Tiếng Việt | English

02/10/2018 - 16:16

Lữ đoàn 125, Vùng 2 hải quân nâng cao toàn diện chất lượng công tác kỹ thuật

9 tháng qua, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm kỹ thuật cho các loại phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là các loại tàu phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và diễn tập trên biển. Có được kết quả đó là nhờ có nhiều cách làm hay trong duy trì thực hiện công tác kỹ thuật ở đơn vị.

Tàu 960 tham gia diễn tập chữa cháy tại cảng Lữ đoàn 125

Chúng tôi có mặt ở cầu cảng của Lữ đoàn 125 khi mặt trời gần đứng bóng, cái nắng chói chang làm mạn tàu phản chiếu xuống mặt sông như những chiếc gương khổng lồ. Đại úy Phạm Đức Cường - Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn, hướng về các con tàu, chia sẻ: “Để có được đội hình tàu sạch, đẹp và chính quy như thế này đòi hỏi từng cán bộ, chiến sĩ toàn lữ đoàn phải thực sự yêu tàu, gắn bó và hết mình chăm sóc tàu. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn sâu sát, tỉ mỉ trong kiểm tra, giám sát đối với công tác kỹ thuật. Chúng tôi luôn khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong khai thác và sử dụng VKTBKT của mỗi người để cùng quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật ở đơn vị mình”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2018, lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, đồng thời thực hiện 2 đột phá “Xây dựng nề nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”. Trong đó, trọng tâm về xây dựng nề nếp chính quy kỹ thuật là thực hiện tốt “Ngày kỹ thuật”; đối với đột phá làm chủ VKTBKT, thực hiện đồng bộ VKTBKT cũ; khai thác, làm chủ vững chắc VKTBKT mới; gắn kết quả công tác kỹ thuật với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chỉ huy đơn vị và cơ quan chuyên môn. Quá trình thực hiện thường xuyên tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để có hướng điều chỉnh trong đột phá vào khâu yếu, mặt yếu được kịp thời.

Nhờ có những giải pháp đột phá đúng nên lữ đoàn bảo đảm kỹ thuật tốt cho 22 chuyến tàu thực hiện nhiệm vụ và 6 chuyến hành quân sửa chữa tại xưởng; bảo đảm kỹ thuật vũ khí đạn cho 5 tàu tham gia diễn tập VTH-18 có bắn đạn thật trên biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cấp phát vật tư, trang bị theo quy định, đúng nguyên tắc, hệ số kỹ thuật luôn vượt từ 3-5%; bảo quản, bảo dưỡng, sơn sửa hơn 7.950m2 thân vỏ, 6.100m đường ống. Công tác huấn luyện và tập huấn kỹ thuật thực hiện đúng kế hoạch, quân số tham gia đạt trên 98%, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, có trên 85% khá, giỏi. Thông qua huấn luyện, tập huấn giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật ngày càng được củng cố và nâng cao, nhất là trong làm chủ chuyên sâu VKTBKT mới.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 thực hành bảo dưỡng máy tàu

Khi lên tham quan tàu 513 đang neo tại cảng, vừa đặt chân lên boong tàu, mỗi chúng tôi đều cảm nhận được sự gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp ngay từ lối đi. Cả một con tàu lớn nằm phơi nắng, phơi mưa nhưng boong và vỏ sạch, các loại dây neo, dây xích được bôi mỡ đen bóng,... Đến từng ngóc ngách khắp con tàu, từ buồng chỉ huy, buồng máy đến phòng ở, đi đến đâu cũng thấy các trang thiết bị kỹ thuật được giữ gìn sạch sẽ. Đại úy Vũ Ngọc Mười - Thuyền trưởng, chia sẻ: “Tàu 513 vừa tham gia huấn luyện hiệp đồng và diễn tập đổ bộ đường biển với Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân về. Mặc dù tàu cũ, phương tiện kỹ thuật trên tàu xuống cấp nhiều nhưng tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có được điều đó là nhờ cán bộ, chiến sĩ luôn xem con tàu như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi người tự ý thức được vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng “ngôi nhà” của mình sao cho sạch, đẹp. Từng cán bộ, chiến sĩ tự xây dựng kế hoạch lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng đối với các vị trí được phân công. Đặc biệt, trong đợt huấn luyện vừa qua, tinh thần ấy lại càng cao để mỗi người, mỗi ngành bảo đảm tốt nhất kỹ thuật cho con tàu.

Đúng là với một khối lượng phương tiện kỹ thuật, tàu thuyền lớn như ở Lữ đoàn 125, nếu không có sự đầu tư, nhiều giải pháp trong công tác kỹ thuật thì không thể bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ. Chia sẻ về điều này, Thượng tá Nguyễn Đình Lịch - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, cho biết: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi luôn có sự ưu tiên cho công tác kỹ thuật của đơn vị. Ngoài duy trì nghiêm các chế độ, nề nếp công tác bảo quản, bảo dưỡng, chúng tôi còn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh em và không được chủ quan, nôn nóng trong quá trình khai thác, sử dụng VKTBKT. Hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật là tiền đề, động lực to lớn để lữ đoàn gặt hái nhiều kết quả cao trong huấn luyện, góp phần xây dựng lữ đoàn vững mạnh toàn diện./.

Phạm Quang Tiến

Chia sẻ bài viết