Tiếng Việt | English

02/02/2019 - 11:15

Mang sắc xuân đến mọi nhà

Đã thành thông lệ, gần đến Tết Cổ truyền của dân tộc, những người trồng hoa tết lại tất bật chuẩn bị những “nàng xuân” phục vụ thị trường tết và góp chút hương xuân cho ngày tết thêm vui tươi, ý nghĩa.

Vạn thọ chào xuân. Ảnh: Hữu Tuấn

Giữa tiết trời se lạnh và không khí xuân đang ngập tràn trên mọi nẻo đường, chúng tôi có dịp đến thăm vườn lan Quang Vinh ở ấp Xuân Hòa 1, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An và cảm nhận tết đang đến rất gần, người mua kẻ bán nói cười rôm rả. Lau vội những giọi mồ hôi trên trán, ông Đặng Văn Dìa (chủ vườn lan Quang Vinh) nở nụ cười tươi: “Tết này, tôi thắng lớn bởi thời tiết thuận lợi, hoa lan nở đúng dịp tết nên thương lái các tỉnh Bến Tre, Đồng Nai và TP.HCM đặt cọc với giá rất cao. Năm nay, tôi có khoảng 20.000 giỏ lan Dendro với giá dao động từ 30.000-450.000 đồng/giỏ, tùy theo loại, kích cỡ. Dự kiến tết này, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi có lãi trên 300 triệu đồng. Thông thường vào tháng 3 âm lịch, tôi bắt đầu nhập mô (cây con) ở Thái Lan về trồng. Để các loại lan ra hoa đúng dịp tết, tôi phải “canh” thời tiết cho từng loại. Cụ thể, có những loại lan phải 8-9 tháng mới ra hoa, có loại 6-7 tháng,...”.

Mặc dù mới “bén duyên” với nghề trồng hoa lan nhưng ông Dìa có một tình yêu lan rất đặc biệt. Được biết, thời gian công tác trong quân đội, ông Dìa luôn ấp ủ ý định trồng hoa lan. Nghĩ là làm nên sau khi về hưu, ông chủ động học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi và bắt đầu trồng. Ông tâm sự: “Với chúng tôi, nhìn cây hoa mình bỏ công chăm sóc trổ bông đẹp, khoe sắc dưới nắng xuân là niềm hạnh phúc. Và những người thật sự yêu hoa mới có thể gắn bó với nghề, bởi trồng hoa là trồng những ân tình, dùng tình cảm vun xới nên có cực khổ, vất vả cũng cảm thấy vui”.

Rời vườn lan của ông Dìa, chúng tôi tiếp tục đến thăm vườn hoa hướng dương của ông Trần Minh Hoàng, ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa. Tại đây, chúng tôi choáng ngợp bởi màu vàng của hoa phủ cả một khu vườn làm cho lòng người nôn nao như chiều 30 tết. Có thể nói, hướng dương là loại hoa rất khó trồng với người dân Long An nhưng cách đây 4 năm, ông Hoàng không ngừng học tập kinh nghiệm và trồng thử nghiệm loại hoa này. Với sự nhẫn nại, cần cù, hoa không phụ lòng người, cho ông Hoàng những mùa bội thu. Ông Hoàng cho biết: “Gia đình tôi có cuộc sống sung túc như hôm nay một phần là nhờ việc trồng hoa tết, trong đó, hướng dương là loại hoa cho lợi nhuận cao nhất. Để trồng được hoa hướng dương đẹp, thay vì dùng tro trấu để trồng thì gia đình tôi trồng bằng đất mặt ruộng; đồng thời phải có kỹ thuật riêng để kích thích mỗi nhánh ra một bông hoa. Tết này, gia đình tôi tiếp tục trồng 300 chậu hoa hướng dương, dự kiến mỗi chậu có giá trên 100.000 đồng. Ngoài trồng hoa hướng dương, gia đình tôi còn trồng 1.500 chậu hoa vạn thọ và 150 gốc mai vàng”.

Ngược về vùng hạ của tỉnh, chúng tôi đến tham quan một số vườn hoa vạn thọ ở các xã Long Trạch, Long Hòa, Long Khê, huyện Cần Đước. Theo các chủ vườn tại đây, những năm gần đây, khách hàng rất thích hoa vạn thọ Thái, Pháp vì bông rất to, đều và màu sắc bắt mắt. Thông thường cuối tháng 10 (âm lịch), người trồng hoa vạn thọ bắt đầu ươm giống, khoảng 20 ngày đem ra luống trồng. Sau khi trồng được nửa tháng, nông dân bấm ngọn để cây phát triển thành nhiều nhánh. Khi hoa kết nụ, người trồng phải tiếp tục ngắt bỏ những nụ nhỏ để dồn sức nuôi bông cái. Một chậu hoa vạn thọ đẹp có ít nhất 8 bông nở to, đều trở lên. 

Tuy nhiên, để bông to, tươi màu, lá và thân không bị sâu còn là bí quyết riêng của từng gia đình. Chị Phan Thị Kim Hoa (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng hoa vạn thọ, bật mí: “Trồng hoa vạn thọ giống như “chăm con mọn”. Do đó, người trồng hoa không chỉ chăm chỉ, cần mẫn mà còn phải biết chọn những giống hoa phù hợp với vùng đất, “trông trời, trông đất, trông nắng, trông mưa” để biết hoa có nở đều, to và đúng dịp tết hay không mà có biện pháp xử lý”.

Không phải là vùng chuyên canh trồng hoa phục vụ thị trường tết nhưng những năm trở lại đây, nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao cho người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... Bà Trần Thị Thúy Hằng (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) bộc bạch: “Gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Mấy năm nay, nhờ tận dụng đất vườn, gia đình tôi trồng hoa vạn thọ bán tết. Năm rồi, gia đình trồng 1.200 chậu hoa vạn thọ, sau khi trừ chi phí, lãi trên 20 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục trồng 6.000 chậu hoa vạn thọ. Hy vọng sẽ có một mùa bội thu để ăn tết lớn”.

Tết đến, xuân về, người dân từ thành thị đến nông thôn đều sắm sửa cho gia đình một vài chậu hoa và cây cảnh để trang trí trong nhà. Trong không khí xuân rực rỡ, những bông hoa, cây cảnh càng làm cho lòng người thêm xuân, ước vọng một năm mới dồi dào sức khỏe, tài lộc và may mắn. Và để có được điều này chính là nhờ đôi bàn tay cần cù, chăm chút, nâng niu từng chậu hoa, cây kiểng của người trồng hoa. Vì thế, người trồng hoa xứng đáng được hoa ưu đãi, mang lại nguồn thu nhập ổn định để cuộc sống luôn tràn ngập mùa xuân./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết