Tiếng Việt | English

23/10/2019 - 09:50

Mẹ bối rối khi con 4 tuổi luôn nói ngược, làm ngược với người lớn

Sai con làm gì hay nói gì với con trai 4 tuổi, chị Nguyễn Ngọc Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) đều nhận được câu trả lời ngược, hành động ngược của con khiến chị vô cùng bối rối.

Không thể phủ nhận cậu con trai của chị Oanh khá thông minh, hiếu động. Chỉ có điều, hỏi cậu về vấn đề gì hoặc sai cậu làm gì, cậu đều trả lời ngược, làm ngược lại với yêu cầu của người lớn. Bảo cậu chào bác, chào chị thì cậu sẽ chào bác là chị, chào chị là bác. Hỏi cậu mẹ nấu ăn có ngon không thì cậu bảo mẹ nấu không ngon, nấu quá tệ trong khi cậu ăn rất ngon miệng.


Con luôn thích nói ngược, làm ngược với người lớn khiến mẹ bối rối, lo lắng. Ảnh minh họa

Bảo cậu lấy cho cái thìa thì cậu sẽ lấy cái đũa. Bảo cậu lấy cho cái kẹo socola trong tủ lạnh thì cậu sẽ mang ra chai nước. Theo thói quen, gần như lúc nào cậu cũng phải làm ngược lại với những yêu cầu của người lớn và làm xong thì cậu cười vang sung sướng.

Nếu thỉnh thoảng cậu có suy nghĩ ngược, làm ngược với người lớn thì chị Oanh sẽ nghĩ con trai biết đùa, hài hước, thích trêu chọc mọi người. Thế nhưng, thấy việc con nói ngược, làm ngược như một thói quen khó bỏ lại khiến chị Oanh bối rối, lo lắng.

Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), người có nhiều nghiên cứu về tâm lý trẻ em, cho biết, ở độ tuổi 3-6, trẻ thích trả lời hoặc làm ngược lại điều mà người lớn mong đợi. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu phát triển nhận thức về việc hiểu suy nghĩ khác nhau ở mỗi người để lựa chọn câu trả lời hay một hành động. Đó là thời điểm trẻ đang phát triển ở mức cao về nhận thức, đó là đoán và hiểu suy nghĩ của người khác, gọi là lý thuyết của tâm trí.

Lý thuyết tâm trí bắt đầu hình thành khi trẻ nhận ra suy nghĩ và cảm nhận của người khác.

Bác sĩ Anh Nguyễn chỉ ra những hoạt động giúp trẻ phát huy lý thuyết của tâm trí:

Phát triển năng lực của ngôn ngữ và cách dùng từ

Một vấn đề đi trễ hơn phát triển của "lý thuyết của tâm trí" là phát triển ngôn ngữ, đặc biệt các từ để ám thị hay diễn tả cảm xúc. Do đó, cha mẹ nên giao tiếp với trẻ và sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực để diễn tả cảm xúc và hành vi đúng trong giai đoạn từ 3 đến 9 tuổi. Ví dụ, khi bé Bi dành đồ chơi của Na, ngôn từ của cha mẹ nên chuẩn mực để răn đe hơn là hổ báo, như là "Bi, đó là đồ chơi của Na, con phải xin phép để chơi hoặc đưa lại cho mẹ". Có thể Bi nhận ra điều này làm Na buồn, ngôn ngữ cần dạy là "cảm xúc của Na lúc đó", nên cha mẹ có thể nói thêm "Na buồn và đang khóc khi con lấy đồ chơi".


Lý thuyết tâm trí bắt đầu hình thành khi trẻ nhận ra suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Ảnh minh họa

Khi đọc chuyện cho trẻ nghe, đừng tiếc thời gian nói thêm về cảm xúc của nhân vật. Ví dụ, mẹ của khỉ con bệnh và mất, con nghĩ khỉ con cảm thấy như thế nào? Khỉ con sẽ rất buồn và nhớ mẹ đúng không nào? Hoặc, khi cô bé quàng khăn đỏ nhận quà từ mẹ để đi thăm bà, cô bé cảm thấy như thế nào? Có lẽ sẽ hào hứng và mong muốn gặp bà phải không con?

Đừng đợi đến 3 tuổi, mà cha mẹ nên sử dụng ngôn từ chuẩn mực đặc biệt khi nói về cảm xúc, cảm nhận khi trẻ vẫn còn trong thai từ tuần thứ 15.

Ưu tiên để trẻ tự do hướng dẫn bạn trong hoạt động vui chơi

Lưu ý rằng điều này chỉ làm được khi hoạt động đó trẻ hứng thú. Do đó, chọn hoạt động trẻ hứng thú mà cha mẹ cùng trẻ chơi và để trẻ là người quản trò, cho cha mẹ hướng dẫn, cũng như cách chơi. Cha mẹ có quyền phản biện và nên làm điều này để lắng nghe cách trẻ giải thích và phản biện lại bạn. Để phản biện lại cha mẹ, trẻ học cách đoán và hiểu suy nghĩ của bạn. Đó là cách trẻ chú ý về tồn tại của cha mẹ như 1 người chơi.

Dẫn trẻ đến môi trường giao tiếp nhiều hơn

Cha mẹ nên dẫn trẻ theo trong các cuộc hẹn bạn bè để bé có cơ hội học và đoán về những suy nghĩ của người khác mà không chỉ là cha mẹ. Ở đó, trẻ cũng trở nên ý thức và chú ý về sự có mặt của người lạ. Khả năng nhận biết sẽ phức tạp hơn, nhưng cũng là một điều kiện tốt để trẻ phát huy về lý thuyết của tâm trí./.

Theo phunuvietnam.vn 

Chia sẻ bài viết