Tiếng Việt | English

14/10/2020 - 19:30

Miễn dịch cộng đồng “nóng” trở lại khi Châu Âu đối phó với làn sóng Covid-19 mới

Khi dịch bệnh lây lan nhanh trở lại, cộng với tâm lý chán nản của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, một lần nữa vấn đề miễn dịch cộng đồng lại được đề cập.

Châu Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong những ngày qua. Chính phủ các nước đang phải “đau đầu” lên chiến lược ứng phó với dịch bệnh này trong giai đoạn mùa Thu-Đông năm nay.


Châu Âu “đau đầu” đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Ảnh: Anadolu

Tái lập rất nhiều biện pháp hạn chế

Cách đây vài ngày, châu Âu lần đầu tiên vượt qua một cột mốc quan trọng: ghi nhận tới hơn 100.000 ca mắc Covid-19 mới chỉ trong một ngày. Hiện tại, chính phủ nhiều nước châu Âu thẳng thắn thừa nhận rằng làn sóng dịch thứ hai đã ập đến, với cường độ mạnh hơn rất nhiều so với đợt dịch đầu tiên hồi tháng 3-4/2020.

Tại Pháp, số người mắc Covid-19 lúc cao điểm cuối tháng 3 chưa đến 8.000 người/ngày nhưng hôm 10/10 vừa qua đã ghi nhận tới gần 27.000 ca/ngày. Các nước Anh, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Hà Lan… cũng đều ghi nhận số ca mới trung bình cao hơn hẳn so với trước kia.

Để ứng phó với đợt dịch này, các nước châu Âu đều đã tái lập rất nhiều biện pháp hạn chế. Mới nhất, ngày 12/10, chính phủ Anh đưa ra hệ thống cảnh báo 3 cấp độ, phân chia các vùng của nước này theo diễn biến dịch, qua đó áp đặt các biện pháp như đóng cửa các nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao. Hiện vùng Merseyside ở Tây Bắc nước Anh với khoảng 1,5 triệu dân đang phải áp dụng các biện pháp này. Trước đó, Anh đã đưa ra “luật 6 người”, tức không tụ tập quá 6 người nơi công cộng

Từ giữa tháng 9/2020 đến nay đã có 7 thành phố lớn của Pháp bị đặt trong tình trạng “báo động tối đa”, tức cấp cuối cùng trước khi phải tái phong tỏa, bao gồm cả thủ đô Paris. Ở các vùng này, các quán café, các phòng tập thể thao phải đóng cửa, các nhà hàng chỉ được hoạt động đến 22h, với yêu cầu khắt khe hơn về khoảng cách giữa các bàn. Các trường đại học ở khu vực “báo động tối đa” bị hạn chế chỉ đón 50% học sinh, các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng bị cấm và trong không gian kín thì khuyến cáo ít hơn 10 người.

Các biện pháp tương tự cũng được áp dụng ở Bỉ.

Ở Tây Ban Nha, khu vực thủ đô Madrid đã bị đặt trong tình trạng bán phong tỏa từ gần 1 tháng qua, khi dịch bùng phát trở lại. Nhìn chung, hầu như tất cả các nước đều siết chặt các quy định giãn cách xã hội, trong đó tập trung vào việc đóng cửa hoặc hạn chế các địa điểm tụ họp đông người như quán bar, khu vui chơi giải trí hay phòng tập thể thao.

Ngoài các biện pháp giãn cách xã hội, các nước châu Âu cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng. Các nước như Đức, Pháp hay Anh hiện đều đã thực hiện khoảng 1 triệu xét nghiệm/tuần.

Miễn dịch cộng đồng “nóng” trở lại

Khi dịch bệnh lây lan nhanh trở lại, cộng với tâm lý chán nản của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, một lần nữa vấn đề miễn dịch cộng đồng lại được đề cập.

Trên thực tế, sau khi có những tranh cãi khi dịch bùng phát đầu năm nay, đa số các nước châu Âu đều đã từ bỏ hay chấm dứt bàn luận về chiến lược “miễn dịch cộng đồng”. Ở châu Âu chỉ có duy nhất 1 nước vẫn theo đuổi chiến lược này từ đầu dịch đến nay là Thụy Điển. Tuy nhiên, kết quả mà Thụy Điển thu được vẫn còn gây tranh cãi vì dù thời gian gần đây, diễn biến dịch Covid-19 tại Thụy Điển ít phức tạp hơn các nước châu Âu khác nhưng Thụy Điển lại bị chỉ trích rất nhiều trong giai đoạn đầu dịch vì số nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 cao. Ngoài ra, số ca mới bùng phát những ngày gần đây quanh khu vực thủ đô Stockholm cũng đặt ra rất nhiều dấu hỏi cho chiến lược này của Thụy Điển.

Quan trọng nhất là các nghiên cứu từ đợt dịch đầu tiên cho thấy, khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng là rất thấp, do tỷ lệ người dân nhiễm bệnh còn rất ít. Tại Pháp, hết đợt dịch đầu tiên chỉ có 4,5% dân số nhiễm virus SARS-CoV-2, tại Tây Ban Nha hay Italy cũng chỉ khoảng 5%. Tính toán của giới chức y tế Pháp cho thấy là đến nay, số người nhiễm Covid-19 tại Pháp cũng chỉ mới ở mức từ 7 đến 7,5% dân số, còn cách rất xa yêu cầu đạt được là phải có ít nhất 67% dân số nhiễm bệnh.

Tình hình tại các nước châu Âu khác, kể cả nước ban đầu định đi theo chiến lược này là Anh, cũng tương tự. Mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới – WHO cũng đưa ra thông tin cho thấy hầu hết các nước đều mới có tỷ lệ nhiễm Covid-19 dưới 10% dân số. Do đó, miễn dịch cộng đồng không phải là lựa chọn vào thời điểm này. Và cũng cần nhắc lại, rằng khái niệm “miễn dịch cộng đồng” vốn được dành để nói về các chiến dịch tiêm chủng, tức sử dụng vaccine, như bệnh sởi là 95% dân số được tiêm chủng để bảo vệ 5% dân số còn lại. Vì thế, giải pháp cuối cùng cho Covid-19 vẫn là phải chờ đợi vaccine./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết