Tiếng Việt | English

02/05/2018 - 20:48

Mừng quê hương đổi mới

Những ngày tháng sống, chiến đấu gian khổ trong chiến tranh mãi là niềm tự hào của người dân Long An. Ngày nay, sống trong hòa bình, những người từng đi qua cuộc chiến tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Trường học được xây mới

Năm tháng không quên!

18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thi (còn gọi là Hai Mận), ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tạm gác việc học, hăng hái lên đường tòng quân khi Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 nổ ra. Gia đình vốn có truyền thống cách mạng, mẹ nuôi giấu cán bộ, hai cậu là liệt sĩ nên từ nhỏ, ông Hai Mận sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Thời gian tham gia quân ngũ tuy ngắn nhưng là du kích xã, ông cùng đồng đội sát cánh bên nhau, đánh đồn bót địch tại xã Mỹ Lộc trong trận chiến lịch sử.

Bây giờ, nhớ lại thời khắc ấy, ông cảm thấy rất tự hào. Đó là buổi chiều cuối tháng 4-1975, ông được đơn vị phân công cùng 2 đồng đội khác cầm lá cờ Tổ quốc treo lên trạm canh gác của cảnh sát ngụy tại thị trấn Cần Giuộc thay cờ ngụy. Giây phút thiêng liêng đó, có lẽ đến suốt cuộc đời, ông không thể nào quên.

Theo lời ông kể, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, xe của đơn vị chở ông cùng những đồng đội khác chạy ngang dòng người hò reo, vui mừng chiến thắng! Gương mặt ai cũng hớn hở, tươi cười vì đất nước được giải phóng, mọi người được tự do, giây phút đó thật hạnh phúc biết bao! Sau khi hòa bình lập lại, ông Hai Mận trở về địa phương ra sức phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Cuộc sống khấm khá, ông tham gia các phong trào, hoạt động an sinh xã hội.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 3, TP.Tân An - Phạm Ngọc Tấn vẫn chưa quên cảm giác vui mừng khi tỉnh nhà được giải phóng. “Khi đó, tôi cùng những người dân khác đi thu gom quân trang, quân dụng của địch sau khi bọn chúng đầu hàng. Vui lắm, chúng tôi vừa đi, vừa hát, có người dùng xoong, nồi gõ liên tục, mừng chiến thắng!” - ông kể.

Vui mừng trước những đổi thay

Ở độ tuổi gần 80, ông Nguyễn Hữu Tường, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, sống an hưởng tuổi già cùng con cháu. Ông từng là thiếu tá quân đội, chỉ huy nhiều trận đánh và lập không ít chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam. “Đất nước Việt Nam nói chung và Long An nói riêng vào ngày giải phóng vui như mở hội. Thanh niên, phụ nữ, người già, trẻ em,... xuống đường hò reo!” - ông nhớ lại.

Sau khi đất nước thống nhất, huyện Tân Thạnh cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do sự tàn phá của chiến tranh. Đất đai hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng, đời sống khó khăn, giao thông chưa thông suốt,... Theo ông Tường, nhờ chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, người dân tiên phong, cần mẫn trong lao động,... nên vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng ngày nào “cất cánh”, trở thành vựa lúa của tỉnh và khu vực. Đời sống người dân được nâng lên; hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư; điện thắp sáng các vùng quê;...

“Vui mừng trước những đổi thay, tôi hy vọng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An tiếp tục đoàn kết thực hiện thắng lợi các nghị quyết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm tiếp tục nâng cao đời sống người dân” - ông nói.

43 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Long An có nhiều thay đổi (Trong ảnh: Giao thông nông thôn ở vùng sâu được bê tông hóa và có hệ thống chiếu sáng)

Mấy chục năm sinh sống và làm việc tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, bà Trần Thị Láng chứng kiến sự chuyển mình của quê hương. Bà chia sẻ, khi lực lượng ta vào tiếp quản vùng đất này vào những ngày cuối tháng 4/1975, quân địch bỏ vũ khí đầu hàng, người dân được thông báo quay về sau thời gian tản cư. Sau chiến tranh, cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Sau khi có chủ trương đổi mới từ năm 1986, đặc biệt từ năm 2000 trở đi, huyện Thủ Thừa và các địa phương khác có sự thay đổi vượt bậc.

Giáo dục, y tế được chú trọng. Tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể. Trình độ dân trí ngày càng nâng lên. Đặc biệt, từ khi cầu Thủ Thừa cùng hệ thống đường Bobo - Bình Thành - Hòa Khánh được xây dựng, vùng đất Tân Thành, Tân Lập, Long Thuận, Long Thành được “đánh thức”,... Hệ thống giao thông được đầu tư, nhiều kênh, rạch được khơi thông, người dân chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ kinh tế ổn định, người dân có điều kiện tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Những thành tựu sau 43 năm giải phóng có công lao to lớn của các thế hệ đi trước. Với những người đi qua cuộc chiến, năm tháng chiến tranh mãi là ký ức đáng tự hào, là truyền thống tốt đẹp mãi được giữ gìn, phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết