Tiếng Việt | English

28/11/2020 - 08:55

Mẹ là mùa xuân

Mẹ là mùa xuân

Chuyến xe cuối năm từ phố lên núi, người như nêm. Xe lướt qua đoạn đường vắng, tôi lim dim. Chưa được một phút êm ái đã nghe “rét!”. Gì nữa? Anh Công - phụ xe bất ngờ kêu giật ngược “dừng, dừng, chở giùm bà già bánh tráng!”.

Anh mở cửa xuống đỡ cụ rồi nói với tôi bằng giọng áy náy: Cô giáo ngồi đỡ xuống ghế nhựa cho cụ ngồi chút nghen! Tôi “dạ” rồi phụ đưa bà cụ vào ghế. Bà ôm chồng bánh nướng vào lòng, anh Công kiên quyết:

- Không sao, bỏ đây, không bể đâu mà lo.

- Cho già lên Tân Lập nghen!

- Biết rồi, có phải đi lần đầu đâu! - tài xế chen vào.

Được một lúc, cụ lại đứng lên, ý thăm chừng ràng bánh tráng.

- Cụ ngồi im cho con nhờ!

- Sợ bể bánh tráng...

- Đã nói không sao rồi mà!

Ấn mạnh bà cụ xuống ghế, anh quay về phía những người khách, thanh minh:

- Thiệt tình, bỏ thương, vương tội.

Có vị khách ra vẻ thông cảm:

- Cuối năm còn xách bánh tráng đi đâu không biết?

Anh Công giải thích:

- Cụ đi thăm con gái ở Tân Lập đó. Đi hoài, bánh tráng ngày thường xách ít, gần tết xách nhiều. Từ khi phụ xe tuyến đường này, tui thuộc luôn lịch đem bánh tráng cho con của bà cụ nên gọi luôn là “bà già bánh tráng”.

Tôi vừa nghe câu chuyện, vừa chăm chắm nhìn cụ. Với dáng vẻ già nua ấy, chắc chắn không dưới tám mươi. Những chiếc bánh vàng ruộm, xếp ngay ngắn trong bì nylon to, buộc chặt. Bánh được nướng rất khéo, vàng đều, không bị cháy. Để nướng được như vậy, bánh phải đặt trên lửa nóng đều và trở tay thật nhanh. Mẹ tôi thường nói, nướng bánh không dành cho cô nàng hậu đậu. Bất chợt, tôi không điều khiển được dòng ý nghĩ, thân lắc lư trên xe nhưng hồn đã có mặt ở lò bánh tráng của bà Năm Thạnh.

Ngày đó, không chỉ nhà tôi mà cả xóm có phong trào tráng bánh ăn tết. Xóm có mỗi lò bánh của bà Năm Thạnh nên phải đi đăng ký từ sớm. Bước qua tháng Chạp, ngày nào cũng hỏi, mẹ ơi, chừng nào nhà mình tráng bánh? Chờ mãi rồi cũng có lệnh: Mai khỏi chăn bò, đi phơi bánh với tui nè - nghe xong, tôi cười toe toét, đấy là lúc tôi thấy mùa xuân đang lấp ló trước cửa nhà.

Tết được ăn bánh tráng trừ cơm, sướng mê! Mấy chị em tôi ai cũng “kết” món bánh tráng. Mùi bánh tráng mới ra lò có sức cám dỗ khó cưỡng. Khi những chiếc bánh ngun khói được sắp lên chiếc mành, tôi cẩn trọng đội trên đầu ra bỏ lên những giàn tre đã được thiết kế sẵn làm sân phơi. Đứng giữa sân bánh, lúc nắng ban mai hồng hào, quanh tôi, những giọt nắng quyện với những giọt hương gạo, thơm lẫy lừng, mê mệt. Tôi đứng chôn chân bên những chiếc mành phơi bánh tráng ướt. Mẹ gọi vào nhà kẻo nắng, bệnh, hết ăn tết. Tôi cứ chần chừ, bà Năm Thạnh trêu: Nó thèm nên đứng ngửi mùi bánh đó mà. Bà cứ cho nó ăn cho đã đi, không mấy cái đâu! Rồi bà chủ cố nói to cho tôi nghe: Năm có mỗi cái tết mà hổng được ăn bánh tráng cho đã đời một bữa hen gái? Hay tới đây ở, ngày nào bà Năm cũng cho ăn bánh cành hông luôn.

Ngày hôm đó về, trong đầu tôi cứ lởn vởn ý nghĩ làm con nuôi bà Năm Thạnh với hy vọng đổi đời. Mẹ từng kể bà Năm không có con, chồng mất sớm rồi ở vậy tới giờ. Không phải tôi không thương ba mẹ, không quyến luyến anh chị mà tại thấy làm con nhà nghèo “căng” quá, chỉ ước được ăn một bữa bánh tráng thôi sao mà khó. Lò bánh tráng với nhà mình cũng gần, làm con bà Năm rồi hồi nào thấy nhớ nhà thì chạy về chơi. Thấy ngon ăn, tối đó, tôi rón rén hỏi:

- Mẹ, mẹ cho con tới ở bà Năm Thạnh nghen?

Mẹ không trả lời, nhưng chị Hai hét:

- Bà Năm nói giỡn chớ mầy nghĩ bả nói thiệt hả? Nhận chi mày cho tốn bánh?

Tôi đâu chịu thua:

- Nguyên lò bánh mà sợ gì tốn.

Tết đó, mẹ không “quản” mấy xấp bánh tráng như mấy năm trước. Mẹ bảo năm có một cái tết, cứ ăn cho đã đi, hạ nêu mẹ đi tráng nữa cho tụi bây ăn cho ớn. Đấy là phần thưởng khi tôi “phẫn chí” đòi tới nhà bà Năm ở. Tôi hiểu mà. Nhận được phần thưởng ngoài mơ ước, tôi hổng dám mừng mà áy náy nhiều. Chị Hai dặn buộc chỉ cổ tay mà nhớ, nhà mình nghèo, đừng đòi hỏi, tết sẽ mất vui.

… Xe bất ngờ lắc mạnh, cụ bà quờ quạng đưa tay chụp thành ghế, nhưng vẫn dõi mắt về phía chồng bánh khi thấy nó bị nghiêng. Khi vị khách ngồi bên bước xuống, tôi lại ngồi cạnh bà cụ. Chưa kịp hỏi, cụ đã xem tôi là chỗ tâm giao, giọng rè rè, chậm chạp kể. Cụ nói con gái út tên Mơ, nó ghiền món bánh tráng nướng rưới chút mắm lên hơ khô, hay rưới sợi dừa ngào đường hoặc ăn không cũng được. Tội nghiệp con bé, lấy chồng xa, mỗi lần về thăm nhà mang theo cả chồng bánh tráng. Bà chỉ tay về chồng bánh, bánh này dày, nướng đều tay đều lửa, nhai rạo rạo đã lắm... Tiếng “rạo rạo” phát ra từ khuôn miệng móm mém của bà cụ lại làm tôi mủi lòng muốn khóc, tôi nghĩ tới mẹ.

Nhớ những ngày tôi thảm thương nằm viện, lần nào từ nhà xuống, mẹ cũng cắp theo xấp bánh tráng nướng. Chồng tôi lấy đó làm khó chịu (xấu hổ vì bà mẹ nhà quê) nên dặn mẹ bận sau đừng mang lỉnh kỉnh lên nữa. Nói vậy mà mẹ cũng đem, chồng tôi càm ràm. Tôi thấy ngại nên dặn mẹ, đừng mang bánh theo vướng víu, chừng nào con muốn ăn sẽ nói. Mẹ ừ, nhưng tôi nghe lòng tê tái, phụ lòng mẹ, cảm giác này thiệt khó chịu.

Rồi chồng tôi cũng bỏ đi theo người khác. Một mình nơi đất khách, tôi khốn đốn vật vã với những vết thương không có cơ may liền sẹo. Hai mùa xuân rồi, tôi viện cớ không thể thu xếp được công việc và sức khỏe để về quê ăn tết. Biết là mẹ sẽ rất buồn nhưng đành lòng vậy, cầm lòng vậy.

Giữa tháng Chạp năm nào mẹ cũng gửi xe lên chỗ tôi ở một chồng bánh tráng cao ngất. Chiều 30, mẹ gọi điện nói đúng một câu: Tết không có con, nhà vắng quá... Chỉ một câu thôi mà tôi đau đến phát khóc.

*

Sáng nay, mẹ lại gọi điện. Mẹ hỏi chuẩn bị tết tới đâu rồi, mẹ gửi bánh tráng. Tôi “dạ, bánh tráng mẹ cứ để ở nhà, mai chủ nhật hai mẹ con về chơi, sẵn lấy luôn. Mẹ mừng quá, tôi nghe tiếng “ừ” trong nghẹn ngào.

Tôi đang đứng cách mẹ 60km nhưng thấy rất rõ nụ cười đôn hậu của mẹ. Cảm ơn cuộc đời nghiệt ngã, cảm ơn những chiếc bánh tráng ăm ắp tình thương đã giúp tôi nhận ra: Mẹ chính là mùa xuân./.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Chia sẻ bài viết