Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Một đêm tấn công xuyệc điện

Từ lâu, các địa phương như vĩnh hưng, tân hưng, Mộc hóa, Kiến tường, tỉnh Long An được nhiều người biết đến là vùng có nhiều loài thủy sản nước ngọt phong phú về chủng loại như cá lóc, cá rô, cá trê vàng, cá linh, cá sặt bổi, lươn, rắn, ếch,... và cũng chính từ nguồn lợi thủy sản ấy đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi hay chí ít cũng đủ để phục vụ những bữa ăn hằng ngày. tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngoài cách khai thác truyền thống thì ngày càng có nhiều phương tiện khai thác thủy sản theo cách tận diệt như sử dụng cào, côn có dùng xung điện hay xuyệc điện,... trong đánh bắt khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt trong vùng đứng trước nguy cơ cạn kiệt và cách đánh bắt này cũng gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Người dân vẫn còn sử dụng cào điện để khai thác thủy sản

MỘT ĐÊM TRUY QUÉT

Khi nước lũ đã xuống cạn, người dân bắt đầu sạ lúa cũng là lúc nguồn lợi thủy sản theo nước về những dòng kênh, rạch. Lợi dụng đặc điểm đó, nhiều đối tượng sử dụng xung điện khai thác một cách tận diệt.

Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng thường chọn lúc đêm khuya trên những kênh, rạch khuất sâu trong nội đồng để tiến hành khai thác. Đồng thời, trang bị nhiều thiết bị, máy móc có công suất lớn để tháo chạy, bất chấp nguy hiểm khi bị lực lượng chức năng truy đuổi.

Đúng 20 giờ, chiếc ca nô chở các thành viên trong đoàn xuất bến từ thị trấn Vĩnh Hưng về các dòng kênh, rạch trên địa bàn huyện. Để tránh bị lộ, tất cả các thành viên trong đoàn chỉ được báo trước khoảng 30 phút để chuẩn bị và không hề biết là mình sẽ đi địa bàn xã nào. Hành trình bắt đầu từ thị trấn Vĩnh Hưng đi về hướng Ngã 5 gần cầu Cái Môn.

Trên đường, đoàn rẽ vào những con rạch nhỏ. Trời tối, lục bình dày đặc cộng với những ghe, xuồng neo bến chiếm gần hết lòng kênh. Ra khỏi Ngã 5, đoàn tiếp tục đi về hướng Ngã 3 Vàm Dưng trên sông Vàm Cỏ Tây, rẽ về hướng cầu Lò Gạch. Từ xa, những ánh đèn liên tục phát sáng trên dòng kênh phía trước.

Nắm biết được có đối tượng đang sử dụng xuyệc điện nên tài công được lệnh mở tốc độ ca nô, áp sát đối tượng và ra lệnh dừng lại kiểm tra. Tuy nhiên, không những không chấp hành mà đối tượng đã nổ máy, tăng ga bỏ chạy. Chiếc vỏ lãi được trang bị động cơ Honda 20 mã lực phóng đi vun vút.

Cuộc rượt đuổi kéo dài khoảng 1km thì chiếc ca nô đã ép và bắt được đối tượng. Đối tượng được xác định là Nguyễn Văn Quyền, ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng, tang vật thu được 1 xuyệc điện, 1 bình ắc quy 200 ampe, 1 vỏ lãi và máy Honda. Từ đây, đoàn tiếp tục đi về hướng cầu Lò Gạch, xã Vĩnh Trị đến sông Cái Cỏ, đoạn xã Thái Trị, lòng vòng qua nhiều kênh, rạch nhỏ và về đến xã Thái Bình Trung.

Trong suốt hành trình, đoàn đã phát hiện và bắt giữ thêm 4 vụ, giao cho Công an xã Thái Bình Trung 5 xuyệc điện, 4 bình ắc quy, 3 máy Honda, 2 vỏ lãi 7m, 1 xuồng ba lá. Đến khoảng 0 giờ, đoàn tiếp tục cuộc hành trình theo sông Cái Cỏ đi về hướng Bình Châu và men theo sông Vàm Cỏ Tây về xã Tuyên Bình Tây, đi sâu vào nhiều kênh, rạch nhỏ như kênh 504, Cả Rưng,...

Trên đường kiểm tra, đoàn phát hiện 2 ghe cào điện dùng máy có công suất lớn đang cào bắt thủy sản. Phát hiện có lực lượng kiểm tra, 1 trong 2 ghe trên đã nổ máy bỏ chạy, nhưng chỉ được một đoạn thì bị bắt gọn.

Quá trình kiểm tra 2 ghe cào trên có 1 ghe đã tháo dinamo bỏ xuống sông, các dụng cụ dùng để đánh bắt cá còn lại gồm 2 lưới cào kích thước bề ngang khoảng 10m có sử dụng xung điện được đấu trực tiếp từ dinamo gắn với máy đẩy có công suất lớn, đây là một trong những dụng cụ đánh bắt mang tính tận diệt cao nhất mà hiện tại được rất nhiều ngư dân dùng. Những tang vật trên đã được bàn giao cho Công an xã Tuyên Bình Tây, chờ xử lý.

Chỉ trong 1 đêm tuần tra, lực lượng đã phát hiện và bắt 7 vụ dùng cào, xuyệc có sử dụng xung điện đánh bắt cá, tịch thu nhiều tang vật, chờ xử lý. Từ đó cho thấy, việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt như trên rất phổ biến.

DẸP XUNG ĐIỆN ĐỂ KHÔI PHỤC THỦY SẢN

Dẫu biết việc sử dụng xung điện hay dùng lưới có kích thước nhỏ đánh bắt cá là trái phép, là bị cấm. Quy định trên cũng đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn những người sống bằng nghề cá đa số đều vẫn sử dụng xung điện. Trước tình trạng trên, các ngành chức năng của huyện Vĩnh Hưng đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: “Để khôi phục lại nguồn thủy sản, huyện đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc không tổ chức đấu giá bán các tuyến kênh để khai thác cá như mọi năm, dù việc này gây thất thu cho ngân sách hàng tỉ đồng. Đặc biệt là tổ chức ký kết liên tịch giữa các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa trong việc phối hợp truy bắt ngư dân dùng xung điện đánh bắt cá. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phối hợp Công an huyện và Công an các xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra ngăn chặn.

Từ đầu mùa lũ đến nay, đơn vị đã phối hợp Công an các xã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt cá. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, việc đánh bắt cá bằng xung điện trong nội đồng rất khó phát hiện và xử lý. Cụ thể, trong năm 2014, huyện đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, tuần tra phát hiện và xử lý khoảng 70 vụ với số tiền phạt trên 60 triệu đồng, tịch thu trên 40 xuyệc điện, trên 20 bình ắc quy và nhiều dụng cụ khai thác khác.

Về cơ bản, trước sự ra quân đồng loạt và sự quyết tâm dẹp nạn đánh bắt, khai thác thủy sản bằng xung điện, đến nay, tình trạng đánh bắt bằng xung điện đã giảm đáng kể. Từ đó dần khôi phục lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú của vùng”.

Bên cạnh việc dẹp nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Long An còn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tiến hành nhiều đợt thả cá giống, tôm giống về môi trường tự nhiên, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cân bằng hệ sinh thái và tạo ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân.

Kiên Định
 

Chia sẻ bài viết