Tiếng Việt | English

20/07/2023 - 11:18

Mắm còng được xét duyệt công nhận nghề truyền thống

Hội đồng xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Long An vừa tổ chức Hội nghị xét duyệt công nhận nghề truyền thống đối với nghề sản xuất, chế biến đặc sản mắm còng tại ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc.

Các thành viên trong Hội đồng bỏ phiếu thống nhất công nhận nghề truyền thống đối với nghề sản xuất, chế biến đặc sản mắm còng tại xã Phước Lại

Nghề sản xuất, chế biến đặc sản mắm còng tại xã Phước Lại xuất hiện cách đây khoảng 100 năm, ban đầu là từ ấp Tân Thanh B, sau đó lan toả ra nhiều địa phương khác. Đến nay, ở ấp Tân Thanh B còn khoảng 8 hộ làm nghề với số lao động trung bình từ 2-5 người/hộ.

Muốn có món mắm còng thơm ngon đòi hỏi người làm phải bỏ ra nhiều công sức từ khâu sơ chế đến khâu thành phẩm. Mỗi gia đình có một bí quyết riêng để tạo nên hương vị độc đáo cho món mắm còng của mình. Việc công nhận nghề làm mắm còng là nghề truyền thống ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của người dân làm nghề. Đồng thời, giúp địa phương có sơ sở tiếp tục giữ gìn và phát triển ngành nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng bỏ phiếu thống nhất công nhận nghề truyền thống đối với nghề sản xuất, chế biến đặc sản mắm còng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đề nghị, huyện sớm hoàn thiện hồ sơ gửi về các ngành chức năng để tham mưu UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống theo quy định. Các cơ quan chuyên môn cần tạo điều kiện cho các hộ còn duy trì nghề tiếp cận các nguồn vốn chính sách; nâng tầm sản phẩm để đạt chuẩn OCOP; tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang mạng thương mại điện tử,…/.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết