Tiếng Việt | English

23/09/2019 - 19:23

Thú chơi sinh vật cảnh

Món ăn tinh thần của nhiều người

Vừa là thú chơi tao nhã, vừa là một ngành nghề mang hiệu quả kinh tế cao, nghệ thuật sinh vật cảnh (SVC) Long An đang dần phát triển và khẳng định vị trí của mình.


Một tác phẩm sinh vật cảnh đạt đến độ “chín” mất thời gian 10-15 năm là chuyện bình thường

Trước đây, chơi SVC là thú vui của những người có kinh tế khá giả, thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội. Theo thời gian, SVC không còn kén người chơi, ngược lại còn trở nên phổ biến. Hơn hết, SVC chuyển mình mạnh mẽ từ một thú chơi văn hóa của ông cha đến một ngành kinh tế sinh thái mang giá trị kinh tế cao. Từ đó, xu hướng thưởng thức nghệ thuật SVC có sự thay đổi rõ nét, phù hợp với thời đại. 

Phó Chủ tịch Hội SVC TP.Tân An - Võ Văn Tuyến cho biết: “Trước đây, ông bà ta thường chơi cây kiểng theo kiểu cổ xưa, trong đó chú trọng đến chơi theo kiểu phong thủy, từ đó tạo dáng cây theo ý tác giả. Ngày nay, người chơi SVC lại chú trọng đến yếu tố thiên nhiên, họ cho các tác phẩm của mình phát triển tự nhiên, phù hợp với xu hướng bây giờ. Phong trào SVC tại TP.Tân An mới gầy dựng lại, lực lượng hội viên còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên phong trào SVC chưa phát triển bằng các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng những người chơi SVC đa phần đều có kỹ thuật. Bởi, họ đến với nghề bằng sự đam mê sáng tạo nghệ thuật và cả nhiệt huyết với nghề. Theo đó, để ra đời những sản phẩm tinh thần có giá trị thẩm mỹ cao, người chơi SVC mất 8-9 năm, thậm chí 10-15 năm là chuyện bình thường. Đến với thú chơi SVC, tất cả hội viên SVC TP.Tân An cho rằng, đây là nghề chơi lắm công phu, đòi hỏi người làm nghề phải có tính kiên trì, tỉ mẩn, óc sáng tạo. Và đây là lý do mỗi tác phẩm SVC có giá trung bình vài chục triệu đồng. Còn những tác phẩm SVC được đầu tư nghiêm túc, đạt đến độ “chín” về nghệ thuật có giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Thế nhưng, đối với những ai “lỡ” đam mê nghệ thuật SVC, đồng thời, gặp được tác phẩm yêu thích thì giá cả chỉ là thứ yếu, giá trị tinh thần mới quan trọng. 

Người chơi sinh vật cảnh đòi hỏi phải có tính kiên trì, tỉ mẩn, óc sáng tạo,... từ đó, mới cho ra đời những “đứa con tinh thần” vô giá, đáp ứng xu thế của thời đại

Ông Võ Mai Phôi, ngụ TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trải lòng: “Tôi rất mê SVC. Để có một tác phẩm đẹp, người chơi phải chọn cây phôi đẹp là rất khó, sau đó uốn nắn tay, cành cho cây còn khó hơn. Mặc dù tôi là người kinh doanh cây kiểng theo dạng SVC nhưng có những cây tôi để chơi, quyết không bán, dù giá cao đến mức nào. Đối với người có “máu” chơi cây kiểng thì “đứa con tinh thần” của mình là vô giá”.

Hiện Long An có 11/15 huyện, thị xã, thành phố thành lập hội, chi hội SVC. Đây được xem là nơi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tham quan của những người trót mang “máu” đam mê SVC. Ngoài ra, hàng năm, Hội SVC tỉnh còn tổ chức hội thi, triển lãm SVC nhân các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước. Qua đó, giúp nhà vườn kết nối khách hàng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích; đồng thời, giới thiệu, quảng bá và tạo đầu ra cho sản phẩm. 

Ông Ngô Hoàng Hiệp, ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Ở nhà, tôi có vài cây kiểng yêu thích. Khi nghe Hội SVC mở hội thi hay triển lãm, tôi đều tranh thủ thời gian đến xem. Quả thật, hàng năm, các tác phẩm mang tính nghệ thuật ngày càng nhiều, có nhiều tác phẩm mới, lạ. Hơn hết, đến đây, tôi còn học được nhiều kỹ thuật để tạo dáng cho những cây kiểng của mình hài hòa
và đẹp hơn”.

Những năm gần đây, phong trào trồng, thưởng ngoạn và thu lợi từ các vườn SVC ở nhiều địa phương trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Phát huy lợi thế này, Hội SVC tỉnh tiếp tục vận động hội viên phát triển đa dạng hóa cơ cấu cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào uốn tỉa, chăm sóc, sản xuất các loại cây phôi; chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế SVC./.

Kim Ngọc

 

Chia sẻ bài viết