Tiếng Việt | English

30/03/2023 - 13:11

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Giúp người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất,... là một trong những “chìa khóa” nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 

Chị Võ Thị Hải Yến có thu nhập ổn định từ bán trà sữa

Từng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng do cuộc sống quá khó khăn, chị Lê Thị Mai Nương (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) tạm ngưng tham gia gần 2 năm. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị Nương, chính quyền địa phương vận động kinh phí, tạo điều kiện cho chị tiếp tục tham gia BHYT.

Chị Nương chia sẻ: “Một mình nuôi 2 người con học đại học nên tôi cắt giảm nhiều chi phí, dành dụm tiền gửi cho con, trong đó có việc tạm ngưng tham gia BHYT. Sau khi được hỗ trợ, tôi tiếp tục tham gia BHYT”.

Thực tế, không phải ai cũng hiểu hết được giá trị của BHYT. Chỉ tới khi lâm cảnh bệnh tật, tai nạn, nhất là bị nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì lúc bấy giờ người bệnh mới nghĩ đến lợi ích của BHYT. Với ý nghĩa và tính nhân văn của BHYT, huyện Cần Giuộc quyết liệt thực hiện các giải pháp, góp phần nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT. Đến nay, huyện có 95% người dân tham gia BHYT.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị xã Kiến Tường thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã tạo điều kiện cho trên 1.600 lượt hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 82 tỉ đồng. Đơn cử trường hợp chị Võ Thị Hải Yến (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư bán trà sữa.

Chị Yến nói: “Khó khăn nhất của tôi là thiếu vốn. Số tiền được hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, thời gian trả 5 năm, giúp tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Hàng tháng, tôi trả lãi và tham gia gửi tiết kiệm cho tổ tiết kiệm và vay vốn”.

Tương tự trường hợp chị Yến, chị Trương Thị Mỹ Dung (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) cũng được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi vịt xiêm. Với số tiền đó, chị mở rộng chuồng trại, tăng đàn từ 350 con lên 1.000 con.

Chị Dung bộc bạch: “Vịt xiêm rất dễ nuôi, ít bệnh. Nuôi khoảng 6 tháng, vịt bắt đầu cho trứng liên tục 1 năm. Thức ăn cho vịt được tận dụng từ các phế phẩm nông nghiệp như bèo, lục bình, rau muống, chuối cây,... kết hợp thức ăn công nghiệp nên giảm được nhiều chi phí”.

Trước đây, chị Dung làm nội trợ, kinh tế gia đình chỉ dựa vào số tiền làm thuê “ngày có, ngày không” của chồng, trong khi đó phải nuôi 2 người con nhỏ đang đi học. Để chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình, chị Dung tìm hiểu các mô hình chăn nuôi khác nhau và quyết định nuôi vịt xiêm lấy trứng. Bằng sự cần cù, chịu khó, giờ đây kinh tế gia đình chị Dung ngày càng ổn định.

Nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị là mục tiêu mà các cấp, các ngành đang thực hiện. Việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, nguồn vốn phát triển kinh tế,... là một trong những biện pháp hiệu quả trong hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống người dân về vật chất lẫn tinh thần./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết