Tiếng Việt | English

02/01/2020 - 09:00

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019: Nghiêm cấm ép uống rượu, bia và lái xe khi hơi thở có nồng độ cồn

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB) năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Trong luật này có nhiều điểm liên quan và tác động trực tiếp đến người dân nên cần lưu ý để chấp hành.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của tài xế

Cấm xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia

Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi cụ thể bị nghiêm cấm trong PCTHCRB. Trong đó có những quy định được nhiều người lưu ý như cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Luật cũng cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Cấm khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức...

Hay khoản 6, Điều 32 của luật còn quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”. Khoản 5, Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.

Ngoài ra, Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia…”.

Khoản 7, Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”…

Chúng tôi nhận thấy, Luật PCTHCRB 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 được nhiều người dân ở Long An đồng tình cao. Nhiều người nhanh chóng nắm bắt luật này qua theo dõi trên báo chí. Những ngày qua, chúng tôi đã nghe nhiều người truyền tai nhau thông điệp “Không được ép nhau uống rượu, bia. Ép là bị xử phạt đó” hoặc “đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe”…

Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Như đã đề cập ở trên, Luật PCTHCRB 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đây là một trong những điểm, quy định mới được quan tâm vì có tác động trực tiếp đến nhiều người, nhất là ở nước ta, khi việc sử dụng phương tiện cá nhân vẫn chủ yếu, trong khi văn hóa giao tiếp bằng rượu, bia vẫn khá phổ biến.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, cho biết, rất đồng tình với quy định này của luật. Bởi theo ông, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia là cực kỳ nguy hiểm, gây ra những tác hại, hậu quả rất lớn, đó không chỉ là tài sản mà còn là tính mạng của con người.

“Câu cửa miệng vẫn thường nói là “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” không còn xa lạ và phần nào tác động đến ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay điều này đã được luật hóa, cho thấy sự quyết tâm phòng ngừa “ma men” gây tai nạn giao thông (TNGT).
Theo tôi, việc luật cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia là rất phù hợp và tiến bộ” - anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, nêu quan điểm.

Ngày 28/12, tại Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn giao thông năm 2019, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Khuất Việt Hùng cho biết, trong năm đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng được xác định do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia gây ra. Đơn cử như vụ việc ngày 01/5, lái xe say rượu gây TNGT trong hầm Kim Liên, Hà Nội, làm chết 2 người. Hay ngày 25/8, tại Thái Nguyên xảy ra vụ TNGT làm 4 người chết, 1 người bị thương; điều đáng nói cả 5 nạn nhân đi chung 1 xe máy và đã uống rượu, bia. “Thời gian tới, đề nghị các địa phương tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Thời gian qua, việc áp dụng xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016. Cụ thể, theo nghị định này và theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông được chia làm 2 trường hợp. Đối với xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì nghiêm cấm người điều khiển xe tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (có nghĩa chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là sẽ bị phạt, không phân biệt ít hay nhiều).

Đối với xe môtô, xe gắn máy chỉ bị phạt khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu
hoặc 0,25mg/1l khí thở.

Trong khi đó, Luật PCTHCRB 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định cứ điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở là vi phạm chứ không cần xét đến chuyện uống nhiều hay ít.

Uống rượu, bia lái xe có thể bị phạt 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46-2016). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo nghị định này, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1l khí thở thì bị phạt từ 6-8 triệu đồng; Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở thì bị phạt từ 16-18 triệu đồng.

Đặc biệt, mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng đối với người lái xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở. Đồng thời, ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Bên cạnh đó, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở thì người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; còn người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.

Theo Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On, ngoài tăng cường xử lý vi phạm, để luật đi vào thực thi trong đời sống thì các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết