Tiếng Việt | English

22/01/2020 - 21:05

Long An: Ứng dụng công nghệ cao, tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

Điệp khúc “được mùa, mất giá” hay những đợt “giải cứu nông sản” từ lâu trở thành nỗi ám ảnh đối với nông dân và là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận đối với lãnh đạo ngành nông nghiệp. Nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu đã không còn phù hợp với thị trường ngày càng đòi hỏi các sản phẩm chất lượng. Thay vào đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang nhận được sự đồng tình ủng hộ và mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả

Hướng đi tất yếu

Vài năm trở lại đây, nông nghiệp ƯDCNC mang lại nhiều lợi ích. Liên kết sản xuất giúp nông dân sản xuất ƯDCNC đạt hiệu quả cao hơn. Ông Phan Văn Sang - thành viên Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An), cho biết: “ƯDCNC vào sản xuất, nông dân giảm sức lao động, các khâu đều được cơ giới hóa. Cụ thể, các hộ thành viên ứng dụng tia laser trong khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng quy trình “1 phải, 6 giảm”,… nhằm tiết kiệm chi phí, phân bón, giống. Bên cạnh đó, nhà nông không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm”. Không những cây lúa mà đối với cây rau, thanh long, sản xuất ƯDCNC cũng lan tỏa trong nông dân.

Hiện nông dân sản xuất đạt hiệu quả ngày càng cao. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy thông tin: “HTX đã đầu tư hàng tỉ đồng để trang bị nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho hơn 10ha cánh đồng rau ƯDCNC này. Việc trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng phân hữu cơ sinh học, hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây rau phát triển tốt hơn, ít sâu, bệnh, giảm chi phí, năng suất tăng, lợi nhuận cao hơn sản xuất kiểu truyền thống từ 2-5 triệu đồng/1.000m2”. Những năm gần đây, nông dân áp dụng công nghệ mới vào việc chăm sóc cây thanh long. Theo đó, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới nước tự động giúp người dân tiết kiệm được 80% công lao động cũng như điện năng và nước tưới. Theo Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Nguyễn Hữu Gia, thống kê của huyện, việc trồng thanh long ƯDCNC mang lại lợi nhuận tăng  bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha. 

HTX phát triển được 7 tổ hợp tác sản xuất thanh long ƯDCNC với diện tích 128,55ha; cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 21,4ha cho 30 hộ; phối hợp Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị 14,5ha.

Phát triển bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Bên cạnh sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, từ khóa mà chúng ta cần quan tâm là “nông nghiệp bền vững”. Vì vậy, cần tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo mối liên kết, giúp người sản xuất với các nhà khoa học,… ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu về giống mới, mô hình có hiệu quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương; nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ phụ trách để tạo nền tảng khoa học - kỹ thuật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC,… Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông nghiệp bằng nhiều hình thức: Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nông sản khi có điều kiện; hỗ trợ nông dân quảng bá thương hiệu, xúc tiến thị trường; tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp ƯDCNC; hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ nông nghiệp trong và ngoài địa phương;… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trong việc tiếp cận thị trường”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết