Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Quay ngược thời gian trở về thời điểm lịch sử của 77 năm trước, đó là những ký ức khó quên, đi cùng những năm tháng kháng chiến ác liệt của người dân Nam bộ. Trong lúc các tầng lớp nhân dân Chợ Lớn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của chế độ thực dân và phong kiến, xây dựng cuộc sống mới thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh
Đêm 23/9, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần quyết chiến, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy xông ra mặt trận, mở ra một trang sử mới - Nam bộ kháng chiến. Ngay trong đêm 22/9/1945, quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết liệt đánh trả quân xâm lược. Sau khi Lời kêu gọi kháng chiến của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được truyền đi, nhân dân thành phố đã thực hiện “vườn không nhà trống”, biến Sài Gòn thành một thành phố không điện, không nước, không chợ búa,...
Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh trồng cây lưu niệm tại Khu lưu niệm đồng chí Trương Văn Bang
Cùng với nhân dân Sài Gòn - Gia Định, các tầng lớp nhân dân Chợ Lớn sôi sục không khí chuẩn bị kháng chiến. Lực lượng võ trang tập trung của các quận, tổng, làng được thành lập, mang tên các địa phương hoặc mang tên người chỉ huy. Ở Cần Đước có “bộ đội” Hồng Son Đỏ (do Hồng Son Đỏ chỉ huy). Ở Cần Giuộc, “bộ đội” mang tên “Giải phóng quân Trương Văn Bang”; Tự vệ chiến đấu quân của Đức Hòa gọi là “bộ đội” Huỳnh Văn Một. Ở Trung Quận có “bộ đội Tư Bốn”, tổng Long Hưng Hạ có "bộ đội giải phóng" Long Hưng Hạ,...
Trong hồi ký Cuộc đời của mẹ - Gia tài của con của bà Nguyễn Thị Một (người phụ nữ tiêu biểu của đất Nam bộ) có nêu: Thực dân Pháp khi trở lại Cần Giuộc, lấn chiếm dần các xã xung quanh thị trấn. Chúng đốt nhà dân, tổ chức đánh phá vào các vùng sâu, dùng mọi thủ đoạn nham hiểm đánh phá các tổ chức Đảng, đoàn thể của ta để phân hóa lực lượng cách mạng và quần chúng yêu nước,... “Độc lập hay là chết!”, đó là lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Nam bộ trước âm mưu quay trở lại đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.
Đất cách mạng hồi sinh
Với vị trí địa lý đặc biệt, khi Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến mới, vùng đất Tân An - Chợ Lớn một lần nữa được vinh dự gánh vác nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa không những cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả khu, thành phố Sài Gòn và cả Nam bộ. Đặc biệt hơn cả phải kể đến chiến khu Đồng Tháp Mười - 1 trong 3 chiến khu lớn của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là lúc cả nước biết đến Đồng Tháp Mười như là “thủ đô kháng chiến” của Nam bộ với nền “văn hóa kháng chiến bưng biền”. Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ở Đồng Tháp Mười - Long An trong những năm 1946-1949, ở đó, từ nhà lãnh đạo cao nhất là đồng chí Lê Duẩn đến từng cơ quan, đơn vị bộ đội và cán bộ, chiến sĩ sống, làm việc và chiến đấu trong sự đùm bọc, chở che và cả sự hy sinh của nhân dân, làm bừng sáng tinh thần “căn cứ lòng dân”, là một trong những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông Nguyễn Hoàng Văn (ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ, vùng đất cách mạng, nghĩa tình năm nào giờ đây "thay áo mới". Trước đây, cuộc sống người dân khá cơ cực. Ngày nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đất anh hùng có nhiều thay đổi. Nông dân bắt đầu trồng lúa có hiệu quả, bên cạnh đó còn chuyển đổi một số cây ăn trái phù hợp. Đường sá, cầu giao thông được xây mới, điện, nước được đầu tư,... Vùng đất hoang hóa ngày nào nay vươn mình thành những cánh đồng trù phú và Nhơn Hòa Lập cũng đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Ngày nay, tại vùng đất này có Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ. Khu di tích không những là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm du lịch khá hấp dẫn của vùng Đồng Tháp Mười. Khu di tích gồm 2 phần chính: Nhà trưng bày hiện vật và hệ thống các nhà chức năng được phục dựng theo lối nhà tranh, vách đất xưa. Khi đến đây, du khách được hiểu thêm về các vật dụng quen thuộc của nông dân hàng trăm năm trước như cà ràng, nồi đất, phản, nôm, xuồng thu hoạch lúa ma, các loài động vật đặc hữu của Đồng Tháp Mười như rùa, rắn, các loài chim,...
Vùng đất Tân Kim (nay là thị trấn Cần Giuộc) có nhiều đổi mới (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Kim)
Còn tại miền hạ Cần Giuộc năm nào, mảnh đất Tân Kim trong buổi đầu kháng chiến Nam bộ nay phát triển năng động. Xã Tân Kim giáp ranh TP.HCM sau khi sáp nhập vào thị trấn Cần Giuộc đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng của huyện; đồng thời, phát triển theo định hướng “thương mại - dịch vụ - công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp”. Nhịp sống tại vùng đất này khá sôi động bởi tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Vùng đất này cũng có con đường mang tên Trương Văn Bang, Trường THCS Trương Văn Bang và Khu lưu niệm Trương Văn Bang để ghi nhớ công lao của nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Với khuôn viên đẹp, nhìn ra bờ sông Cần Giuộc lại là nơi tưởng nhớ một nhà cách mạng tài ba, khu lưu niệm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhằm giới thiệu đến du khách về bề dày lịch sử, những người con anh hùng của quê hương Long An trung dũng kiên cường.
Tinh thần quật khởi của Ngày Nam bộ kháng chiến đã, đang và sẽ là động lực to lớn cổ vũ đồng bào Nam bộ và cả nước. Những bài học về tinh thần vẫn còn giá trị sâu sắc cho đến hôm nay. Phát huy hào khí “Nam bộ kháng chiến”, quân và dân Long An rất đỗi tự hào, hun đúc tinh thần yêu nước, ra sức xây dựng KT-XH phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Tinh thần quật khởi của Ngày Nam bộ kháng chiến đã và vẫn là động lực to lớn cổ vũ đồng bào Nam bộ và cả nước. Những bài học về tinh thần vẫn còn giá trị sâu sắc cho đến hôm nay. Phát huy hào khí “Nam bộ kháng chiến”, quân và dân Long An rất đỗi tự hào, hun đúc tinh thần yêu nước, ra sức xây dựng KT-XH phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp". |
Như Nguyệt