Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Để hướng tới mục tiêu thu hút nhà đầu tư, tạo niềm tin và sự an tâm cho các doanh nghiệp khi bỏ vốn vào các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ là hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP.
Tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức PPP.
Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP.
"Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP quy định 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, cụ thể bao gồm giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thuỷ lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Đánh giá Luật PPP sẽ là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam, tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, hiện nay, còn một số vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước quan tâm.
Trước hết, là vấn đề bảo lãnh. Theo giáo sư Nguyễn Mại, đầu tư PPP là sự phân chia lợi ích giữa nhà đầu tư với Chính phủ. Với đầu tư PPP, không có nhà đầu tư nào bỏ 100% vốn. Bên cạnh phần vốn do nhà đầu tư bỏ ra, Nhà nước có thể đóng góp bằng nguồn vốn ngân sách, hoặc vốn vay, vốn từ phát hành trái phiếu dự án.
Đây cũng là nội dung cần được thể hiện rõ ràng, nếu như không có cơ chế luật pháp, giao cho một đầu mối đứng ra xử lý thì rất khó giải quyết.
Tiếp đến là về chia sẻ lợi ích của dự án, Luật có đề cập đến hai khả năng: lãi hoặc lỗ nhiều hơn phương án trong hợp đồng. Trong Quốc hội có quan điểm cho rằng, đây là cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu. Nhưng ví dụ trong lĩnh vực giao thông, giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, rất khó có thể dự báo chính xác được lưu lượng phương tiện lưu hành trên quãng đường cụ thể nào đó tại một thời điểm nhất định, bởi nó phụ thuộc nhiều yếu tố.
Theo giáo sư Nguyễn Mại, trong hợp đồng PPP cần có một điều khoản, trong trường hợp không thực hiện được đúng như dự toán thì cần xử lý theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích. Còn tới ngưỡng nào thì được chia sẻ lợi ích, cần có tính toán phù hợp, không phải cứ lỗ vài phần trăm đã thực hiện chia sẻ rủi ro. Điều này cần công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hiện nay là cơ chế đấu thầu. Theo đó, ví dụ như trong lĩnh vực giao thông, cần có một tổ chức huy động được các chuyên gia hàng đầu có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm về đường bộ để xem xét dự án PPP, sau đó thành lập hội đồng độc lập để đấu thầu các dự án.
Tạo cơ chế đấu thầu tốt, đảm bảo sự minh bạch
Mặc dù, qua nhiều cuộc tham vấn cộng đồng nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức quốc tế về Luật PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu và hoạt động của kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ có thay đổi để tạo môi trường PPP hấp dẫn, tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Đến nay, các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế đã cảm nhận được rằng Nhà nước có những cam kết rõ ràng hơn, như là một đối tác bình đẳng, chia sẻ hài hòa cả lợi ích và rủi ro, đem đến hiệu quả tốt nhất cho dự án.
Tuy nhiên, để Luật PPP thực sự mang lại hiệu quả cao, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo dựng một nền tảng pháp lý cởi mở, minh bạch, công bằng sẽ xây dựng niềm tin và hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế.
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Dự án USAID LEAP III tại Việt Nam cho rằng, nếu muốn triển khai PPP thành công, Chính phủ sẽ cần thuê tư vấn quốc tế có uy tín về tài chính, pháp lý và kỹ thuật, đồng thời bảo đảm có đủ ngân sách và ý chí chính trị để thực hiện.
Thực tế này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có cơ quan xây dựng dự án PPP chuyên trách như cách nhiều nước đã làm và gặt hái thành công; trong đó, có Philippines.
Bên cạnh đó, hạ tầng vẫn là một trong ba trọng tâm ưu tiên, nếu Việt Nam muốn thu hút làn sóng mới về đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề hạ tầng phải đi trước một bước. "Nguồn lực của Nhà nước có hạn, nhất là sau tác động của dịch COVID-19. Vì thế càng cần bổ sung nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư cho hạ tầng trong thời gian tới," ông Đào Việt Dũng, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay.
Ông Đoàn Giang, Chuyên gia PPP Quốc tế thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Kinh tế khó khăn sẽ làm cho nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là vào những thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện PPP như Việt Nam.
Luật PPP ra đời trong thời gian ngay khi đại dịch qua đi sẽ có ý nghĩa rất nhiều trong việc tạo dựng một nền tảng pháp lý cởi mở, minh bạch, công bằng nhằm xây dựng niềm tin và hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế, chuyên gia Đoàn Giang nhận định.
Có lẽ hơn lúc nào hết, yêu cầu các dự án PPP phải bền vững và có khả năng thích ứng với những thách thức bất ngờ như đại dịch COVID-19. Các dự án như vậy mới có thể không gây ra những gánh nặng ngân sách cho nhà nước khi những trường hợp tương tự như đại dịch xảy ra.
"Tuy nhiên, để có được những dự án như vậy, Luật PPP cần tạo ra môi trường thu hút đầu tư tư nhân và cấu trúc các dự án PPP bền vững. Luật cần đưa ra những nguyên tắc và cấu trúc chặt chẽ nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, linh hoạt và sáng tạo trong giải pháp công nghệ để thích ứng với những thách thức phát sinh trong quá trình xây dựng và vận hành dự án," ông Đoàn Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Luật PPP có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2021.
Theo dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn Luật PPP. Việc ban hành Luật tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng "vay mượn" quy định của các pháp luật khác, tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.
Luật cũng hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ, cũng như bảo đảm thực hiện dự án thành công.
"Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam," ông Trương nhấn mạnh./.
Theo TTXVN