Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 16:48

Luật Báo chí 2016 - hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững  

Chiều 27/10, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cho các cấp Hội, các cơ quan báo chí với sự tham dự của 19 hội nhà báo các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đại biểu dự hội nghị

Kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. 

Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương. 

Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ người làm báo đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; việc phân định báo và tạp chí; hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; hoạt động liên kết báo chí,...

Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để giúp cho hội viên – nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội; đồng thời, giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực những người làm báo và toàn xã hội. 

Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. 

Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Trần Trọng Dũng phát biểu tại hội nghị 

Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, sâu sắc của đại diện Hội Nhà báo 19 tỉnh, thành phố phía  Nam cùng các đại biểu tham dự. Các tham luận tập trung vào các chủ đề nóng như làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo từ thực tế hoạt động báo chí ở địa phương. Đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt 10 Điều quy định nghề nghiệp người làm báo; gắn trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Nguyễn Đức Lợi phát biểu kết luận hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – Nguyễn Đức Lợi khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao trước hội viên – nhà báo, các cấp Hội đã nghiêm túc thảo luận, phân tích các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các quy định của Luật Báo chí 2016, những tác động đa chiều tới việc thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và đưa ra những kiến nghị đề xuất, giải pháp hết sức cụ thể. Qua đó, kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, góp phần xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết