh rác, trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, xử lý. Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành 4 nhóm gồm chất thải có thể tái chế (phế liệu), chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải còn lại và nhóm chất thải nguy hại, được các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ,... phân loại, đưa vào các vật đựng khác nhau trước khi bỏ vào thùng rác công cộng. Điều này bắt đầu từ nhận thức và hành vi xử lý rác của mỗi người dân nhưng mang lại ý nghĩa, lợi ích rất lớn, góp phần giảm gánh nặng xử lý rác, tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý, tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác cũng như giảm tình trạng ô nhiễm do rác thải gây ra.
Luật BVMT năm 2020 quy định, đến ngày 01/01/2025, người dân phải thực hiện việc PLRTTN nhằm giảm lượng chất thải, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu không thực hiện PLRTTN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Để triển khai, thực hiện Điều 79 Luật BVMT năm 2020 và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó: Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 11109/UBND-KTTC về việc PLRTTN tại các cơ quan, đơn vị hành chính. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn tại cơ quan, đơn vị, theo nguyên tắc chia thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật BVMT năm 2020. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình nghiêm túc triển khai, thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai PLRTTN trên địa bàn quản lý, tổ chức tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, nhân dân trong việc PLRTTN và theo dõi việc triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.
Thiết nghĩ, để Luật đi vào thực tiễn hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá cho vấn đề quản lý, xử lý rác, trở thành nhận thức chung của mọi người dân, các ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động PLRTTN; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và áp dụng công nghệ xử lý rác phù hợp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác BVMT. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần ban hành những văn bản hướng dẫn, quy định các định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo cơ sở để việc PLRTTN được thực hiện đúng tiến độ, giúp các đô thị, khu dân cư đạt xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
PLRTTN là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải “bài toán” BVMT. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích BVMT, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Vì vậy, mỗi người dân hãy chung tay thực hiện PLRTTN để BVMT và xây dựng một tương lai bền vững./.
Thanh Tuyền