Minh họa: Thiện Mỹ
Ngày Mi vào lớp 1, mẹ vừa sanh em bé được 2 tháng. Ba đi làm xa nhà cả mấy chục cây số. Bên nội ở xa, ông bà ngoại lại già yếu nên ba bảo cả nhà mình phải nỗ lực, cùng nhau vượt qua hoàn cảnh. Mi cũng được ba mẹ nhờ giúp một tay, tự lo cho mình để ba mẹ yên tâm. Mi gật đầu, ra vẻ người lớn bảo ba mẹ đừng lo cho con, con lớn rồi! Mẹ cười vuốt mái tóc dày, đen mượt của con gái: “Đúng rồi, Mi là chị hai rồi mà. Chị hai ngoan, để mai mốt em bé còn học theo chị nữa chứ”. Mi cười tít, để lộ mấy cái răng sún chưa kịp thay, thấy thương ghê.
Những ngày ba đi làm, Mi phải qua nhà thằng Hiếu xin ba nó cho đi nhờ xe đến trường. Vào lớp, Mi đến chỗ ngồi của mình, tự động đem tập, sách và đồ dùng học tập ra sẵn để ngay ngắn trên bàn học. Nhìn quanh, nó thấy rất nhiều bạn được ba hoặc mẹ xách cặp vào tận lớp, dặn dò, nhắc nhở đủ thứ. Đôi mắt đen láy của Mi mở to, ngạc nhiên khi nhìn thấy có bạn còn khóc nhè, không cho ba mẹ về, làm ba mẹ phải nán lại năn nỉ, dỗ dành. Nó thầm nghĩ: “Lớn rồi còn khóc nhè, thua cả em bé nhà mình. Em bé nhà mình bú no rồi ngủ, chả thèm khóc!”.
Hôm nào ba về nhà Mi rộn ràng hẳn lên. Mi thấy háo hức vì sẽ được ba chở đi ăn phở. Ba đi vắng, mẹ cho Mi ăn sáng ở nhà, cũng có thứ này thứ kia nhưng không có món phở tái Mi rất mê. Mi thương mẹ vất vả, còn lo cho em nên đâu dám đòi hỏi gì. Mi cũng thích được ngồi xe của ba hơn, xe ba vừa êm lại vừa rộng rãi, thoáng mát. Giang xe ba thằng Hiếu chật chội, lâu lâu nó lại cằn nhằn, bảo Mi xích ra. Mi bực mình: “Hết chỗ rồi, xích nữa tao rớt xuống đất sao?”. Ba thằng Hiếu nghe vậy bảo: “Chịu khó chút đi các con, tới trường rồi kìa!”.
***
Cô Hương để ý thấy hôm nào bé Mi cũng đến lớp một mình. Con nhỏ thông minh, lanh lợi và tự biết lo cho mình, nhưng cô thấy đôi mắt nó có vẻ buồn khi nhìn các bạn được cha mẹ đưa vào tận lớp, chăm chút, âu yếm. Hỏi thăm biết Mi phải tự lo cho mình cô thấy thương nó quá. Tuy có ý thức tự lập, tự soạn sách vở và đồ dùng học tập mỗi khi đến lớp, nhưng vì còn quá nhỏ nên thỉnh thoảng nó lại quên sách, quên tập hoặc vài thứ lặt vặt khác.
Trong lớp nhiều bạn được học dự thính trước nên tập đọc, tập viết khá trôi chảy. Còn Mi mấy tháng hè vừa rồi, mẹ mới mua sách tập, hướng dẫn cho, nó tự học ở nhà nên nét chữ còn yếu lắm! Cũng có vài bạn không học trước như Mi nên phải “bơi” theo khá vất vả. Cô Hương lo tình trạng này sẽ làm các em chán nản, học hành càng sa sút hơn. Hôm họp phụ huynh, mọi người đề nghị cô mở lớp dạy thêm buổi tối nhưng cô từ chối. Cô bảo, phần lớn các em được học trước, giờ vào lớp học cả ngày, tối về lại học thêm là không cần thiết. Cô chỉ nhận kèm cặp giúp các em học chậm hơn để theo kịp đa số các bạn trong lớp. Riêng Mi, hết giờ học buổi chiều trong lớp cô sẽ chở về nhà mình, cho nó tắm rửa ăn uống, nghỉ ngơi rồi học bài với các bạn khoảng một tiếng là đủ.
Đi học về, Mi ríu rít kể chuyện ở trường cho mẹ nghe. Nào là hôm nay con đã viết rành chữ gì, học bài tập đọc đến đâu, rồi cô dạy hát bài gì, nó nói rất hứng thú, say mê. Đến giờ ăn, cô ngồi chăm sóc học trò của mình như mẹ lo cho các con. Cô lấy đồ ăn thêm cho từng đứa, bảo phải ăn nhiều mới mau lớn và có sức mà học. Cô còn gỡ cá cho con và các bạn, dặn phải cẩn thận kẻo hóc xương. Mẹ nghe vậy ngạc nhiên:
- Cô gỡ cá cho con nữa hả? Con có ăn không?
- Dạ, con có ăn cá chứ. Cá ngon lắm mẹ à!
