Tiếng Việt | English

04/03/2017 - 18:26

Mẹ

“Mẹ không thương mình” - Không biết tự bao giờ, suy nghĩ đó luôn tồn tại trong Tí. Cậu tự cho rằng, mình là đứa trẻ bất hạnh bởi không được sự chăm sóc, quan tâm, chiều chuộng của mẹ.

Tí nghĩ thế cũng phải, vì khi cu cậu mới được 5 tháng tuổi, mẹ phải gửi Tí cho ông bà nội để lo chuyện làm ăn, mà chuyện làm ăn của mẹ thì không biết kéo dài đến bao giờ. Tí "côi cút" dẫu rằng có đủ cha lẫn mẹ. Tí lớn lên cùng mấy anh, mấy chị con cô, con bác trong đại gia đình. Cha mẹ Tí thỉnh thoảng về thăm con, có khi cả tháng, mà có khi cũng mấy tháng biền biệt.

Những đêm nhớ mẹ, Tí thút thít một mình, cũng không dám khóc lớn sợ nội biết, nội la. Cậu lấy cái áo của mẹ trùm lên người để cảm nhận được mùi mồ hôi quen thuộc. Tí dần quen với cuộc sống vắng mẹ và nỗi nhớ ấy được cậu khắc lên gốc đào tiên trước nhà. Hồi chưa biết chữ, mỗi lần nhớ mẹ, Tí lượm miểng sành chạy ra gốc đào tiên khắc lên đó một dấu gạch. Sau này, cậu nắn nón viết từng chữ M. Tí 10 tuổi, gốc đào tiên chi chít sẹo mà chỉ có mình cậu biết những vết sẹo ấy có ý nghĩa như thế nào.

Minh Họa: Thiện Mỹ

Chiều chiều, Tí hay xúc tô cơm rồi chạy ù qua nhà Ti cùng ăn. Ti nhỏ hơn 2 tuổi, sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ cách nhà nội Tí cái mương. Nhà nó nghèo, nội Tí nói nghèo nhất cái xóm chài này, nhưng mẹ nó cưng nó lắm! Nhiều lúc nhìn nó, Tí thấy ghen tị và thầm ước mình cũng được cưng như nó. Sáng nào, đi lựa cá, mẹ Ti cũng dắt nó theo, bà chặt mấy nhánh dừa nước quây thành cái chòi cho nó vào trốn nắng còn bà thì ra bãi lựa cá thuê.

Có hôm, được nội cho theo mẹ con Ti ra mé sông lựa cá, Tí thích lắm, một phần vì được chơi với Ti, một phần được mẹ Ti lo lắng, chăm sóc. Hôm nào xong sớm, có ông Tư bán cà rem đi ngang, mẹ Ti cũng mua cho mỗi đứa một cây nhét vào cái bánh tiêu ăn vừa béo, vừa ngọt lại mát lạnh đầu môi. Chiều về, bữa nào nhà Ti cũng có món cá vụn mẹ nó xin được ngoài bãi. Cá vụn nhưng ngon lắm, có hôm mẹ Ti kho tiêu, chấy lạt, có hôm lại chiên bột nên dù ngày nào cũng ăn cá vụn nhưng hai đứa không biết ngán. Ăn riết, Tí đâm ra ghiền món cá của mẹ Ti.

Có những hôm, nội cho Tí sang ngủ với mẹ con Ti. Trên chiếc giường tre ọp ẹp, mẹ Ti cứ quạt cho hết đứa này đến đứa kia và kể bao nhiêu là chuyện, những câu chuyện cổ tích mà có nghe đi, nghe lại cả trăm, cả ngàn lần, Tí cũng không biết chán. Nhìn cách mẹ Ti âu yếm và cưng nựng nó, Tí ước gì nó được làm con của mẹ Ti, được vỗ về, được nằm gọn trong vòng tay âu yếm của mẹ. Nỗi nhớ mẹ lại tràn về, nước mắt cu cậu ướt cả gối. Chập chờn trong giấc mơ, Tí thấy mình được mẹ dắt ra ngoài bãi, lựa mớ cá vụn về kho tiêu. Tí hít hà, mẹ vội múc ly nước mưa mát lạnh đưa cho nó...

Mẹ là cả bầu trời 

Cập Nhật 12-08-2016

Thêm một mùa Vu Lan nữa tôi không thể về bên mẹ. Đó đây, người ta nói nhiều về mùa báo hiếu, về tấm lòng cha mẹ và đạo làm con, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những tháng ngày bên mẹ, chỉ có mẹ là duy nhất.

12 tuổi, Tí rời quê theo mẹ về thành phố. Mọi thứ như lạ lẫm với cu cậu. Căn nhà hai tầng nằm giữa trung tâm thành phố là thành quả lao động của cha mẹ Tí bao nhiêu năm nay. Ngày đầu tiên về nhà mới, Tí cứ nhớ tiếng cút kít của cái giường tre nhà Ti, nhớ làn gió mát từ chiếc quạt mo mà mẹ Ti quạt phành phạch cho hai đứa.

Tí nằm trong căn phòng sang trọng, có giường nệm, có máy lạnh, nó bỗng nhớ quê quá, nhớ cái gốc đào tiên trước nhà, nhớ cả những ngày theo mẹ con Ti ra bãi cá.

Từ ngày lên phố, chỉ đến tết, cu cậu mới được về quê thăm nội và thăm lại Ti. Ti nay lớn, xinh đẹp và dịu dàng hẳn ra. Lần nào Tí về, Ti cũng chạy ù ra bãi xin mớ cá vụn về kho tiêu. Mẹ nó không còn đi lựa cá nữa mà sang được một quầy rau ở chợ. Ti hay ra phụ mẹ bán rau, Tí cũng lẽo đẽo theo sau và vẫn thầm ghen tị với sự lo lắng, chăm sóc mà mẹ Ti dành cho nó.

18 tuổi, Tí không vào đại học mà theo bạn bè buôn lậu thuốc lá. Những chuyến đi kiếm bộn tiền và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng kéo Tí xa dần với gia đình. Mẹ la nó, đánh nó rồi từ mặt nó. Có hề gì, từ đó giờ mẹ có thương nó đâu! Nay, mẹ từ mặt, nó càng được tự do.

Thương đời mẹ 

Cập Nhật 29-02-2016

Mẹ ơi! Mấy chục năm qua,/Mẹ vừa làm mẹ, làm cha - một mình./Từ ngày ba đã hy sinh,/Đến nay mẹ đã một mình nuôi con...

Ngày trước, Tí còn lệ thuộc tài chính vào mẹ nên còn nể mẹ đôi chút. Giờ thì nó tự làm ra tiền rồi, nhiều tiền nữa là đằng khác, nên cớ gì phải sợ mẹ nữa. Nó nghĩ “Mẹ cứ lo chuyện làm ăn của mẹ, còn con có hướng đi riêng của con”.

Một lần tình cờ, Tí gặp lại mẹ con Ti trong xóm chợ, Ti mừng lắm, kéo tay nó về căn phòng trọ ọp ẹp rồi huyên thuyên: “Em lên thành phố học trường sư phạm được mấy tháng rồi. Hôm trước, em có ghé nhà thăm anh nhưng mẹ anh nói anh đi cả năm nay rồi. Anh ở lại ăn cơm với mẹ con em nha, em ra chợ mua mớ cá về kho tiêu. Ở đây không có cá vụn, em chơi sang, mua cá bống dừa đãi anh luôn!”.

Tí nghe mắt mình cay cay, bao nhiêu lâu rồi, nó không được sống trong cảnh gia đình ấm áp như vầy; bao lâu rồi, nó không ăn cơm mẹ nấu. Tí thấy như mình đang đánh mất điều gì thiêng liêng lắm. Mẹ Ti nắm lấy tay nó vuốt ve, đủ để nó cảm nhận được hơi ấm ân tình, rồi bà ôn tồn: “Con sao vậy Tí, sao quậy phá, lêu lổng như vậy? Con không thương mẹ con sao Tí?”. Nó nhìn xa xăm rồi buông câu gọn lỏn “Mẹ cũng có thương con đâu dì!”. Bà lại vuốt tóc nó: “Mẹ nào lại không thương con, chỉ là con chưa nhận ra thôi”.

Chuyến hàng hôm qua của nhóm Tí bị công an tóm gọn, bao nhiêu vốn liếng nó dồn vô chuyến hàng này coi như mất trắng. Đã vậy, trong lúc giằng co giành lại hàng với nhóm thằng Cò, Tí bị đàn em của nó chém vào đầu, ngất xỉu. Tí tỉnh dậy trong phòng cấp cứu. Nó hé mắt, bắt gặp gương mặt tiều tụy, xanh xao của mẹ. Tự dưng nó muốn khóc, muốn ngồi bật dậy ôm mẹ vào lòng, muốn nói thật nhiều lời xin lỗi với mẹ nhưng dường như nó bất lực, không động đậy được. Nó mệt mỏi, nhắm nghiền mắt nhưng vẫn nghe rõ lời Ti:

- Bác về nhà nghỉ chút đi bác, qua nay bác tiếp máu cho anh Tí nhiều rồi. Con ở đây trông chừng anh cũng được.

- Thằng Tí chưa tỉnh, sao bác về được hả con, nó có làm sao, bác ân hận lắm Ti ơi!...

Khóe mắt Tí cay cay rồi nước mắt lăn dài, nó nhớ lời mẹ Ti: “Mẹ nào lại không thương con, chỉ là con chưa nhận ra thôi”. Rồi nó mơ, nếu được làm lại từ đầu, nó sẽ nghe lời mẹ, nhất định là vậy./.

Tuyết Nhi

Chia sẻ bài viết