Nghệ nhân Huỳnh Hoa vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú UNESCO do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng
Có một ước mơ được ươm mầm từ bé
Trong suốt buổi trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ nhân Huỳnh Hoa luôn từ tốn, nhẹ nhàng. Hỏi ra mới biết từ bé, Huỳnh Hoa đã như vậy nên được hàng xóm, bạn bè, thầy cô quý mến. Với sự mềm mại, uyển chuyển trong từng động tác nên lúc còn đi học, Huỳnh Hoa được giao nhiệm vụ múa, hát trong các chương trình văn nghệ của trường. Dần dà, với niềm đam mê, anh tìm hiểu sâu hơn về các bộ môn nghệ thuật, trong đó có bộ môn múa bóng rỗi dân gian cổ truyền Nam Bộ.
“Hồi nhỏ, tôi sống cùng bà ngoại và thường được bà dẫn đi xem lễ hội ở chùa, đình, miếu. Mỗi lần nhìn các nghệ nhân múa mâm vàng, lòng tôi lại dâng lên cảm xúc khó tả. Trước đây, ngoại tôi cũng là nghệ nhân múa bóng rỗi nên tôi thường theo bà giúp việc lặt vặt rồi từ từ được ngoại truyền nghề cho” - cô bóng Huỳnh Hoa tâm sự.
Đến năm học lớp 10, cô bóng chính thức “nên duyên” với bộ môn nghệ thuật này và bắt đầu tập tành trang điểm, học những động tác múa bóng rỗi uyển chuyển. Hoài niệm về lần đầu tiên biểu diễn với vai trò cô bóng, Huỳnh Hoa cảm thấy hồi hộp nhưng cũng rất phấn khởi vì được người dân không ngớt lời khen ngợi. Nhưng con đường theo đuổi nghệ thuật truyền thống cũng lắm gian truân. Thời điểm đó, bộ môn múa bóng rỗi chưa thịnh hành nên Huỳnh Hoa gặp không ít định kiến, thường xuyên nhận những lời trêu ghẹo như “đàn ông mà mặc quần áo phụ nữ”, “đàn ông lại trang điểm lòe loẹt”.
“Ngày trước, nhiều người không chấp nhận chuyện con trai giả làm phụ nữ nên thường nói những lời không hay khiến tôi có những giây phút chạnh lòng nhưng rồi tự nhủ đây là đam mê, là niềm tự hào vì được gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống nên tôi cố gắng bỏ ngoài tai những lời dèm pha” - cô bóng Huỳnh Hoa nói.
Vào thời điểm đó, sự ủng hộ, động viên của gia đình là chỗ dựa, nguồn động lực to lớn để nghệ nhân Huỳnh Hoa tự tin bước tiếp con đường đã chọn. Chia sẻ bí quyết gìn giữ lửa nghề suốt hơn 16 năm ròng rã, nghệ nhân Huỳnh Hoa bộc bạch: “Theo tôi, để trở thành một nghệ nhân múa bóng rỗi thực thụ, ngoài tài năng còn cần có lòng tin vào tín ngưỡng và thái độ sống đúng đắn, biết khiêm tốn, kiên trì”.
Giữ mãi lửa nghề
Một ngày của người làm nghề múa bóng rỗi không khi nào giống khi nào. Có ngày, lúc sáng sớm còn đang diễn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, buổi chiều lại có mặt tại Vĩnh Long. Vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 hay tháng 10 là thời gian đắt “show”, cứ cách 1-2 ngày, nghệ nhân lại tham gia một buổi cúng tại các miễu, đình, am, tự theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn những ngày không có lịch biểu diễn, các cô bóng như Huỳnh Hoa sẽ ở nhà cắt giấy, dán ghép làm hình tháp trong các mâm vàng, mâm ngũ sắc khi múa.
Múa bóng rỗi gồm 2 phần là hát rỗi và múa bóng. Sau khi thắp nhang cho các nữ thần, cô bóng sẽ hát rỗi về cảnh vật, thiên nhiên, thể hiện ước mơ về cuộc sống bình an, cầu mong những điều tốt lành cho mọi người. Xen kẽ các bài hát rỗi là những điệu múa bóng như múa dâng bông, dâng mâm, dâng lộc kính dâng lên thần linh. Thông thường, các động tác đều cần sự khéo léo, quá trình luyện tập lâu dài mới có thể thuần thục.
“Theo nghiệp múa bóng rỗi hơn 16 năm, chưa bao giờ tôi muốn bỏ nghề. Dù đôi khi có suy nghĩ tìm thêm một công việc khác để có thu nhập ổn định nhưng cuối cùng, tôi vẫn dành trọn lòng mình cho con đường này” - nghệ nhân Huỳnh Hoa tâm sự.
Theo lời nghệ nhân, chính khán giả đã giúp cô bóng Huỳnh Hoa trụ vững với nghề dù trải qua bao sóng gió. Trong những đêm diễn nơi đất khách, các khán giả đều cổ vũ nồng nhiệt, hết lời khen ngợi sau các điệu múa bóng, hát rỗi. Có người gọi cô bóng là con, con gái, cháu, tự xưng mình là mẹ, là ngoại. Những lời “con gái của mẹ”, “cháu gái của ngoại”, “về nhà ngoại chơi” tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại khiến lòng người nghệ sĩ rung động.
Nghệ nhân Huỳnh Hoa kể: “Kỷ niệm đáng nhớ là lần tôi diễn ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tuy tôi là người xa lạ nhưng ai ai cũng đối xử với tôi một cách chân thành, hết lòng. Càng hạnh phúc vì tình cảm mà mọi người dành cho mình, tôi càng biết ơn tổ nghề vì đã cho mình cái duyên với sân khấu”.
Cô bóng Huỳnh Hoa (áo vàng) và các học trò chuẩn bị lễ vật cho buổi cúng
Trong những buổi biểu diễn, nghệ nhân Huỳnh Hoa còn tạo điều kiện cho nhiều người có đam mê theo học nghề mà không lấy học phí. Hiện tại, nghệ nhân có 7 người học trò, lớn nhất là một phụ nữ khoảng 60 tuổi, chỉ cần có niềm yêu thích, nghệ nhân đều tận tình truyền nghề.
Theo cô bóng Huỳnh Hoa, mọi người đều múa “có duyên” nhưng bản lĩnh sân khấu chưa nhiều. Do đó, nếu có lịch diễn, nghệ nhân sẽ dẫn học viên theo để học hỏi về lễ nghi, thủ tục của một đám cúng, cách chuẩn bị đồ cúng, cách làm quen với múa bóng rỗi giữa nhiều người ra sao,...
Vừa qua, cô bóng Huỳnh Hoa vinh dự nhận được danh hiệu Nghệ nhân ưu tú UNESCO lĩnh vực Nghệ thuật múa bóng rỗi dân gian cổ truyền Nam Bộ do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng. Khi được hỏi về dự tính trong tương lai, cô bóng Huỳnh Hoa chỉ hy vọng mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục theo nghề, truyền lửa nghề cho thế hệ mai sau.
Nghệ nhân Huỳnh Hoa chia sẻ: “Năm sau tôi dự định học hỏi thêm những bài ca, điệu múa để mang lại cho khán giả các tiết mục hấp dẫn nhất. Tôi vẫn còn phải học nhiều lắm, học cả đời để nghề mình không bị mai một”./.
Ngọc Hân - Hoàng Lan - Hoàng Tuân