Tiếng Việt | English

10/06/2019 - 14:23

Long Trạch: Nói không với “tín dụng đen”

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ do vay “tín dụng đen” (TDĐ). Vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã vay vốn cũng như thỏa thuận về việc vay thông qua các đối tượng cho vay lãi suất cao, hình thức cho vay đơn giản,...Hiện các cấp, các ngành đang vào cuộc để giải quyết tình trạng này.

Long Trạch phát tờ bướm đến từng hộ dân, tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc nói không với tín dụng đen
Thủ tục vay nhanh, gọn

Hiện nay, dọc Đường tỉnh 826, 835 và các đường liên ấp, liên xã tại một số địa phương, dễ dàng bắt gặp những tờ rơi, tờ quảng cáo với dòng chữ “Cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản nhanh, gọn, nhận tiền ngay, lãi suất thấp, người giới thiệu cho vay được hưởng hoa hồng cao”, kèm theo đó là số điện thoại liên hệ, dán khắp nơi trên cột điện, tường rào và các gốc cây. Đó là một trong những chiêu trò của các đối tượng TDĐ lôi kéo cho vay vốn đối với những người dân nhẹ dạ cả tin và cần vốn.

Ngoài ra, các đối tượng cho vay TDĐ thường “núp bóng” các hình thức: Dịch vụ cầm đồ, hình thức hợp đồng mua bán nhà đất, vay thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe môtô, bảo hiểm y tế,... Các đối tượng cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” 20%/tháng và khống chế người vay thế chấp tài sản nhà ở, ruộng, đất,...Nếu người vay không trả được nợ sẽ đem giấy tờ này đi công chứng, hợp thức hóa. Nếu như người vay không có tài sản thì đối tượng cho vay sử dụng băng nhóm đòi nợ thuê uy hiếp, đe dọa, gây thương tích đối với người vay tiền. Có nhiều nạn nhân rơi vào cảnh mất nhà, mất đất mà không hay biết.

Cách đây hơn 1 năm, bà Đặng Thị Hồng Nga (ấp Long Thanh, xã Long Trạch) vay 40 triệu đồng, sau 12 tháng, tiền vay và lãi trên 90 triệu đồng, không có khả năng chi trả, bà bị nhóm đối tượng gây rối, dùng lời lẽ khiếm nhã, hăm dọa bằng nhiều hình thức và dùng nước sơn trộn với mắm ruốc tạt thẳng vào nhà. Nhóm đối tượng này liên tục tìm đến nhà khiến bà bất an, lo sợ. Cùng chung hoàn cảnh là anh Phan Minh Phụng, ngụ ấp Đồng Tâm, liều lĩnh vay 2 tỉ đồng, sau 18 tháng, số tiền nợ lên đến 5 tỉ đồng. Không chịu nổi sự khủng bố tinh thần từ đối tượng cho vay, anh đã bỏ nhà đi khỏi địa phương.

Thực tế, khi vay TDĐ, người dân không cần thế chấp, được vay nhanh và chỉ là mối quan hệ giao dịch giữa người cho vay và người vay, sự ràng buộc giữa người cho vay và người đi vay thường thỏa thuận bằng miệng hoặc chỉ là những tờ giấy viết tay, không ghi nhận mức lãi suất, chỉ ghi số tiền cho vay và thời hạn trả nợ, cả người cho vay và người vay đều giấu kín hoạt động của mình, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý khi phát sinh vụ việc. 

Đẩy lùi tín dụng đen

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Trạch - Phan Văn Thành Xuyên thông tin: Hiện nay, tình trạng cho vay TDĐ xảy ra ngày càng phức tạp, địa bàn xã có 9 vụ gây ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người dân. Trước tình trạng đó, xã thành lập Ban Chỉ đạo mô hình Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nói không với cho vay nặng lãi, TDĐ gồm 20 thành viên, tiến hành khảo sát, lập danh sách cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi - TDĐ trên địa bàn xã. Đồng thời, gặp gỡ, tiếp xúc với bản thân và gia đình người tham gia các hoạt động cho vay và cho vay nặng lãi - TDĐ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, qua đó tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, quan tâm động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện về việc làm để người dân ổn định cuộc sống. 

Hoạt động cho vay nặng lãi theo hình thức TDĐ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, phát sinh tội phạm cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản,... Các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết, nhận thức và cảnh giác cao trước thủ đoạn của các đối tượng hoạt động TDĐ. Các ngân hàng cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, tăng cường các nguồn vốn cho đối tượng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, qua đó hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, vay TDĐ,.../.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết