Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 18:55

Một thời hoa lửa

Những ngày tháng tư lịch sử, ký ức về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong những người lính từng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh là minh chứng sống động, chân thực về một thời lịch sử hào hùng.

Những năm tháng hào hùng

Tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Nhiều, ngụ phường 6, TP.Tân An, tủnh Long An vào một chiều tháng tư. Biết có khách đến, ông chuẩn bị sẵn trà nước. Đưa đôi tay bị mất vài ngón rót nước mời khách, như để lý giải cho sự thắc mắc của tôi, ông nói: “Mấy ngón tay này bị cụt trong một trận đánh, còn nhiều chỗ khác cũng bị thương, bây giờ đã lành nhưng để lại sẹo, lúc “trái gió, trở trời” lại đau nhức...”.

Ông Nguyễn Văn Nhiều (bìa phải) kể lại những năm tháng hào hùng

Nhấp chén trà, ông chậm rãi kể, năm 1969, ở độ tuổi 20, ông tham gia Đội Bảo vệ Tỉnh ủy Long An. Năm 1972, ông gia nhập Tiểu đoàn 1 với nhiệm vụ thông tin vận động và trực tiếp chiến đấu. Đơn vị của ông những ngày ấy hành quân liên tục qua nhiều địa bàn khác nhau như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành,... Năm 1973, khi kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cao trào, đơn vị của ông đóng quân tại địa bàn Đức Huệ, chuẩn bị cho những trận đánh đồn, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh sau này. “Hồi đó, Tiểu đoàn 1 đánh nhiều trận liên tục. Còn nhớ trận đánh đồn tại Kinh Ngây, huyện Thủ Thừa, tôi cùng đồng đội đánh liên tục cả ngày, đêm. Những tháng đầu năm 1974, chúng tôi lại đánh tiếp các đồn, bót trên địa bàn huyện Bến Lức. Quân địch thua, huy động thêm lực lượng chi viện nhưng đã bị chúng tôi tiêu diệt” - ông nhớ lại. 

Tiểu đoàn 1 sau đó rút quân về Đức Huệ để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1975, Tiểu đoàn 1 trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công và đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn. Trong hàng loạt trận đánh, theo ông, đáng chú ý nhất là trận đánh tại cầu Chữ Y. Tại nơi đây, vào Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 1 đã đánh thắng và được tuyên dương Anh hùng. “Thừa thắng xông lên”, ông cùng đồng đội tiếp tục tấn công Tổng nha Cảnh sát,...

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, là một chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, ông cùng đồng đội liên tục hành quân và chiến đấu. Nắng rát cả da thịt, hành trang mang theo hết sức gọn nhẹ, chỉ có súng, đạn và một ít lương thực. Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa” và niềm tin, hy vọng về sự chiến thắng đã thôi thúc đơn vị quên đi bao nhọc nhằn, thiếu thốn. 

“Sáng 30-4-1975, chúng tôi vẫn còn ở Sài Gòn. Trưa ngày hôm ấy, tất cả đều nghe rất rõ lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Giây phút đó, chúng tôi không bao giờ quên” - ông nhớ lại. 

Khi miền Nam vừa giải phóng, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân về Long An, làm nhiệm vụ quân quản rồi giúp dân làm kinh tế. Hòa bình chưa được bao lâu, ông nhận nhiệm vụ tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Làm nghĩa vụ quốc tế được 10 năm, sau khi nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ông trở về quê hương. Từ một chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, ông được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, sau này giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 738, nghỉ hưu năm 2004 với cấp hàm Đại tá.

Tự hào là người lính

Gần 20 năm ở Tiểu đoàn 1, ông tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau cuộc chiến, tuy cơ thể không được lành lặn nhưng ông cho rằng, so với nhiều đồng đội khác, ông vẫn còn may mắn. Ông tự hào khi được là người lính Cụ Hồ và được đứng chân trong hàng ngũ của Tiểu đoàn 1 - đơn vị 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với ông, nhiều năm tháng chiến đấu là khoảng thời gian không bao giờ quên

45 năm đã trôi qua sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người lính trẻ năm nào giờ đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Sức khỏe suy yếu sau nhiều năm chinh chiến với những thương tật, thế nhưng, ký ức về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.

Ông chia sẻ: “Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đất nước đã giải phóng được 45 năm. Chúng tôi bây giờ cũng đã già. Người còn, người mất, người đau ốm, bệnh tật. Chi tiết cụ thể về từng trận chiến có thể không còn nhớ chính xác nhưng với một số trận quyết định, những thời khắc lịch sử như 30-4, tôi không thể nào quên... Chiến thắng ngày 30-4-1975 là sức mạnh của toàn dân tộc. Tự hào về quá khứ, đó là những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất oai hùng, cả dân tộc đã đồng lòng vượt khó”. Đặc biệt, 17-6-2020 cũng là ngày kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 1, tâm trạng của ông càng lâng lâng khó tả.

Vui với cuộc sống đời thường

Nghỉ hưu được khoảng 15 năm nhưng người lính già vẫn không thôi nhớ về đồng đội. Sau này, trong những lần một số đồng đội thuộc Tiểu đoàn 1 ngoài Bắc họp mặt, ông cũng dành thời gian tham dự. Bên bàn trà, những câu chuyện về một thời từng “vào sinh ra tử”, về khói lửa, đạn bom cũng như vui, buồn trong cuộc sống hàng ngày,... luôn được các ông nhắc nhớ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ sống mãi trong lòng những người lính già như nhắc nhớ một thời oai hùng của các anh hùng, liệt sĩ trong cuộc chiến giải phóng dân tộc. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Thế hệ sau xin mãi ghi nhớ và tri ơn những công lao to lớn của những người lính Bộ đội Cụ Hồ./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết