Tiếng Việt | English

29/11/2024 - 16:26

Miền hạ

Trên mảnh đất Long An yên bình mà oanh liệt có hai dòng sông đã đi vào huyền thoại. Vàm Cỏ Đông từ Trảng Bàng chảy qua, Vàm Cỏ Tây từ Tân Hưng chảy về. Hai con sông có thượng nguồn xa xôi, từ đất nước chùa tháp hùng vĩ. Vì yêu miền hạ mà hò hẹn cùng nhau về ngã ba Bần Quỳ, nơi có miếu thờ ông Xá Sai Ty Mai Bá Hương (thà chịu trầm thân mà đục thủng thuyền lương chứ nhất quyết không để rơi vào tay giặc, năm Ất Dậu - 1705). Rồi tình yêu ấy hòa vào cùng nhau, thành một dòng sông, Vàm Cỏ.

Ngã ba sông Vàm (Ảnh: Duy Bằng)

Trải bao nhiêu năm, dòng sông vẫn lấp lánh trong dòng chảy của mạch đất anh hùng. Từ chiến công đốt cháy tàu Tây lẫy lừng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trên vàm Nhựt Tảo, năm 1861, những chiến thắng vang dội của quân và dân Long An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho đến hôm nay, trong công cuộc xây dựng mảnh đất quê hương giàu đẹp từng ngày...

Gần hai mươi năm tôi sinh sống và công tác ở cả hai đầu nguồn Đông - Tây. Hạt cơm tôi ăn, miếng nước tôi uống đều được sinh ra từ nước mát dòng sông, đều được chắt chiu từ tình thương và mồ hôi của bà con nơi thượng nguồn. Rồi bỗng một ngày, tôi quen biết thật nhiều những tình thương quý, từ những con người nơi miền hạ dòng sông. Anh bảo, hãy dành chút thời gian về thăm quê anh - nơi có dòng sông mang trong hồn cái tên thơ mộng. Chỉ nơi ấy mới có loại gạo đặc sản từng khiến những vị vua quan triều Nguyễn tấm tắc ngợi khen và định địa danh từ sản vật - “gạo Nàng Thơm Chợ Đào”.

Quả thực, khi về miền hạ, tôi mới càng thêm hiểu. Là vùng đất mới ven biển nên suốt bao nhiêu năm, nơi này bị nhiễm phèn và hạn, mặn. Chỉ có những vùng đầm lầy, sông, rạch chằng chịt và những cây chịu hạn, mặn mới sống được. Ở nơi đó, người dân chắt chiu từng giọt nước ngọt để sinh hoạt hàng ngày và tưới mát cho những mảnh vườn, thửa ruộng. Chỉ cần một khoảng đất trống nhỏ nếu không bị nhiễm mặn cũng sẽ được tận dụng để trồng rau màu và cây ăn trái. Kể từ đầu những năm 2000, khi những chương trình đầu tư phát triển hạ tầng, những vùng quy hoạch ra đời, đất và người miền hạ vươn mình trỗi dậy. Nhìn những cánh đồng chuyên canh rau màu, vùng lúa đặc sản, chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục. Bởi trước đây không quá xa xôi, nơi này là một vùng đất bỏ hoang, mọc đầy năn, lác. Anh nói chính nhờ những con đê ngăn mặn, nhờ dòng nước mát lành của dòng sông Vàm Cỏ, kết hợp chất thổ nhưỡng đặc biệt, và đặc biệt được chăm bón từng giọt mồ hôi của những con người cần mẫn nên sản phẩm nông nghiệp miền hạ, bây giờ không chỉ có gạo đặc sản mà còn có các loại rau màu, sản phẩm từ gia cầm và những đầm đầy ắp tôm sú. Đây là nguồn cung ứng quan trọng cho thị trường rộng lớn TP.HCM. Đó còn chưa kể những khu, cụm công nghiệp đang nổi lên từng ngày mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ logistic và sự lớn mạnh không ngừng của Cảng Quốc tế Long An,...

Về quê anh, tôi cảm nhận rõ sự thân tình và lòng hiếu khách của con người miền hạ. Trong buổi chiều của một ngày cuối xuân, anh mời những người bạn thân quý nhất tiếp đón chúng tôi, một nhà báo về hưu và một thằng em văn nghệ sĩ. Trong cái bắt tay ấm áp nghĩa tình, các anh bảo những ai đã chẳng ngại đường xa về thăm miền hạ, người ấy là khách quý. Không câu nệ thân sơ, khách khí, mỗi người đem một món “cây nhà lá vườn” để cuộc vui thêm ấm áp nghĩa tình. Và từ bộ sưu tập những loại rượu ngon nhất mà mình đã dành dụm, cất giữ gần hai mươi năm nay, anh bảo chúng tôi hãy tùy chọn thứ rượu nào mà mình yêu thích nhất. Rượu quý biết bao nhiêu cũng không bằng tri kỷ!

Hôm nay, tôi có duyên may được tiếp chuyện ông bà già miền hạ, năm nay đã ngoại thất tuần. Ngày đám giỗ chồng trước của vợ con trai mình trên TP.Tân An, hai ông bà lụi cụi chuẩn bị ra đi từ gà gáy. Ông búi tó củ hành, áo the trắng, bà khăn rằn, áo bà ba đen. Quà quê bà mang theo là trăm cặp bánh ít lá dứa, còn ông là can hai chục lít rượu. Bà bảo, lá dứa dưới quê mình chịu được phèn mặn nên vừa dày, vừa xanh mà mùi thơm đậm đà; còn gạo nếp phải là thứ “nàng thơm” chính hiệu, vừa dẻo, vừa thơm thì bánh mới lên được hương vị đặc trưng miền hạ. Ông bảo, rượu đế phải tự tay mình chưng cất, ủ trong chum sành, đậy lá chuối già ba tháng mười ngày trở lên mới được mang ra dùng. Khi ấy men rượu đã nhuần, không còn nồng và sốc như lúc mới cất ra lò. Người uống rượu, dễ say tình say nghĩa, ngủ một giấc ngon lành, thức dậy đầu óc trong veo như chưa từng nhậu. Điều đặc biệt, rượu dùng men miền hạ chưng cất, dù có say cũng không hề khát nước khô cổ. Ông bảo, hồi xưa muốn lên Tân An phải đi xe thổ mộ, lóc cóc cả ngày mới tới nơi. Còn bây giờ, có xe đò, xe buýt đi chút xíu là tới, sướng muốn chết! Ngày giỗ cha thằng cháu nội mình, dù bận việc gì, ông bà cũng phải lên cho bằng được. Lên để cho người quá cố ấm lòng, để các con, các cháu mình thêm quây quần đầm ấm.

Trong bóng chiều chạng vạng, tiễn ông bà già lên xe đò, chợt lòng chúng tôi như chùng hẳn xuống. Biết bao giờ lại có dịp về miền hạ thân thương./.

Nguyễn Hội

Chia sẻ bài viết