Bé Mi hồn nhiên khoe mà không biết mẹ đang tủm tỉm cười vì chuyện nó ăn cá là một sự kiện lạ. Ở nhà nó đâu có chịu ăn cá bao giờ, mẹ tập cho nó nhiều lần nhưng mỗi lần ăn cá, nó cứ nhăn mặt đòi ói ra, làm mẹ bực muốn chết. Giờ nó chịu ăn thì tốt quá, không biết bằng cách nào mà cô Hương thuyết phục được nó, mẹ thấy phục cô quá chừng.
Hết học kỳ I, Mi và nhóm bạn theo kịp cả lớp. Ba mẹ dặn, Mi phải cố gắng hết mình học thật tốt để không phụ lòng cô. Mi chứng tỏ năng lực vượt trội của mình, cuối năm được lãnh thưởng hạng nhì trong lớp. Hôm tổng kết phát thưởng, lớp Mi đứng nhất toàn khối, cô Hương rất vui, gương mặt hiền lành, phúc hậu của cô rạng ngời niềm hạnh phúc. Cô bảo, đó là phần thưởng đáng quý trong sự nghiệp “trồng người” của cô...
***
Mới đó mà 12 năm trôi qua, Mi vừa vào đại học năm nhất. Hôm có giấy báo trúng tuyển, gọi điện báo cho cha mẹ xong là Mi chạy thẳng đến nhà cô Hương báo tin cho cô mừng. Cô chính là người mẹ thứ hai của Mi, là người thầy đầu tiên nâng bước cho Mi trên con đường đến với tri thức. Nghe Mi đậu đại học, cô mừng lắm, cứ vỗ vỗ vai Mi rồi bảo thành công của học trò chính là niềm hạnh phúc lớn của cô.
Hồi còn học tiểu học, cứ đến ngày 20-11 và những dịp lễ tết, Mi thường được mẹ đưa đến thăm và chúc mừng cô. Sau này lớn hơn, Mi thích đi với các bạn đến nhà cô, cô trò cùng nhau ôn lại buổi đầu đi học với biết bao kỷ niệm về mái trường, bạn bè, thầy cô. Những kỷ niệm đó trở thành một phần ký ức đẹp trong lòng mỗi người. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã làm cho căn phòng nhỏ của cô trở nên ấm cúng như một gia đình hạnh phúc...
Cô Hương về hưu mấy năm. Thỉnh thoảng về thăm nhà, Mi lại chạy đến cô. Tóc cô đã điểm bạc, gương mặt phúc hậu in dấu thời gian của cô rạng ngời hạnh phúc khi thấy Mi. Nhìn cô lặng lẽ trong căn nhà nhỏ một mình trong lòng Mi thấy thương cô nhưng cũng thắc mắc lắm. Xem hình cô thì biết thời trẻ cô rất đẹp, nhưng sao cô không lập gia đình như mọi người?
Mi đem những thắc mắc đó hỏi cô, ánh mắt cô bỗng trở nên xa xăm. Cô nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, đó là những năm đầu sau giải phóng. Từ nhỏ cô đã yêu thích nghề giáo nên quyết tâm thi vào trường sư phạm học ở thành phố. Ra trường, người yêu cô bảo sẽ nhờ ba mình xin cho cô ở lại thành phố dạy học, sau đó sẽ tổ chức lễ cưới. Cô đã phải suy nghĩ trăn trở rất lâu trước khi quyết định trở về quê mình dạy học. Lần đầu tiên Mi được nghe tâm sự của cô, giọng cô chùng xuống:
- Quê mình sau giải phóng còn nghèo lắm, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, cô thấy mình phải có trách nhiệm với quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Cô muốn được đóng góp sức mình, nhất là lúc đang rất cần đến bàn tay, khối óc của con người xây dựng lại quê hương sau những năm dài chiến tranh tàn khốc. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, cô thấy không phải với những người nằm xuống, trong đó có cả người cha thân yêu của cô hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
- Nhưng cô vẫn có thể lập gia đình với người khác mà? Mi vẫn còn thắc mắc.
- Ừ. Nhưng đối với cô lúc đó, nhiệt huyết tuổi trẻ thôi thúc cô được cống hiến. Cô dành hết thời gian và tâm sức cho lòng yêu nghề và tình yêu thương đối với các em nhỏ đang rất cần cô. Đó chính là những mầm non, là tương lai của đất nước sau này. Cô quên luôn cả chuyện riêng của mình...
Nói đến đây, cô Hương quay qua nắm lấy đôi bàn tay của Mi siết chặt, giọng cô đầy xúc động:
- Cô không có gia đình, nhưng các con chính là gia đình của cô. Tình cảm của học trò đối với cô là niềm vui, tự hào và hạnh phúc của cô. Biết bao thế hệ học trò lớn lên, trưởng thành trở về đây thăm cô, có em rất thành đạt, giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Cô chưa bao giờ nuối tiếc vì sự lựa chọn của mình, cô hiểu điều mình chọn là không vô nghĩa.
Mi để yên bàn tay mình trong tay cô nghe lòng rưng rưng. Trong Mi chợt vang lên câu hát năm nào vẫn thường hát với các bạn: “Em yêu biết bao nhiêu, mẹ của em ở trường... mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương...”./.
Hoài Thu