Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền tên thật là Nguyễn Trọng Quyền, ông còn có các mỹ danh là Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão; sinh năm 1876, tại làng Thạnh Hòa - Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt (nay là phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ); mất năm 1953, tại Châu Đốc, An Giang.
Nguyễn Trọng Quyền xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học nên từ nhỏ, ông đã được cha cho học chữ Nho; từ năm 12 tuổi, ông học chữ Quốc ngữ và Pháp văn ở trường tiểu học tại quê nhà. Ngay khi còn là một thanh niên, Nguyễn Trọng Quyền đã bước vào nghề giáo, mở lớp dạy học trò tại nhà và đã tạo được uy tín trong vùng bởi vì ông là một thanh niên có kiến thức rộng, ngoài việc dạy học, còn tự học qua sách vở và bạn bè tiếng Hán, tiếng Quảng Đông. Nhờ vậy mà sau này Nguyễn Trọng Quyền có nhiều thuận lợi trong việc sáng tác văn học nghệ thuật theo phong cách cổ Trung Quốc. Có lẽ, Nguyễn Trọng Quyền bước vào nghề sáng tác văn học - nghệ thuật không phải bắt đầu từ kịch bản cải lương, mà ông viết những thể loại văn học như văn xuôi, thơ, thơ tuồng, truyện thơ, hò đối đáp, gia huấn ca, truyện dịch,…
Một trong những lý do đáng quan tâm về kịch nghệ Việt Nam có nhiều ảnh hưởng phong cách nghệ thuật nước ngoài là vấn đề giao tiếp văn hóa - nghệ thuật. Sân khấu truyền thống của Việt Nam ra đời có muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và chịu ảnh hưởng của 2 trường phái sân khấu học của Đông và Tây. Những soạn giả Tây học thường chịu ảnh hưởng trường phái phương Tây, cụ thể là kịch nghệ Pháp thì hay theo loại tuồng tâm lý xã hội như Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở,… Những soạn giả chịu ảnh hưởng Nho học - trường phái phương Đông, cụ thể là Trung Quốc thì hay theo loại tuồng cổ trang, lịch sử, dã sử, kiếm hiệp như Trương Duy Toản, Nguyễn Công Mạnh (Mười Giảng),… Do vậy, Nguyễn Trọng Quyền có đủ khả năng và điều kiện sớm trở thành người khai sáng loại tuồng Tàu.
Từ thầy dạy học đến thầy tuồng
Khi vào làm thư ký cho Công ty Rượu nếp của ông Vương Thiệu, Nguyễn Trọng Quyền đã chuyển hướng, ông nghỉ dạy học trò phổ thông để làm nghề hành chánh nhưng nghề làm hành chánh cũng không phải là nghề chính, nó chỉ là duyên cớ như một nhịp cầu bắc cho ông đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Khi học đờn cò và hát Tiều thành thạo, ông nghỉ hẳn nghề thư ký mà chuyển sang viết tuồng Tàu.
Những năm 1920, cải lương như một cô gái xuân thì nên rất được khán giả mến mộ và một số người làm kinh doanh bắt đầu chú ý. Từ gánh cải lương đầu tiên của thầy Năm Tú ra đời ở Mỹ Tho - Tiền Giang (1918), kế đó là các gánh Nam Đồng Ban của ông Hai Cu cũng ở Mỹ Tho, Tái Đồng Ban, Văn Hí Ban,… “ăn nên làm ra”; một số gánh hát khác ở các tỉnh và Sài Gòn cũng lần lượt ra đời. Ông Vương Có là con trai của ông Vương Thiệu cũng ảnh hưởng cha mê ca cầm nên xin cha cho phép và cấp vốn để thành lập gánh hát Tập Ích Ban (Cần Thơ), mời soạn giả Mộc Quán làm thầy tuồng (năm 1921). Suốt 7 năm làm thầy tuồng cho gánh hát Tập Ích Ban, soạn giả Mộc Quán góp phần đáng kể cho buổi bình minh của nghệ thuật cải lương định hình với tư cách là sân khấu ca kịch truyền thống của Nam bộ, sau đó lan truyền ra miền Bắc để hình thành cải lương Bắc bộ (1931). Trong thời gian làm thầy tuồng cho Tập Ích Ban, soạn giả Mộc Quán viết rất nhiều kịch bản cải lương từ cốt truyện kịch của Trung Quốc và một số là loại dã sử Việt Nam; tuy phong cách văn chương của Tàu nhưng được Mộc Quán phiên âm và dịch nghĩa tiếng Việt cho diễn viên dễ ca diễn, tức là ngôn ngữ của cải lương Nam bộ. Những tuồng nổi tiếng lúc này như Châu Trần tiết nghĩa, Tây sương ký, Thổ nhận oan ương,… Đặc biệt, có tuồng Bội phu quả báo của Phạm Công Bình được Mộc Quán nhuận sắc cải lương và rất ăn khách thời đó.
