Tiếng Việt | English

01/11/2021 - 22:30

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với bao khó khăn. Nhưng ở chiều ngược lại, với sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương, DN như được tạo thêm sức mạnh, được “căng buồm vượt sóng để ra khơi”, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển KT-XH.

Tạo “vùng xanh” nơi sản xuất

Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long (Cty An Long, Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) chuyên sản xuất dầu ăn các loại từ cao cấp đến bình dân. Giám đốc điều hành Cty - Lê Đăng Quang cho biết, thực hiện chủ trương tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” của UBND tỉnh, thời điểm tháng 7, Cty An Long tổ chức cho 118 người lao động (LĐ) (điều kiện bình thường 210 người) làm việc hơn 2 tháng.

Tuy vậy, nhiều khó khăn chồng chất trong thời điểm nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như nguyên vật liệu, bao bì tăng giá, khan hiếm do các DN cung cấp giảm sản lượng, chi phí lao động “3 tại chỗ” tăng, chi phí phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh thêm,...

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ ngoài thị trường cũng giảm do các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, DN kinh doanh ăn uống ngưng hoạt động. Thời gian thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, người LĐ bắt đầu có tâm lý lo lắng cho người thân ở nhà vì ở vùng tâm dịch.

Đến nay, có trên 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Cty An Long cũng như người LĐ đều phấn khởi bởi chính quyền tỉnh, huyện triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người LĐ thực hiện “3 tại chỗ”. Cty có 100% LĐ “3 tại chỗ” được tiêm vắc-xin, trong đó có 81% LĐ được tiêm 2 mũi. Nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời từ chính quyền tỉnh mà Cty giải quyết được những khó khăn phát sinh để vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm duy trì được sản xuất.

Nhà máy Sản xuất Bao Ad Star Tú Phương (Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) chuyên sản xuất các loại bao bì. Giám đốc nhà máy - Bùi Tố Định cho rằng, chính sách từ chính quyền tỉnh Long An là ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ công nhân (CN), LĐ đã tác động tích cực đến tinh thần, năng suất làm việc trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”. Nhiều CN bày tỏ được tiêm vắc-xin giúp họ thành “CN xanh”, “CN xanh thì nơi sản xuất xanh”.

Theo đó, thực hiện “3 tại chỗ”, nhà máy có 285 CN làm việc (trước dịch có 600 CN). Thời điểm mới tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, tâm lý người LĐ chưa ổn định nên sản lượng giảm. Tuy nhiên, 10 ngày sau, tất cả CN đều đồng tâm cùng nhà máy vừa sản xuất, vừa chống dịch. Tuy chỉ gần 50% CN làm việc nhưng sản phẩm làm ra bằng 70% so với thời điểm trước dịch. Đến thời điểm này, nhà máy có hơn 400 CN trở lại sản xuất; gần 400 CN được tiêm 2 mũi vắc-xin và 165 CN tiêm mũi 1. Số chưa tiêm là do người LĐ khi thực hiện giãn cách về quê ở ngoài tỉnh Long An.

Chống dịch để sản xuất

Giám đốc Điều hành Cty An Long - Lê Đăng Quang cho biết thêm: Thời điểm trước dịch, bình quân trong quí II, III, sản lượng làm ra và tiêu thụ dầu ăn đạt khoảng 18.000 tấn/tháng. Trong quí III, sản lượng sụt giảm còn 12.000 tấn. Tuy giảm lượng sản xuất, tiêu thụ nhưng Cty vẫn còn nhiều hợp đồng xuất, nhập khẩu với khách hàng. Ở thời điểm giãn cách xã hội, nhiều cơ quan quản lý nhà nước như giao thông, hải quan vẫn tổ chức làm việc xuyên suốt, tạo điều kiện tốt nhất cho DN thực hiện thủ tục hành chính.

Điều đáng phấn khởi là khó khăn đã đi qua, CN ở các phân xưởng sản xuất hăng hái trở lại nhà xưởng, tất bật với việc được giao, góp phần cùng Cty đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác. Dự kiến, quí IV/2021 này, Cty sẽ đạt sản lượng sản xuất, bán ra khoảng 18.000 tấn, đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021 là 66.000 tấn dầu ăn.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho CN, Cty quyết tâm giữ “vùng xanh” trong sản xuất. Đây cũng là động lực để Cty yên tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tìm kiếm những thị trường mới, tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong năm 2022 với mục tiêu là 72.000 tấn dầu ăn.

Trong những ngày khó khăn nhất khi đối mặt với dịch Covid-19 lây lan nhanh, Long An đưa mục tiêu chống dịch lên hàng đầu nhưng cũng song hành chuẩn bị phục hồi sản xuất. Lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ được phân bổ vắc-xin để ưu tiên tiêm cho CN. Nhờ đó, các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhanh các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch của tỉnh.

Đến nay, có khoảng 80% tổng số DN đã hoạt động trở lại. Theo lộ trình dự kiến, đến cuối tháng 11/2021, tỉnh sẽ đưa tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh vào trạng thái “bình thường mới”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, ngoài tập trung vắc-xin cho CN, người LĐ đang làm việc trong tỉnh, Long An cũng đang tính toán mở rộng dành thêm vắc-xin để DN thu hút LĐ từ ngoài tỉnh. Đón người LĐ đến Long An cũng là mục tiêu quan trọng song hành cùng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh nhằm hỗ trợ DN đủ lực để sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh mong muốn DN luôn cảm thấy bảo đảm hài hòa lợi ích, hợp lý giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Lợi ích thì phải hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.

Tại buổi họp mặt tri ân doanh nhân, DN đã hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Long An trong thời gian qua cũng như vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út khẳng định, DN hãy an tâm khi đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Long An. Lãnh đạo tỉnh khẳng định cam kết “luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh”; “chính quyền Long An và cộng đồng DN đã, đang và sẽ mãi đồng hành, gắn kết chặt chẽ với nhau”.

Tại buổi họp mặt, hầu hết DN đều cho rằng, chính những lời cam kết, những hành động thiết thực, quyết sách đúng đắn trong thời gian chống dịch của Long An - nơi tâm dịch và chưa có tiền lệ, đã làm cho họ phấn khởi. Những quyết sách này giúp họ thêm niềm tin để đồng hành cùng Long An trong quá trình phát triển kinh tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết