Tiếng Việt | English

30/04/2016 - 09:13

Mỹ kêu gọi ASEAN đoàn kết

Washington vừa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại danh dự của chính mình nếu phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết.

 

Từ trái sang: các thứ trưởng ngoại giao của Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Philippines trong cuộc họp quan chức cấp cao liên quan Biển Đông tổ chức ở Singapore hôm 27-4 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague dự kiến đưa ra phán quyết trong những tuần tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Giới quan sát dự đoán phán quyết sẽ có lợi cho Philippines nhưng cũng sẽ làm dấy lên căng thẳng đáng kể trong khu vực bởi Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của tòa này.

Trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken giải thích rằng Trung Quốc là một bên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và không thể bác bỏ các điều khoản trong đó, bao gồm cả điều khoản về “bản chất ràng buộc đối với bất kỳ quyết định trọng tài nào”.

Theo Reuters, hiện Washington đang vận động mạnh mẽ để các nước tuyên bố rằng phán quyết của tòa phải được tuân thủ.

Ông Blinken khẳng định Washington đang nỗ lực để góp phần giúp ASEAN thành một tổ chức có sức mạnh lớn hơn trong việc ứng phó với những vấn đề gai góc như Biển Đông.

Ông nhắc lại cam kết ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN hồi tháng 2 ở Sunnylands (Mỹ): Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo ASEAN nhất trí rằng tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở pháp lý.

“Chúng tôi kỳ vọng điều tương tự sẽ xảy ra khi có phán quyết của tòa trọng tài” - ông nói.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang tìm cách vận động mạnh mẽ một số nước ASEAN.

Cuối tuần qua, truyền thông Trung Quốc tung tin trên đường công du, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhất trí với Brunei, Campuchia và Lào rằng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không nên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN.

Khi được hỏi liệu động thái này có phải để gây chia rẽ ASEAN hay không, ông Blinken nói rằng có nhiều chuyện “thấy vậy mà không phải vậy”.

Nhưng cũng do kiểu thông tin gây mập mờ của phía Trung Quốc khiến quốc gia đang điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc là Singapore phản ứng cho rằng Trung Quốc đang gây chia rẽ.

Dường như Trung Quốc cũng đang tích cực vận động để đóng vai trò anh cả trong khu vực.

Theo báo Straits Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kêu gọi lập một “cơ chế hợp tác an ninh khu vực” mới phù hợp với “nét đặc trưng châu Á” và một cơ chế kiểm soát khủng hoảng mới để ngăn chặn các vấn đề của khu vực bùng lên.

Phát biểu trước các ngoại trưởng đến từ 26 nước tại Hội nghị các giải pháp xây dựng tương tác và lòng tin ở châu Á (CICA) tại Bắc Kinh hôm 28-4, ông Tập vạch ra quan điểm của Trung Quốc về nhiều vấn đề chủ chốt của khu vực như tranh chấp trên Biển Đông, điều mà ông nói có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh an ninh châu Á.

Nhưng thực tế những năm qua cho thấy Bắc Kinh thường đưa ra những cam kết tương tự nhưng trên thực địa có những hành vi gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế như bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp, đưa hệ thống tên lửa trái phép ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, leo thang quân sự hóa vùng biển này.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: 
ủng hộ bán vũ khí cho Việt Nam

Trước các động thái gây quan ngại cộng đồng quốc tế của Trung Quốc, hôm 28-4 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói ông sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đang ngày càng nồng ấm hơn.

Khi được thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện, hỏi liệu ông Carter có ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm này không, ông Carter đáp nhanh: “Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trước đây rồi và tôi đánh giá cao sự dẫn dắt của ngài trong vấn đề liên quan, thưa ngài chủ tịch, và câu trả lời của tôi là có”.

Theo Reuters, hồi tháng 10-2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam./.

Thu Anh/Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết