Trong đại dịch Covid-19, phóng viên trở thành cầu nối hỗ trợ công tác phòng, chống dịch
Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát. Những thước phim tư liệu, hình ảnh ở những vùng “tâm dịch” mà phóng viên tác nghiệp tại hiện trường được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua làm cho người dân thêm tin tưởng, đánh giá cao biện pháp của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Điều đó minh chứng, các nhà báo luôn lăn xả, không đứng ngoài “cuộc chiến”. Sẽ không quá lời khi thông qua những thước phim và hình ảnh ấy, chúng ta có thể hình dung và so sánh, mỗi nhà báo như một “chiến sĩ”. Ở đâu có hoạt động phòng, chống dịch bệnh, ở đó có mặt của phóng viên báo chí, kể cả những nơi có độ rủi ro cao nhất.
Trên “mặt trận” chống dịch Covid-19, Việt Nam được bạn bè thế giới đánh giá cao. Thành công, kết quả đó là nỗ lực chung của cả nước, trong đó có đóng góp quan trọng của báo chí. Nhà báo Võ Thị Duy Huệ - công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Long An, chia sẻ: “Để phòng, chống dịch Covid-19, điều quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta là không được sợ hãi và cần tìm hiểu thông tin đúng về dịch bệnh. Thiếu hiểu biết mới là điều đáng sợ nhất vì sẽ có hành động không đúng và hậu quả thật khó lường. Do đó tôi nghĩ, những người làm công tác tuyên truyền góp phần rất quan trọng. Nếu bảo không “sợ” khi lăn xả vào những vùng tâm dịch là nói dối. Chúng tôi cũng lo lắng, nhưng trên hết, vì trách nhiệm với cộng đồng, nhiệm vụ của mỗi nhà báo. Chúng tôi không “chiến đấu trực diện” với dịch bệnh Covid-19 như ngành Y tế nhưng góp phần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ cách phòng, chống và đồng hành cùng những nhà hảo tâm, mạnh thường quân chia sẻ những khó khăn với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tạo sức lan tỏa để cùng cả nước có được kết quả như vừa qua”.
Tinh thần tiên phong của đội ngũ làm báo trên cả nước đã chứng minh dù ở thời chiến hay thời bình, dù là nhiệm vụ thường xuyên hay đột xuất thì các nhà báo vẫn luôn ở tuyến đầu và sẵn sàng cống hiến. Các thế hệ làm báo ngày hôm nay đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của những “chiến sĩ cầm bút” trên tuyến đầu chống dịch là sự chung sức, đồng lòng qua những bài viết, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, những nhà báo đã góp phần kêu gọi toàn thể người dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Có thể thấy, mặt trận ở đây được hình thành bởi cuộc chiến gồm toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh với “kẻ thù chung” là dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, với mỗi nhà báo cần phát huy hết khả năng để thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ là khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Nhà báo Võ Thị Duy Huệ là một trong những nhà báo xông xáo, năng nổ trên mặt trận tuyên truyền và vận động mạnh thường quân hỗ trợ người dân phòng, chống dịch Covid-19
Khi đại dịch Covid-19 tràn đến thì tình yêu thương, trách nhiệm công dân của hầu hết mọi người được phát huy tối đa và cùng “chung lưng đấu cật” bảo vệ sức khỏe, sự sống của cả cộng đồng thông qua “ngòi bút” của các nhà báo. Trong đại dịch Covid-19, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào thêm sáng tỏa. Những tấm lòng cao đẹp, việc làm tình nghĩa trong mùa dịch sẽ ít có nhiều người biết đến nếu không có sự thông tin kịp thời của các nhà báo, những “chiến sĩ” không trực tiếp đương đầu với dịch bệnh nhưng đã góp phần không nhỏ.
Ai cũng có thể bị nhiễm vi-rút Sars-CoV-2 nếu chúng ta thiếu kiến thức, không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch, thiếu trách nhiệm để dịch tràn lan, không kiểm soát được. Nếu không có các nhà báo kịp thời đưa tin, không có những bài viết tuyên truyền thì công tác phòng, chống dịch bệnh có thể không có được những kết quả đáng phấn khởi như vừa qua. Cùng với các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, các nhà báo cũng tiên phong, xông pha vào những “điểm nóng” để đưa thông tin chính thống đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả./.
Song Hồng