Sau những năm làm thầy tuồng cho gánh Tập Ích Ban, tên tuổi soạn giả Mộc Quán được các nghệ sĩ cải lương tiền phong của Nam bộ biết đến, nhất là các bầu gánh, nên ông được các gánh lần lượt mời làm thầy tuồng như gánh Huỳnh Kỳ của Phước Georges và Phùng Há, Hữu Thành của Nguyễn Bá Phương, Phụng Hảo 3 của Phùng Há và Nguyễn Bửu, Kỳ Quan của Năm Hý, Ngự Bình của Tư Thới, Phụng Hảo 4 của bầu Nhơn và Phùng Há,… Soạn giả Mộc Quán với 50 năm sáng tác kịch bản và làm thầy tuồng, ông đã để lại cho cải lương Nam bộ 85 kịch bản, nhiều kịch bản hay nổi tiếng cho đến bây giờ trong giới và những khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ đến như Châu trần kết nghĩa, Thổ nhận oan ương, Tây Sương ký, Phụng nghi đình, Mạnh Lệ Quân, San hậu, Tái sanh duyên, Vạn Huê lầu,… Một ghi nhận của cải lương cũng như các soạn giả lúc này, mặc dù là tuồng Tàu hay tuồng Tây nhưng ngôn ngữ ca diễn hoàn toàn là Việt Nam, tức vay mượn tích truyện của người để sáng tạo thành tác phẩm nghệ thuật của mình.
Thầy của bậc thầy
Thầy tuồng Mộc Quán còn truyền dạy cho diễn viên ca những thể điệu mà ông nghiên cứu sáng tạo, cải biên được từ hát Tiều, hát Quảng theo lối hát hí khúc Trung Quốc. Về diễn thì ông chỉ dạy cho diễn viên cách diễn ước lệ, tượng trưng qua phương thức vũ đạo như những lối múa theo tuồng Tàu, cách dâng rượu, múa thương, múa đao đến các trình thức
trong cung đình như phong cách của công chúa, phò mã, tiểu thư, mệnh phụ hay các quan văn võ,... Đây là một bước tiến bộ của cải lương ở buổi đầu với ý nghĩa “cải cách và làm đẹp”.
Theo nhiều tài liệu, trong sự nghiệp 50 năm làm thầy tuồng, chẳng những là một soạn giả khai sáng loại tuồng Tàu đã để lại cho cải lương Nam bộ nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao mà ông còn có công dìu dắt nhiều nghệ sĩ tiền phong, trong số đó sau này là những nghệ sĩ cải lương tài danh bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Tư Út, Sáu Trâm, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Tường Vi, Tư Thới, Thanh Tao,… Và các nghệ sĩ này, không những xem soạn giả Mộc Quán là thầy, mà nhiều người còn gọi ông là ba nuôi nữa.
Năm 1952, soạn giả Mộc Quán viết và dựng tuồng Luống cày rướm máu cho gánh Phụng Hảo 4 của bà Phùng Há. Sang năm 1953, tuồng này được diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) được 1 tuần thì hung tin đến với gánh Phụng Hảo, đó là soạn giả Mộc Quán bị tai biến mạch máu não qua đời tại Bệnh viện Châu Đốc vào ngày 21/9/1953.
Để tỏ lòng tôn kính và tri ân, bà Phùng Há đứng ra xây ngôi mộ cho thầy - cha nuôi của mình; và một số tác phẩm bút tích của soạn giả Mộc Quán được cố Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há cất giữ cho đến khi bà tạ thế. Riêng một số cơ quan chức năng của TP.Cần Thơ đã tái bản và lưu giữ nhiều tác phẩm của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Từ năm 2001, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) TP.Cần Thơ và Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ phối hợp Trung tâm Văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cuộc thi Giọng ca cải lương giải “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền”, thường là 2 năm/lần./.
Ðỗ Dũng
* Bài viết có tham khảo tài liệu của Vương Hồng Sển “Năm mươi năm mê hát - 1968”; của Hoài Linh “Những chặng đường sân khấu - 1995”.