Bất chấp mưa to, gió lớn, cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang cùng chính quyền các địa phương đang khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn và giúp bà con ứng phó với mưa to, lũ lớn.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp khẩn đỉ chỉ đạo đối phó với lũ lớn
Sau bão số 12, trong khi tại các tỉnh Nam Trung bộ, mưa đã tạnh, nước trên các sông bắt đầu rút chậm, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế bắt đầu có mưa to, có nơi mưa rất to, cộng với thủy điện xả lũ, nước từ thượng nguồn đổ về gây lụt tại nhiều nơi.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa to như trút nước từ tối qua đến sáng nay cộng với nước thượng nguồn đổ về mạnh, nước các sông đang dâng cao vượt báo động 3 gây ngập úng trên diện rộng.
Người dân Quảng Nam đưa bò đi tránh lũ
Tại huyện Bình Sơn, nước lũ dâng nhanh gây ngập hàng loạt các tuyến đường, nhiều khu dân cư bị nước bao vây. Thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, sáng 5/11 như một ốc đảo, toàn bộ 75 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, toàn thôn bị mất điện.
Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã huy động ca nô và hàng chục cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ huyện khẩn trương sơ tán người dân đến trú ẩn tại trạm xá, trụ sở UBND xã.
Tại huyện Nghĩa Hành, vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng nay mưa lớn đã gây ngập tại nhiều điểm; hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên huyện, giao thông chia cắt; nhiều khu dân cư ven sông Vệ và sông Trường Giang bị cô lập.
Theo ông Phan Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, mưa lũ đã làm 1 người chết. Nạn nhân là anh Trần Hữa Phước, 31 tuổi ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tín Đông bị lũ cuốn tối qua. Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm nhưng do lũ về quá lớn, nước dâng nhanh nên vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân.
Nước ngập hơn nửa người ở đô thị cổ Hội An
Ông Phan Bình cho biết, địa phương đang khẩn trương sơ tán gần 2.000 hộ với hơn 5000 nhân khẩu vùng bị ngập nặng đến nơi an toàn. Tổ chức di dời dân từ vùng thấp lên vùng cao, đặc biệt là các xã ven sông Vệ. Chỉ đạo các xã, thị trấn chốt chặn ở những tuyến đường xung yếu, đi lại mất an toàn cho người dân. Đồng thời chuẩn bị thương thực gồm gạo, mì tôm, sẵn sàng giúp những vùng chia cắt không để người dân thiếu đói.
Tại tỉnh Quảng Nam, từ hôm qua đến sáng nay (5/11), các thủy điện đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn đồng loạt xả lũ, gây ngập nặng cho vùng hạ du.
Hiện nước lũ tiếp tục lên nhanh gây chia cắt cục bộ một số địa phương, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường từ thành phố Hội An đi thị xã Điện Bàn bị lũ ngập sâu, có nơi ngập trên 1,5m.
Xã Cẩm Kim, nhiều nơi nước ngập đến 2m, các khu vực trũng thấp như làng gốm Thanh Hà, Ngọc Thành cũng ngập hơn 2 m. Ông Lê Viết Sỹ, nhà ở xã Cẩm Nam cho biết, tối qua gia đình ông di chuyển qua thành phố chưa kịp dọn đồ đạc thì nước đã vào nhà; khu vực tổ 2, xã Cẩm Nam bị chia cắt hoàn toàn
Trong khu phố cổ Hội An, nước lên nhanh trong đêm làm cho tuyến đường Bạch Đằng ngập sâu hơn 2m nước. Thành phố Hội An đang phong tỏa tuyến đường này. Đồng thời chỉ đạo lực lượng các xã, phường, công an thành phố tập trung đưa người dân những nơi thấp trũng đến nơi an toàn. Di chuyển khách đang lưu trú tại các khách sạn ven sông đến nơi an toàn. Ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngay từ chiều 4/11, lãnh đạo thành phố đã nhận được chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh nên đã triển khai ngay phương án phòng chống cơn lụt này.
Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế ngập sâu
Theo thông báo tất cả các thủy điện đều xả lũ nên sáng nay nước lên rất nhanh. Từ chiều hôm qua đến đêm hôm bà con đã di dời tất cả hàng hóa lên cao. Thông báo nước lên trên báo động 3 hơn 1 mét nên dân ở đây chấp hành cũng rất là tốt.
Sáng cùng ngày, nhiều tuyến đường trong thành phố Huế trong thành phố Huế như Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt… cũng bị ngập sâu hơn nửa mét khiến phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Mưa lớn kéo dài, một tuyến đường lớn ven biển bị sóng lớn xâm thực nguy cơ gây cô lập hàng trăm hộ dân./.
VOV.VN