Tiếng Việt | English

14/11/2018 - 05:38

Nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, tuy tố, xét xử, thi hành án

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dương Giang/TTXVN)

Tại phiên thảo luận về báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong năm 2018, các đại biểu nhận định trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến tình hình phức tạp, các cơ quan tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Việc nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, chống oan sai, chống lọt tội phạm. Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. 

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ kéo dài qua nhiều năm trong công tác thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm và các vụ án hành chính...

Còn khó khăn trong công tác thi hành án

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thống nhất với những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu của Chính phủ đề xuất trong năm 2019 trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. 

Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của ngành thi hành án dân sự trong năm 2018. Đi đôi với giáo dục, thuyết phục, ngành Tòa án đã tăng cường công tác cưỡng chế với gần 10.000 vụ việc, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong đôn đốc, thi hành án. Từ đó, kết quả đạt được khá tích cực, số việc thi hành án xong đạt 80,3% tổng số việc phải thi hành có điều kiện. 

Chia sẻ với ngành Tòa án về áp lực ngày một gia tăng do số việc thi hành án ngày càng cao, đại biểu nêu thực tế hiện còn nhiều vụ án tham nhũng với số tiền phải thi hành án rất lớn, có nguy cơ tồn đọng cao.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích, theo báo cáo, trong năm vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Chí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Hoàng Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. 

Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số tiền thi hành trên 5.200 tỷ đồng cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại bốn vụ án nói trên, số tiền cũng mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng 100 tỷ đồng trên 5.000 tỷ đồng. Khả năng thi hành các vụ án đạt kết quả là rất khó khăn.

Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do việc kê biên, phong tỏa tài sản cũng chưa nhiều so với tổng số tiền mà các vụ án này phải bồi thường. Tài sản kê biên chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên. 

Tài sản kê biên có tranh chấp lại phải nhờ, phải chờ tòa án giải quyết xong mới giải quyết được việc kê biên tài sản. Tài sản liên quan đến quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương cũng phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương mới có phương án giải quyết cụ thể. Tài sản kê biên được tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, lại phải tiến hành hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Thực tế có những vụ phải hạ giá tới lần thứ năm. 

Từ thực tế trên, trong công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức nói riêng cũng như của công dân nói chung, nhất là về bất động sản còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong xử lý thi hành án nói riêng, cũng như trong công tác quản lý nhà nước nói chung.

Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án 

Quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) chia sẻ những khó khăn, hạn chế đối với Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. 

Bởi thực tế hiện nay, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của hai cơ quan ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, số lượng đơn đề nghị kiểm tra, xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao. 

Kể cả khi đã có kết luận vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, hoặc không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng đương sự vẫn không đồng ý; đồng thời tố cáo các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng đã giải quyết, xét xử vụ án đó, làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chiều hướng tăng, phức tạp. 

Đại biểu phân tích, một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều đạt thấp là do đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu về số lượng, vừa có cán bộ thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ. 

Giải pháp về công tác cán bộ nếu chỉ nói chung chung là sẽ bố trí đủ nhân sự hoặc thực hiện giải pháp tạm thời là điều động hoặc biệt phái kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới lên cấp trên để thực hiện nhiệm vụ là chưa hiệu quả.

Nếu kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm, có năng lực của cấp dưới được điều động, biệt phái cho cấp trên, sẽ làm thiếu hụt nhân sự của cấp dưới, làm cho các vụ án ở cấp dưới chậm được giải quyết, tồn đọng nhiều. Thực tế hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đã phản ánh việc Tòa án giải quyết chậm các vụ án là tương đối nhiều, hoặc có vụ việc chất lượng kiểm sát, xét xử của cấp dưới bị giảm và đây lại là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù đã ban hành các quyết định về việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, giữa Tòa án, Viện kiểm sát với cơ quan thi hành án dân sự và với các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp có lúc chưa thật sự hiệu quả. Thông thường khi khiếu nại, tố cáo, những người tiến hành tố tụng trong vụ án hoặc đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm thì đương sự đồng thời thường đề nghị cả Tòa án và Viện kiểm sát giải quyết.

Nhưng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngành tòa án nhân dân và ngành kiểm sát nhân dân chưa ban hành quy trình quản lý thống nhất các vụ, việc; chưa ban hành các kỹ năng giải quyết đơn; kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù các đạo luật về tư pháp, phần lớn được ban hành từ năm 2015 và có hiệu lực được hơn hai năm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của việc kéo dài thời gian giải quyết và chậm trả lời cho đương sự. 

Một thực tế là bản án dân sự khi đang được đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chưa có kết quả giải quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền, đương sự sẽ không đồng ý thi hành án, làm cho việc thi hành án bị kéo dài, gây khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thi hành.

Nếu vẫn thi hành án thì đương sự sẽ tiếp tục khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan thi hành án dân sự hoặc khiếu nại, tố cáo chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Có trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án xong, thì bản án bị tòa án kháng nghị, hủy bỏ, gây khó khăn cho việc thi hành án và xử lý hậu quả của việc thi hành kháng nghị đó, đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị, các ngành liên quan cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi, tích cực hơn nữa nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, nhất là nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm trong thời gian tới. 

Đồng thời, ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân đặc biệt chú ý giải pháp về công tác cán bộ và giải pháp để thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan tư pháp trong việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Cán bộ không đủ năng lực nên chủ động từ chức

Băn khoăn về số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tố tụng điều tra ở cấp trung ương còn chiếm tỷ lệ cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là điều đáng để suy nghĩ.

Lấy ví dụ các vụ án đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung như vụ dâm ô trẻ em của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu phải xử đi xử lại; vụ VN Pharma, Tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; vụ chạy thận nhân tạo làm chín người chết tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung; vụ xe container đâm xe Innova lùi trên cao tốc phải trả hồ sơ để xử lại..., đại biểu cho rằng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. 

Đánh giá cao ý kiến của Viện trưởng Lê Minh Trí rất đúng, rất chuẩn, rất thẳng thắn, thể hiện sự tin tưởng vào quyết tâm cao của Viện trưởng nói riêng và toàn ngành Kiểm sát nói chung để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. 

Nhân đây, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tố tụng cấp tối cao và cấp tỉnh Hòa Bình đang giải quyết vụ án chạy thận nhân tạo có liên quan đến bác sỹ Hoàng Công Lương, sẽ xét xử đúng người đúng tội, thấu lý đạt tình để những gia đình có nạn nhân xấu số được dịu bớt nỗi đau và đặc biệt đội ngũ bác sỹ trong cả nước yên lòng, vững tâm cho công tác chữa bệnh.

Nhận định vi phạm, tranh chấp hành chính vẫn diễn biến phức tạp, mức độ nghiêm trọng, đại biểu đặt câu hỏi: "Tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm cật sức, công an rất tích cực, tòa án mở liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng. Phải chăng bên cạnh sự quyết liệt, nghiêm khắc hơn, cần phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và phải thực hiện theo Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám vừa qua, đó là nên chủ động từ chức." 

"Tôi thấy đây là một quy định rất hợp thời, nhân văn. Nếu có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, nếu không đủ năng lực thì nên chủ động từ chức. Còn hơn một năm nữa, phải chuẩn bị một đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho Trung ương khóa 13 sắp tới. Nhân dân mong muốn người không còn uy tín hãy chủ động từ chức; bên cạnh đó đề nghị Quốc hội cho xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Đảng" - đại biểu nêu quan điểm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết