Mùa thu luôn trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ, nhạc sĩ
Âm vang mùa thu lịch sử
Mùa thu Cách mạng Tháng Tám trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong thi, ca và chinh phục nhiều thế hệ khán giả bởi những giai điệu hào hùng, sâu lắng. Theo Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ (NS) Việt Nam tỉnh - NS Trịnh Hùng, mùa thu cách mạng của 73 năm về trước là “mùa thu vàng”, thể hiện ý chí kiên cường trong chống giặc ngoại xâm của toàn quân và dân Việt Nam. Mùa thu ấy là nguồn cảm hứng của nhiều văn, nghệ sĩ với những bản hành khúc sống mãi cùng thời gian.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng, giai điệu hào hùng vang lên khắp nơi, từ Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Tiếng gọi sinh viên (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận),... đến một loạt bài hát của Văn Cao như Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam và nhất là Tiến quân ca trở thành Quốc ca hùng tráng. “Mùa thu ngày hôm nay không còn khói lửa, đạn bom của chiến tranh mà lắng đọng những suy tư, bâng khuâng, xao xuyến. Những bản hùng ca cách mạng góp phần giúp kho tàng âm nhạc vừa mang tính dân tộc, hiện đại, vừa mang tính hiện thực, thẩm mỹ và nhân văn sâu sắc” - NS Trịnh Hùng khẳng định.
Những bản hành khúc nổi tiếng
Hàng năm, cứ đến ngày 19/8 (sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám), ca khúc Mười chín tháng Tám của cố NS Xuân Oanh lại vang lên, gợi nhớ về trang sử oanh liệt của dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hò mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng...
Hòa cùng dòng người nô nức mừng thắng lợi, NS Xuân Oanh vừa đi, vừa viết lời bài hát lên những tờ báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Cứ thế, xúc cảm tuôn trào, viết đến đâu, ông lại hát vang đến đó và cả dòng người hát theo ông. Đến chiều ngày 19/8/1945, bài hát được in lại tại một hiệu sách và được hát tốp ca, phát trên sóng phát thanh, trở thành khúc hùng ca về ngày thu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đến nay, ca khúc Mười chín tháng Tám vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc, bản hùng ca bất hủ mãi âm vang cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước đi lên trên con đường phía trước.
Sau 73 năm, Tiến quân ca của NS Văn Cao vẫn là quốc ca hùng hồn không thể thay thế của dân tộc Việt Nam. Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca… Ngày 19-8-1945, bản hành khúc Tiến quân ca vang lên trên khắp mọi ngả đường của thủ đô. Ngay từ khi ra đời, Tiến quân ca được xem là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), Tiến quân ca tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào và phát huy tinh thần đoàn kết.
Với thế hệ hôm nay và mai sau, ký ức về “mùa thu vàng” trong những bản hành khúc bất diệt mãi là niềm tự hào
Hà Nội mùa thu là một trong những sáng tác nổi tiếng của cố NS Vũ Thanh. Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu lịch sử “năm ấy” được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người: Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng, nghe gió đưa. Vang vọng giữa Ba Đình...
Đây là bản tình ca với giai điệu ngọt ngào, dìu dặt, gợi nhớ về thủ đô từng trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ với nhiều khó khăn, gian khổ. Đến nay, Hà Nội mùa thu vẫn đọng lại trong trái tim người nghe, bền bỉ và tha thiết.
Một mùa thu nữa lại đến, tinh thần cách mạng của mùa thu năm ấy thêm lần nữa “sống lại” trong ký ức mọi người. Với thế hệ hôm nay và mai sau, ký ức về “mùa thu vàng” trong những bản hành khúc bất diệt mãi là niềm tự hào./.
Phong Nhã