Những học trò đặc biệt
Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, lớp học tình thương ra đời nhằm giúp trẻ em nghèo được học chữ. Đa phần các em là con của những người lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Tây, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu giấy tờ tùy thân để được đến trường hoặc quá tuổi vào lớp 1,...
Năm học 2022-2023, lớp học tình thương được Trường Phổ thông Quốc Tế Kinh Bắc hỗ trợ giáo viên, giáo trình, giáo án điện tử và thiết bị dạy học hiện đại,...
14 tuổi, Lê Hoàng Giang vừa học lớp 1 tại lớp học tình thương, vừa đi làm để phụ giúp gia đình. Một ngày của Hoàng Giang dường như dài hơn bạn bè cùng trang lứa bởi em phải dậy sớm đi bán vé số, rồi tất bật đến lớp học vào buổi chiều và khi đi học về thì phụ giúp mẹ việc nhà. Hoàng Giang kể: “Khi bắt đầu hiểu chuyện, em chỉ muốn kiếm tiền phụ giúp mẹ vì thấy mẹ quá vất vả. Lúc 5 tuổi, em từng lén mẹ đi ăn xin để kiếm tiền. Biết được việc làm của em, mẹ buồn và không cho em làm nữa. Lớn hơn một chút, em đi bán vé số, đến nay được 3 năm. Bắt đầu đi làm, em mới hiểu không biết chữ là một điều thiệt thòi lớn, cả tên mình cũng không biết viết như thế nào, rồi tính toán không được nên dễ bị lừa. Do vậy, khi biết đến lớp học tình thương, mẹ cho em đi học dù đang ở trọ tại xã Long Định, huyện Cần Đước”.
Mỗi ngày, Hoàng Giang thường dậy sớm để 6 giờ bắt đầu đi bán vé số. Cầm 150 tờ vé số, em cố gắng bán hết trong buổi sáng để chiều về đi học. Có hôm ế, tới giờ học mới bán hết, em chạy vội đến lớp mà không kịp ăn trưa. Hoàng Giang tâm sự: “Những lúc bán ế quá, mẹ sẽ bán phụ để em kịp đi học vì mẹ không muốn em bỏ học rồi thua sút bạn bè. Em cũng thích được đi học để biết đọc, viết, tính toán. Sau này, em có thể viết tên mình và ký tên trong đơn xin việc”.
Học sinh chơi trò chơi vào giờ giải lao
Hoàn cảnh của Nguyễn Thị Trân Em, 14 tuổi, đang học lớp 1 tại lớp học tình thương cũng đặc biệt không kém. Hiện 4 chị em của Trân Em học cùng lớp 1 tại lớp học tình thương. Trân Em thổ lộ: “Quê em ở Kiên Giang, chị em của em ở cùng cha mẹ trong căn phòng trọ tại thị trấn Bến Lức. Mỗi buổi sáng, em theo mẹ lên TP.HCM, phụ dì bán đồ để kiếm tiền. Chị gái của em ở nhà chăm em út 3 tuổi. Chiều về, 4 chị em đi học để biết chữ với mong muốn sau này có thể tìm được việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân”. Tuy vừa đi làm, vừa đi học nhưng Trân Em luôn nỗ lực học tập, thường xuyên được thầy khen ngợi khi tham gia phát biểu và kiểm tra đạt điểm cao.
Thượng tá Vũ Văn Hải - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức, chia sẻ: “Hiện lớp học tình thương có 6 lớp với 96 học sinh (HS) và đa số các em đang học lớp 1. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em, nhất là những em lớn tuổi phải vừa đi học, vừa đi làm để phụ giúp gia đình”.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Sau gần 10 năm hoạt động, lớp học tình thương từ căn phòng trọ nhỏ đến nay đã khang trang với 4 phòng học, thư viện, sân chơi, máy lọc nước,... phục vụ HS. Đây là trụ sở của trạm y tế, cho lớp học tình thương mượn để sử dụng. Mỗi phòng học được bố trí đầy đủ bàn, ghế, bảng, đèn, quạt,... đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Các em còn được hỗ trợ sách, vở và đồng phục trong quá trình học tập. Năm học 2022-2023, lớp học tình thương được Trường Phổ thông Quốc Tế Kinh Bắc hỗ trợ giáo viên, giáo trình, giáo án điện tử, các bộ sách cho HS và thiết bị dạy học, gồm: 2 laptop, 1 tivi thông minh. Hàng tháng, trường hỗ trợ ra đề kiểm tra để đánh giá năng lực và kết quả học tập của các em. Những HS có thành tích cao được trường tặng giấy khen và phần thưởng nhỏ 50.000 đồng tiền mặt. Đây cũng là hình thức khích lệ tinh thần học tập của HS, giúp các em nỗ lực, phấn đấu hơn trong quá trình học và kiểm tra.
Thượng tá Vũ Văn Hải cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Trường Phổ thông Quốc Tế Kinh Bắc mà chất lượng dạy và học của lớp học tình thương được nâng lên rõ nét. HS được học với giáo viên có chuyên môn và tiếp cận chương trình giảng dạy chuyên nghiệp. Đồng thời, các thầy giáo “quân hàm xanh” được học hỏi thêm rất nhiều, giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”.
Học sinh đến thư viện để đọc sách, mở mang kiến thức
Học theo giáo trình Trường Phổ thông Quốc Tế Kinh Bắc, HS không chỉ được thầy giáo "quân hàm xanh" theo sát hướng dẫn mà còn được học qua giáo án điện tử từ tivi thông minh với những hình ảnh, âm thanh sinh động. Nhờ vậy, HS hiểu bài kỹ và hứng thú học tập hơn. Ngoài ra, lớp học còn có thư viện dành cho HS đọc sách, đọc truyện, tô màu, vẽ tranh,... Thông qua các hoạt động này, HS được giao lưu, kết bạn và mở mang kiến thức cũng như phát huy năng khiếu.
Thượng úy Trần Văn Cảnh - thầy giáo “quân hàm xanh” của lớp học tình thương, thổ lộ: “Ngoài dạy kiến thức, thầy giáo “quân hàm xanh” còn chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Chúng tôi dạy HS mọi lúc, mọi nơi và lồng ghép trong nội dung bài học, đặc biệt là dạy cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè để các em ngày càng chăm ngoan, học giỏi”.
Bên cạnh hoạt động liên quan đến học tập, vào dịp lễ, tết, nhất là Tết Trung thu và Quốc tế Thiếu nhi, HS được chơi các trò chơi, tặng quà như bánh, kẹo, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp, nhu yếu phẩm,... Đó là sự quan tâm, hỗ trợ của mạnh thường quân, giúp các em có thêm niềm vui cũng như phần nào chia sẻ gánh nặng cùng gia đình các em.
Nhờ lớp học tình thương, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt được tìm đến “con chữ” để biết đọc, viết, làm toán và có tuổi thơ ý nghĩa như các bạn cùng trang lứa. Đồng thời, các em được giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống để tự tin bước ra xã hội./.
An Nhiên